Xu thế tất yếu của năng lượng xanh

Thái An| 09/08/2023 07:13

Trong bối cảnh thế giới đẩy nhanh việc giảm lượng khí thải và chuyển đổi năng lượng nhằm đạt mục tiêu về trung hòa các-bon, việc đầu tư phát triển năng lượng sạch được chú trọng hơn bao giờ hết. Thực thi cam kết đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Mỹ và châu Âu đưa ra những chính sách ưu tiên phát triển năng lượng sạch và ghi nhận kết quả tích cực.

Phát triển năng lượng tái tạo giúp chống biến đổi khí hậu. Ảnh: GETTY IMAGES
Phát triển năng lượng tái tạo giúp chống biến đổi khí hậu. Ảnh: GETTY IMAGES

Cam kết đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Mỹ đã có nhiều chương trình đầu tư phát triển năng lượng sạch. Chính quyền Mỹ ưu tiên hỗ trợ các dự án giảm lượng khí thải nhà kính, một trong những nguyên nhân khiến trái đất nóng lên.

Quỹ Giảm khí thải nhà kính của Mỹ trị giá 27 tỷ USD được thành lập theo Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) đã được thông qua vào năm ngoái. Quỹ này được đề xuất nhằm nhân rộng mô hình của hơn 20 ngân hàng xanh ở các bang như Michigan và Maryland đầu tư vào các chương trình năng lượng mặt trời dân dụng... Các ngân hàng xanh phi lợi nhuận sẽ giúp giảm rủi ro của những dự án ở các cộng đồng có thu nhập thấp bằng cách cung cấp hỗ trợ tài chính và giúp thu hút đầu tư của khu vực tư nhân.

Tháng 6 vừa qua, chính quyền Mỹ đã khởi động chương trình tài trợ trị giá 7 tỷ USD, giúp các cộng đồng có thu nhập thấp tiếp cận với pin năng lượng mặt trời dân dụng.

Sinh viên, chủ doanh nghiệp nhỏ và các nhà lãnh đạo cộng đồng với những ý tưởng sáng tạo nhằm giảm lượng khí thải và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch giờ đây sẽ chứng kiến các dự án của họ trở thành hiện thực, đồng thời tạo ra một nền kinh tế năng lượng sạch cho tất cả mọi người.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris

Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) mới đây công bố hai chương trình với các khoản tài trợ trị giá 20 tỷ USD nhằm thúc đẩy đầu tư cho năng lượng sạch trên toàn quốc, nhất là ở các cộng đồng có thu nhập thấp, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, chương trình “Quỹ đầu tư sạch quốc gia” trị giá 14 tỷ USD sẽ tài trợ cho 2-3 tổ chức tài chính quốc gia hợp tác với khu vực tư nhân để cung cấp tài chính cho hàng chục nghìn dự án công nghệ sạch trên toàn nước Mỹ.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cho biết: “Sinh viên, chủ doanh nghiệp nhỏ và các nhà lãnh đạo cộng đồng với những ý tưởng sáng tạo nhằm giảm lượng khí thải và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch giờ đây sẽ chứng kiến các dự án của họ trở thành hiện thực, đồng thời tạo ra một nền kinh tế năng lượng sạch cho tất cả mọi người”.

Việc đầu tư cho năng lượng sạch ở các nước châu Âu cũng góp phần giúp nhiều quốc gia trong khu vực giảm khó khăn trong giải bài toán về an ninh năng lượng. Trong thư gửi Ủy ban châu Âu mới đây, nhiều nhóm doanh nghiệp hối thúc các nhà hoạch định chính sách tăng tốc đầu tư vào mạng lưới năng lượng và thúc đẩy các dự án tăng công suất điện mặt trời để kịp thời đáp ứng các mục tiêu chống biến đổi khí hậu. Sử dụng năng lượng tái tạo đã giúp giảm tình trạng thiếu điện trong những đợt nắng nóng gần đây.

Theo các chuyên gia, điện mặt trời là giải pháp đặc biệt phù hợp để ứng phó với thời tiết nóng nực của mùa hè khi bức xạ của mặt trời mạnh nhất vào khoảng thời gian nóng nhất trong ngày và nhu cầu sử dụng điện cho hệ thống làm mát cũng ở mức cao nhất. Sản lượng điện mặt trời tăng cao đã giúp một số nước châu Âu đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tăng vọt trong mùa hè năm nay.

Tại Nam Âu, Tây Ban Nha và Hy Lạp tăng lắp đặt pin mặt trời trong bối cảnh hai nước đối mặt với giá năng lượng cao kỷ lục năm ngoái. Theo công ty điều hành mạng lưới điện Red Electrica, năm 2022, công suất điện mặt trời của Tây Ban Nha tăng thêm 4,5 GW và là mức cao kỷ lục. Điện mặt trời đóng góp gần 24% sản lượng điện của Tây Ban Nha trong tháng 7 vừa qua, tăng cao hơn so với mức 16% của tháng 7 năm ngoái. Tại Hy Lạp, công ty điều hành mạng lưới điện IPTO cho biết, khi nhu cầu sử dụng điện tăng lên mức cao nhất từ đầu năm đến nay, vào ngày 24/7 vừa qua, điện mặt trời đã đáp ứng 3,5 GW trong tổng nhu cầu 10,35 GW.

Tại Italia, theo dữ liệu của hãng Refinitiv, nhiệt độ và nhu cầu làm mát tăng cao dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tại vùng Sicily lên mức đỉnh điểm cũng vào ngày 24/7 vừa qua và điện mặt trời đã đáp ứng được gần 50% nhu cầu điện phát sinh này. Tại nước có thời tiết mát mẻ hơn và ít nắng hơn như Bỉ, điện mặt trời cũng đáp ứng hơn 100% nhu cầu điện phát sinh trong khung giờ cao điểm...

Có thể nói, năng lượng tái tạo đã giúp nhiều quốc gia “hạ nhiệt” tình trạng thiếu điện trong những ngày hè nắng nóng gay gắt, trong bối cảnh bảo đảm an ninh năng lượng là một trong những ưu tiên hàng đầu. Trước mục tiêu cấp bách hành động chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng xanh là xu thế tất yếu và cũng là lĩnh vực trụ cột trong hợp tác quốc tế hiện nay.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/xu-the-tat-yeu-cua-nang-luong-xanh-post766387.html
Copy Link
https://nhandan.vn/xu-the-tat-yeu-cua-nang-luong-xanh-post766387.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Xu thế tất yếu của năng lượng xanh
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO