Kinh tế

Xuất khẩu Đắk Nông cán mốc 1 tỷ USD

Lê Dung 01/01/2025 08:36

Năm 2024 với nhiều biến động từ thị trường nhưng hoạt động xuất khẩu của Đắk Nông đã nỗ lực vượt khó và đạt dấu mốc mới.

Ghi điểm từ sản phẩm chủ lực

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Đắk Nông đang khai thác tối đa thị trường hiện có, nhằm gia tăng giá trị.

Sản phẩm cà phê của Đắk Nông đang tham gia xuất khẩu ở nhiều thị trường trên thế giới
Năm 2024, mặt hàng cà phê đang chiếm khoảng 28% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Đắk Nông

Năm 2024, do ảnh hưởng từ thị trường, nên nhu cầu tiêu thụ hàng hóa giảm. Điều đó, dẫn đến sản lượng xuất khẩu của mặt hàng cà phê Đắk Nông không đạt kế hoạch.

Tuy nhiên, bù lại do giá tăng mạnh, nên kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này thực hiện được khá cao, ước đạt 280 triệu USD, tăng 70,6% so với năm 2023.

Trong năm 2024, mặt hàng cà phê đang chiếm khoảng 28% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Đắk Nông.

Sản phẩm cà phê của tỉnh hiện đang được cung ứng qua các thị trường xuất khẩu chính như: Singapore, Tây Ban Nha, Đức, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Trung Quốc, Thụy Sĩ…

Trong 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của cà phê Đắk Nông tăng 114% so với cùng kỳ năm trước
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Đắk Nông tăng 70,6% so với cùng kỳ năm trước

Trên địa bàn tỉnh đang có nhiều doanh nghiệp chế biến cà phê tham gia phục vụ thị trường các nước trên thế giới, gồm: Công ty TNHH Olam Việt Nam, Intimex Đắk Nông, Công ty TNHH Hồng Đức…

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Đức (Đắk R’lấp) cho hay, năm 2024 là một năm cực kỳ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Không chỉ giá nguyên, nhiên liệu tăng cao, làm tăng chi phí sản xuất, mà khâu vận chuyển cũng có nhiều chật vật do nhiều thời điểm giá cước tàu biển tăng chóng mặt.

Áp lực cạnh tranh trong ngành ngày càng lớn, vì các doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí đầu vào cho sản xuất cao hơn. Đồng thời, doanh nghiệp phải bảo đảm giá bán vẫn cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

"Điều này đặt ra một thách thức lớn, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu phải có những giải pháp linh hoạt trong cơ cấu lại thị trường và mặt hàng", bà Nguyệt cho hay.

img_6113.jpg
Hồ tiêu đang là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Đắk Nông trong năm qua

Tương tự, tiêu đen của Đắk Nông cũng đang chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh. Hiện mặt hàng này đang được xuất khẩu qua các thị trường chính như: Singapore, Africa, Trung Quốc, Australia, Canada, Anh, Newzeland.

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này thực hiện được 90 triệu USD tăng 48,8% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp tham gia xuất khẩu mặt hàng chủ lực này chủ yếu là Công ty TNHH Olam Việt Nam.

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước thực hiện được hơn 1 tỷ USD, đạt kế hoạch và tăng 14,9% so với năm 2023. Trong đó, cà phê 280 triệu USD; điều nhân 135 triệu USD; tiêu đen 90 triệu USD; ván MDF 35 triệu USD; sản phẩm alumin 270 triệu USD; các sản phẩm khác 201 triệu USD.

Đắk Nông hiện có 16 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh được mở rộng đến 35 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

img_5381.jpg
Sản phẩm alumin của Đắk Nông đang được xuất khẩu qua nhiều thị trường trên thế giới

Nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh hiện nay gồm có: cà phê, hạt điều, hạt tiêu, ván MDF, alumin Các sản phẩm này về cơ bản đang có thị trường xuất khẩu chính ngạch ổn định.

Chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu

Đắk Nông đặt mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt bình quân từ 5-6%/năm. Tỉnh ưu tiên phát triển xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, có quy mô xuất khẩu và lợi thế cạnh tranh cao như: nông sản, trái cây đã qua chế biến; alumin, nhôm và các sản phẩm từ nhôm...

Sầu riêng được Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân cấp đông trước khi xuất khẩu qua các thị trường
Sầu riêng cấp đông phục vụ xuất khẩu của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân, TP. Gia Nghĩa

Giám đốc Sở Công thương Đắk Nông Nguyễn Bá Út cho hay, trong cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của tỉnh sắp tới sẽ ưu tiên gia tăng tỷ trọng hàng hóa có hàm lượng chế biến sâu, công nghệ cao, tỷ lệ nội địa hoá lớn.

Đây cũng chính là giải pháp nhằm đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng và phát triển bền vững cho hàng hóa Đắk Nông tại các thị trường.

Cụ thể, ở nhóm hàng khoáng sản, Đắk Nông sẽ giảm dần xuất khẩu đối với khoáng sản quan trọng kể cả dưới dạng tinh quặng. Nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ được khai thác có hiệu quả tiềm năng thị trường gắn với chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu. Đồng thời, nâng cao thị phần xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh.

Sản xuất chanh dây phục vụ xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Thuận Tâm Đắk Nông
Sản xuất chanh dây phục vụ xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Thuận Tâm Đắk Nông, TP. Gia Nghĩa

Riêng nhóm hàng chế biến nông, lâm sản sẽ được nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, mở rộng thị trường và thương hiệu hàng hóa xuất khẩu.

Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của nhóm này hướng mạnh vào chế biến sâu, chất lượng cao và các sản phẩm công nghệ cao.

pc.jpg

Đắk Nông phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh đạt trên 90%.

Đặc biệt là nâng cao khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, môi trường và phát thải các bon thấp.

Đắk Nông sẽ tăng cường đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để không phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường, đối tác, ngành hàng và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ các cuộc xung đột thương mại.

dieu-hong-duc-c7fb4b9e857875919ef7d9b7d21fbfee(1).jpg
Hạt điều nhân phục vụ xuất khẩu của Công ty TNHH Hồng Đức, huyện Đắk R'lấp

Tỉnh sẽ đẩy mạnh xuất khẩu nhằm duy trì vững chắc và mở rộng thị phần xuất khẩu tại các thị trường như: Singapore, Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Úc, Nhật Bản, Brunei, Malaysia…

Đồng thời, Đắk Nông sẽ tiếp cận các thị trường xuất khẩu lớn, còn nhiều dư địa tăng trưởng ở châu Á, châu Phi, Bắc Âu, Đông Âu và Mỹ Latinh.

Cùng với đó sẽ khai thác tốt lợi thế về thuế của các thị trường có FTA. Tỉnh cũng thúc đẩy chuyển nhanh và mạnh sang thương mại chính ngạch các mặt hàng nông sản như: tiêu, cà phê, điều…

Xuất khẩu Đắk Nông cán mốc 1 tỷ USD , Lê Dung
Biểu đồ: Thế Huy

Để hỗ trợ xuất khẩu, Đắk Nông sẽ đa dạng hóa thị trường nhập khẩu. Đặc biệt là thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, phụ liệu phục vụ sản xuất, hạn chế phụ thuộc vào một thị trường.

Điển hình là sẽ ưu tiên nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư đầu vào được tạo ra từ công nghệ cao, công nghệ tiên tiến mà trong nước chưa sản xuất được.

Trong đó, chú trọng nhập khẩu từ Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ với các công nghệ tiên tiến gắn với việc chuyển giao công nghệ, bí quyết kỹ thuật công nghệ.

img_6727.jpg
Đắk Nông sẽ đa dạng hóa thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, phụ liệu phục vụ sản xuất

Tỉnh tiếp tục tập trung tạo thuận lợi và cắt giảm chi phí thương mại thông qua phát triển đồng bộ, hiệu quả hệ thống hạ tầng phục vụ thương mại, bao gồm: hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics, hạ tầng số… nhằm tối ưu hóa kết nối sản xuất và thương mại.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Xuất khẩu Đắk Nông cán mốc 1 tỷ USD
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO