Xứ sở của những âm điệu
Nằm ở trung tâm TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông), Bảo tàng âm thanh là điểm tham quan độc đáo thuộc Công viên địa chất Đắk Nông.

Nơi đây có những nhạc cụ, những âm thanh được thiết kế hết sức độc đáo, đặc biệt. Đến đây, du khách như lạc vào “xứ sở của những âm điệu” với những hành trình khám phá âm thanh từ truyền thống đến hiện đại qua trí óc sáng tạo của con người.
Hiện tại, Bảo tàng âm thanh đã hoàn thành 6/7 căn phòng âm thanh để phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách.
.jpg)
Báo Đắk Nông xin giới thiệu cụ thể về một số căn phòng âm thanh để phục vụ nhu cầu của độc giả.
Âm thanh của đá
Đây là gian phòng đầu tiên và cũng là độc đáo nhất của Bảo tàng âm thanh. Nơi đây trưng bày bộ đàn đá Đắk Kar, 1 trong những nhạc cụ lâu đời nhất của nhân loại có niên đại từ 2.500 - 3.000 năm tuổi.

Bộ đàn đá Đắk Kar là biểu tượng của “Xứ sở của những âm điệu”. Đây là bộ đàn đá của người M’nông, được tìm thấy từ những năm 80 của thế kỷ trước tại suối Đắk Kar, xã Quảng Tín (Đắk R’lấp). Năm 1993, bộ đàn đá này được Nhà nước sưu tầm, bảo quản.

Tương truyền rằng ngày xưa, người M’nông dùng âm thanh của đàn đá để xua đuổi muông thú đến phá hoại mùa màng. Sau này, đàn đá đã trở thành một trong những sáng tạo độc đáo của đồng bào.

Lấy cảm hứng từ những âm thanh của đá mang lại, nhóm nghệ sĩ Scenocosme (Pháp) đã sáng tạo ra một bộ đàn đá hiện đại. Bộ đàn đá này gồm 5 thanh, dựa trên 5 yếu tố của tự nhiên (ngũ hành): Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ.
Bộ đàn đá này phát ra âm thanh dựa trên nguyên tắc cảm ứng từ bàn tay con người, không cần dụng cụ gõ, chỉ cần đặt nhẹ tay hoặc vuốt lên bề mặt của từng thanh đá thì sẽ phát ra âm thanh.
Đây là tác phẩm tương tác trực quan đầy tính nhạc. Khi xoa nhẹ vào mỗi hòn đá, chúng ta sẽ cảm nhận được sự tương tác của từng người khác nhau. Các rung động được cộng hưởng vào nhờ sự tương tác giữa hình ảnh và âm thanh. Các hình ảnh huyền ảo này đến từ các hình thái khác nhau của chất lỏng.
Âm thanh của gió
Nơi đây trưng bày nhiều nhạc cụ truyền thống tiêu biểu của người đồng bào Ê đê, M’nông như: Đing Năm, M’buốt, R’lét…

Đối với người đồng bào Tây Nguyên, những nhạc cụ nói trên là sự sáng tạo trong quá trình sinh sống với tự nhiên. Từ những ống tre nứa, lồ ô, quả bầu... đồng bào đã sử dụng bàn tay khéo léo của mình sáng tạo ra các loại nhạc cụ có âm thanh da diết, lôi kéo lòng người.
Ngoài một số nhạc cụ truyền thống, phòng âm thanh có trưng bày đàn Theremin, xuất xứ từ nước Nga. Đàn Theremin nhìn như đàn bầu của Việt Nam nhưng được làm bằng chất liệu điện tử. Đây là đàn không dây. Người nghệ sĩ chỉ cần lướt qua làn gió thì sẽ tạo ra những âm thanh khác nhau.

Phòng âm thanh này cũng trưng bày 1 tác phẩm nghệ thuật tương tác thú vị của nhóm nghệ sĩ người Pháp. Tác phẩm này lấy ý tưởng nhạc cụ sử dụng sức gió.

Trung tâm của tác phẩm này là một quả cầu gốm. Để tạo ra âm thanh thì du khách sẽ thổi vào quả cầu này và tạo ra những âm thanh, màu sắc khác nhau. Âm thanh phát ra như thế nào tùy thuộc vào năng lượng của mỗi người.
Âm thanh của nước
Gian phòng âm thanh của nước trưng bày một bộ đàn nước. Bộ đàn này được các nghệ sĩ sáng tạo ra dựa trên yếu tố hòa quyện nước với các cao độ khác nhau. Nước chảy qua một bộ ống tre, phát ra những âm thanh róc rách hết sức thú vị.

Tại gian phòng này, du khách có thể được xem 1 video trình chiếu về âm thanh của nước. Video này sưu tầm, mô phỏng âm thanh tự nhiên từ tiếng mưa rơi, tiếng nước chảy, tiếng thác đổ…
Việc tương tác vào nước để tạo ra âm thanh đã được người dân nhiều vùng miền, quốc gia trên thế giới thực hiện. Ở một số nơi, các nghệ sĩ còn chơi nhạc cụ dưới nước hoặc sáng tạo ra những nhạc cụ có sự tương tác với nước để phát ra những âm thanh thú vị.
Âm thanh của gỗ
Gian phòng này trưng bày nhiều nhạc cụ truyền thống của đồng bào cả nước nói chung, Tây Nguyên nói riêng. Tất cả các nhạc cụ này được chế tác từ chất liệu chính là gỗ.

Các nhạc cụ được các chuyên gia nước ngoài lên ý tưởng và thực hiện. Các nhạc cụ trưng bày được lựa chọn là những nhạc cụ có âm thanh đặc biệt, đặc trưng của vùng Công viên địa chất Đắk Nông.

Trong căn phòng này, các nghệ sĩ đã sáng tác ra một tác phẩm nghệ thuật tương tác lấy ý tưởng từ gỗ. Các nghệ sĩ đã tạo ra một rừng cây đầy huyền bí với lá và hoa.

Trên các bông hoa có gắn các thiết bị cảm ứng điện từ. Khi có ánh sáng chiếu vào, tùy vào cường độ thì tác phẩm này sẽ phát ra những âm thanh khác nhau.
Âm thanh của ánh sáng
Căn phòng ánh sáng trưng bày duy nhất một tác phẩm nghệ thuật tương tác. Tác phẩm này có những tia sáng khác nhau tương ứng với các nốt nhạc.

Khi chạm vào các tia sáng, âm thanh sẽ phát ra tương ứng với những âm điệu của nốt nhạc đó. Khi tương tác với tác phẩm này, người chơi nhạc hoàn toàn có thể tạo ra một bản nhạc căn bản. Còn những du khách, họ hoàn toàn có thể tạo ra một bản nhạc riêng của mình.
Âm thanh của chúng ta
Trung tâm của phòng trưng bày này là một tác phẩm nghệ thuật tương tác rất đặc sắc. Tác phẩm này có duy nhất 1 quả bóng sắt tròn được đặt cao trên hộp phẳng tối. Thoạt nhìn, quả bóng sắt như quả địa cầu của chúng ta, nửa sáng nửa tối huyền bí.

Tác phẩm tương tác này sẽ được sử dụng khi có 2 người trở lên. Trong đó, một người sẽ đặt và giữ lòng bàn tay vào quả bóng, hít vào và thở ra đều để giải phóng nguồn năng lượng.

Sau đó, một hoặc những người khác sẽ chạm tay vào da của người đang giữ lòng bàn tay để phát ra âm thanh. Tùy vào năng lượng tĩnh điện của mỗi người, âm thanh phát ra cũng hoàn toàn khác nhau.
NƠI HỘI TỤ NHIỀU GIÁ TRỊ
Công viên địa chất Đắk Nông nằm trên cao nguyên M’nông hùng vĩ với ranh giới trải dài trên 6 huyện, thành phố của Đắk Nông. Đây là nơi hội tụ các giá trị tiêu biểu về địa chất, địa mạo, khảo cổ, văn hóa và đa dạng sinh học mang tầm quốc tế và khu vực, đáp ứng các tiêu chí để đăng ký danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.
Cùng với các nhạc cụ dân gian truyền thống khác, đàn đá đã đồng hành với vùng đất này trong suốt chiều dài lịch sử của khu vực và được lựa chọn để trở thành biểu tượng, giai điệu chính của Công viên địa chất Đắk Nông.

Âm thanh độc đáo này, hòa quyện với giọng nói, lời ca của 40 dân tộc anh em mang âm điệu của cả 3 vùng miền Bắc – Trung – Nam, cùng tiếng gió reo, thác đổ, tiếng cỏ cây hoa lá và âm thanh rộn rã của nhịp sống hiện đại đã tạo nên một vẻ đẹp riêng và độc đáo cho Công viên địa chất Đắk Nông - “Xứ sở của những Âm điệu”.

Đắk Nông là tỉnh duy nhất đưa nhạc cụ, âm thanh vào bảo tàng. Bảo tàng âm thanh là một chuyến hành trình khám phá những âm thanh mộc mạc từ các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam và những âm thanh được sáng tạo bằng công nghệ hiện đại qua trí óc của người nghệ sĩ quốc tế.
Khi tham quan bảo tàng này, du khách đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Âm thanh quen thuộc của bộ đàn đá, âm thanh từ hơi thở, nước, cây, lửa, ánh sáng và con người. Những âm thanh này tập hợp lại, tạo nên một cuộc triển lãm kì lạ và độc nhất vô nhị.
“Xứ sở của những Âm điệu” chào tạm biệt. Hẹn gặp lại!