Xuân no ấm trên những cánh đồng ở Đắk Nông
Sau những ngày tết, bà con nông dân Đắk Nông lại ra đồng chăm sóc cây trồng và kỳ vọng một năm mới mưa thuận, gió hòa, đạt nhiều thắng lợi.
Sớm ra đồng chăm sóc cây trồng
Bước vào vụ đông xuân năm nay, các địa phương trọng điểm về diện tích cây ngắn ngày vẫn tập trung xây dựng những cánh đồng mẫu lớn theo hướng hàng hóa, chất lượng cao.
Trong đó, nhiều cánh đồng lúa VietGAP mang lại hiệu quả tại các xã: Cư K’nia, Đắk D’rông, huyện Cư Jút; cây bắp giống F1, lúa ở các xã: Nâm N’đir, Đức Xuyên, Buôn Choáh, huyện Krông Nô…
Gia đình ông Dương Văn Thức ở xã Cư K’nia, huyện Cư Jút vụ này xuống giống 5 sào lúa. Sau những ngày vui xuân, đón tết, ông Thức ra đồng thăm ruộng lúa đang trong thời kỳ phát triển rễ, đẻ nhánh.
Ông Thức cho biết: “Hiện nay, chúng tôi chủ yếu trồng lúa theo hướng thương phẩm. Do đó, các vùng trồng lúa trở thành những “cánh đồng vàng,” giúp nhiều hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.”
Theo ông Thức, nhờ điều kiện sản xuất thuận lợi, đồng ruộng màu mỡ, giao thông, kênh mương nội đồng thuận tiện nên dễ dàng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm.
Trung bình, một tấn lúa tươi có giá 7 - 8 triệu đồng. Với mức giá này, bà con nông dân thu về gần 90 triệu đồng/ha lúa, trừ chi phí thì lãi khoảng 50 triệu đồng/ha. Đây là mức thu nhập khá đối với nghề trồng lúa.
Còn tại huyện Krông Nô, vụ đông xuân này, địa phương vẫn tập trung xây dựng 2 vùng sản xuất lúa chất lượng cao tại Buôn Choáh và Nâm N’đir. Bên cạnh cây lúa, huyện cũng tập trung phát triển vùng trồng bắp F1 giúp nâng cao thu nhập cho nông dân.
Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng NN - PTNT huyện Krông Nô, vụ đông xuân hằng năm, người dân đã liên kết với các đơn vị như Công ty CP Syngenta, Tổng Công ty Giống cây trồng Việt Nam… sản xuất từ 500 – 700ha bắp F1.
Sản xuất bắp mang lại sự ổn định và hướng đến vùng hàng hóa chất lượng cao. Năng suất bắp F1 trung bình đạt từ 8 – 10 tấn/ha, giá bán từ 14.000 – 15.000 đồng/kg, mang lại cho người dân nguồn thu nhập khá ổn định.
“Giá trị cây bắp F1 mang lại khá cao, đặc biệt vụ đông xuân có năng suất cao hơn vụ hè thu. Một vụ bắp sau 3 tháng trồng, trừ tất cả các chi phí, người dân thu về khoảng trên 100 triệu đồng/ha”, ông Lộc cho biết thêm.
Lãnh đạo Sở NN - PTNT cho biết, sau những ngày vui xuân đón tết, nông dân lại tất bật ra đồng chăm sóc cây trồng với tinh thần phấn khởi, hy vọng vào một vụ mùa bội thu.
Trên các cánh đồng, vườn rẫy cà phê, hồ tiêu hay những ruộng rau màu, không khí lao động trở nên nhộn nhịp. Ngay từ sáng sớm mùng 4 tết, người dân đã ra đồng vun gốc, bón phân, tưới nước cho cây trồng.
Đây là thời điểm quan trọng để giúp các loại cây sinh trưởng tốt, nên bà con nông dân sớm kết thúc những ngày vui tết, tranh thủ từng ngày, từng giờ để làm việc.
Ở những vùng trồng cà phê, bà con tranh thủ tưới nước, dọn dẹp cỏ dại để cây phát triển, ra hoa đồng đều. Các vườn hồ tiêu nông dân cũng đã bắt tay thu hoạch với niềm vui được mùa, giá bán cao.
Với những diện tích trồng rau màu, nông dân tăng cường tưới tiêu, bón phân để rau phát triển nhanh, đáp ứng nhu cầu thị trường sau kỳ nghỉ tết...
Hứa hẹn năm mới nhiều thắng lợi
Bước vào năm mới 2025, cũng là thời điểm nhiều nhà vườn bắt đầu thời kỳ chăm sóc hồ tiêu, cà phê, làm bông cho sầu riêng. Do đó, ngay từ ngày mùng 4 tết, nhiều người đã xuất hành ra đồng để tưới nước, bón phân, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để cà phê, sầu riêng ra hoa, đậu trái.
Gia đình anh Nguyễn Văn Quyền ở xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song trồng trên 2ha cà phê. Vụ cà phê vừa qua, anh Quyền hết sức phấn khởi vì chưa bao giờ chứng kiến giá cà phê tăng cao như vậy.
Với giá bán 120.000 đồng/kg, anh Quyền vô cùng phấn khởi vì nguồn thu nhập từ cà phê giúp gia đình có thu nhập gấp nhiều lần so với các năm trước.
Anh Quyền cho hay: “Với giá ở mức cao như hiện nay, người trồng cà phê tự tin đầu tư chăm sóc, hy vọng năm tới sẽ đạt năng suất và chất lượng cao hơn”.
Còn gia đình anh Nguyễn Đức Sơn ở xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong có gần 2ha sầu riêng giai đoạn kinh doanh. Theo anh Sơn, trước Tết Nguyên đán hơn 15 ngày, vườn sầu riêng của gia đình anh bắt đầu làm bông.
Vụ sầu riêng năm ngoái, gia đình anh đã thu về hơn 1 tỷ đồng. Đây là mức thu nhập vượt ngoài mong đợi của gia đình anh. Vì thế, tết vừa qua là cái tết rất sung túc, ấm cúng.
Anh Sơn chia sẻ thêm, từ nhiều năm nay, gia đình đã áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, sinh học. Theo đó, anh luôn tuân thủ nghiêm quy trình chăm sóc, bón phân đến bảo quản sản phẩm sầu riêng sau thu hoạch.
Do cây sầu riêng thích ứng tốt với điều kiện thời tiết của địa phương nên quá trình ra hoa, đậu quả đúng thời kỳ, đạt năng suất cao và chất lượng bảo đảm.
“Một cây sầu riêng nếu chăm sóc đúng quy trình sẽ cho khoảng từ 300 - 400kg quả. Chi phí đầu tư chăm sóc khoảng 700.000 đồng/cây, với giá bán khoảng từ 70.000 - 80.000 đồng/kg như năm ngoái thì vườn cây mang về cho gia đình hàng tỷ đồng”, anh Sơn cho hay.
Theo lãnh đạo Sở NN - PTNT Đắk Nông, trong năm 2024, ngành Nông nghiệp tỉnh đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Trong đó, nổi bật có lĩnh vực trồng trọt và xây dựng nông thôn mới.
Trong năm qua, diện tích gieo trồng các loại cây trồng chủ lực đạt hơn 312.000ha, sản lượng ước tính đạt 1,16 triệu tấn. Đặc biệt, các loại cây công nghiệp dài ngày tiếp tục giữ vị thế.
Đắk Nông cũng ghi nhận thành công trong việc áp dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Ngành Nông nghiệp đã tích cực hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác… tham gia chuỗi liên kết, thiết lập, đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Năm 2024, Đắk Nông có 40/60 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Kết quả này cho thấy sự quyết tâm và phối hợp hiệu quả giữa chính quyền và người dân các địa phương.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN - PTNT, nông nghiệp của Đắk Nông phát triển đã nâng cao đời sống của nông dân và làm cho diện mạo nông thôn có sự thay đổi sâu sắc theo hướng ngày càng hiện đại, văn minh.
Đắk Nông có trên 130 chủng loại cây trồng, vật nuôi khác nhau. Trong đó, có 4 sản phẩm chủ lực cấp tỉnh gồm: cà phê 142.000ha, hồ tiêu 34.000ha, cao su gần 23.000ha, điều gần 17.000ha. Bên cạnh đó, Đắk Nông cũng xác định có 19 sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của địa phương như: sầu riêng 12.000ha, bơ 3.300ha, mắc ca 3.300ha, chanh dây 1.000ha và một số cây ăn quả có múi, mít, xoài...