Xử lý nghiêm hành vi kinh doanh hàng giả

Linh Thư| 17/06/2022 08:51

Vì lợi nhuận, nhiều cá nhân, cơ sở sẵn sàng sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Hành vi trên là vi phạm pháp luật, gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng tới lợi ích cộng đồng sẽ bị pháp luật nghiêm trị.

Mới đây, Tòa án nhân dân huyện Đắk Song đã xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Đỗ Xuân N, quê Thanh Hóa vì tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi theo Điều 195 Bộ luật Hình sự.

Năm 2021, N từ TP. Gia Nghĩa đến huyện Đắk Song thuê nhà kho của người dân trên địa bàn để kinh doanh phân bón. N đã dùng bằng trung cấp chuyên nghiệp ngành trồng trọt của vợ là Nguyễn Thị N (SN 1991), quê Thanh Hóa nộp lên Phòng Tài chính huyện Đắk Song để xin cấp giấy phép kinh doanh đứng tên vợ mình với ngành nghề kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Sau khi được cấp giấy phép kinh doanh, N đứng ra tự điều hành việc kinh doanh của cơ sở.

N đã lập một trang Facebook ảo lấy tên “Đỗ N” đặt mua các loại thuốc bảo vệ thực vật được rao bán trên các trang mạng xã hội Facebook. N biết số thuốc bảo vệ thực vật này trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhà phân phối, không lập hợp đồng, không có địa chỉ cụ thể, có thể là hàng giả nhưng vẫn mua rồi bán cho khách hàng nhằm thu được lợi nhuận cao.

Sau khi đặt hàng, người bán sẽ gửi hàng bằng xe khách Bắc - Nam vào, N nhận hàng đưa tiền trực tiếp cho người giao hàng. Toàn bộ hàng hóa đã mua, N sẽ đưa vào kho của mình ở huyện Đắk Song để cất giữ. Số thuốc bảo vệ thực vật mà N đã mua, gồm nhiều loại khác nhau, trong đó, có các loại có chứa các hoạt chất không được phép lưu hành tại Việt Nam.

Hôm đó, N nhờ anh Nguyễn Văn T (anh vợ N), trú tại TP. Gia Nghĩa xuống kho của mình bốc 2 loại thuốc bảo vệ thực vật là 510 chai Lion Super 750Ec, Rocket 750 và 180 chai Lagote 276S1 lên xe hàng gửi đến bến xe phía Nam tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) để bán. Anh T đã nhờ thêm bạn là anh Vũ Văn H, trú tại TP. Hà Nội lúc này đang ở TP. Gia Nghĩa bốc, vận chuyển hàng ra sát đường quốc lộ 14 giúp.

Sau đó, N liên lạc với chủ xe ô tô khách chạy tuyến Đắk Nông đi Đắk Lắk để thuê vận chuyển số thuốc bảo vệ thực vật trên. Khi anh T đang chuẩn bị bốc hàng lên xe khách thì bị lực lượng Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đắk Nông phát hiện, lập biên bản, bắt quả tang thu giữ toàn bộ tang vật.

Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra kho hàng của N và phát hiện, thu giữ các loại thuốc bảo vệ thực vật khác. Trong các loại thuốc bảo vệ thực vật N tàng trữ và chuẩn bị mang đi bán có 510 chai chứa chất lỏng có nhãn hiệu thuốc trừ sâu Lion super 750EC, Rocket 750 thành phần Chlorpyrifos Ethyl; 16 can nhựa chứa chất lỏng có nhãn mác Việt Nam (thuốc trừ cỏ Lyphoxim 41SL) dán đề nhãn mác ghi chữ nước ngoài. Qua giám định, 2 loại thuốc bảo vệ thực vật nói trên được xác định là hàng giả, giá trị thiệt hại tính thành tiền là 58,2 triệu đồng.

Mỗi người dân cần là người tiêu dùng thông minh, chọn mua các loại hàng hóa, sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng phục vụ sản xuất nông nghiệp

Trước đó, N bị UBND tỉnh Đắk Nông xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi: kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề kinh doanh có điều kiện mà không có giấy phép kinh doanh; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; kinh doanh hàng giả; buôn bán thuốc bảo vệ thực vật không có tên trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam; kinh doanh phân bón không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố, áp dụng ra thị trường với tổng số tiền phạt là 118,1 triệu đồng.

Thời điểm bị bắt về hành vi kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật giả, N chưa chấp hành xong quyết định xử phạt, chưa hết thời hiệu để được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, N bị khởi tố hình sự và bị tuyên phạt 150 triệu đồng về tội buôn bán hàng giả là thuốc bảo vệ thực vật.

Vừa qua, UBND tỉnh Đắk Nông cũng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH sản xuất, thương mại, phân bón LT, trụ sở tỉnh Vinh Long tổng số tiền 240 triệu đồng. Công ty LT bị Công an tỉnh Đắk Nông xác định đã buôn bán hàng giả là phân bón với tổng khối lượng hàng hóa vi phạm là 7,5 tấn, hành vi này vi phạm Nghị định số 98/2020 của Chính phủ trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thực tế, trên thị trường lâu nay vẫn luôn xuất hiện những sản phẩm có nguồn gốc trôi nổi, hàng giả các thương hiệu nổi tiếng, khiến người tiêu dùng khó lòng nhận biết. Việc buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng với hình thức thủ đoạn tinh vi đã gây thiệt hại, làm suy giảm niềm tin của người dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính.

Thời gian qua, các cơ quan, ban ngành, địa phương trong tỉnh đã tăng cường kiểm tra, triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Riêng năm 2021, toàn tỉnh đã kiểm tra, bắt giữ, xử lý 1.580 vụ việc vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; trong đó, khởi tố hình sự 158 vụ, xử phạt hành chính 1.415 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước 18,38 tỷ đồng.

Để hạn chế tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, bên cạnh việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng cần cẩn trọng khi mua bán, trao đổi hàng hóa, không tiếp tay cho kẻ xấu trục lợi.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/phap-luat-doi-song/xu-ly-nghiem-hanh-vi-kinh-doanh-hang-gia-93588.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/phap-luat-doi-song/xu-ly-nghiem-hanh-vi-kinh-doanh-hang-gia-93588.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Xử lý nghiêm hành vi kinh doanh hàng giả
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO