Xu hướng của năng lượng hạt nhân tại EU

TƯỜNG VŨ| 14/03/2023 05:36

Trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đối mặt thách thức lớn về bảo đảm nguồn cung năng lượng, nhiều nước đang chuyển hướng sang phục hồi điện hạt nhân. Mặc dù vẫn là vấn đề gây tranh cãi giữa các nước thành viên EU, song giải pháp này được cho là sẽ góp phần hạ nhiệt cuộc khủng hoảng năng lượng.

Nhà máy điện hạt nhân ở miền nam nước Pháp.
Nhà máy điện hạt nhân ở miền nam nước Pháp.

Đề xuất thúc đẩy phát triển năng lượng hạt nhân, do Pháp khởi xướng cuối tháng 2 vừa qua, đã nhận được sự ủng hộ của 11 nước EU.

Theo đó, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng EU diễn ra ở thủ đô Stockholm (Thụy Điển), 11 nước gồm Bulgaria, Croatia, Séc, Phần Lan, Pháp, Hungary, Hà Lan, Ba Lan, Romania, Slovakia và Slovenia nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân thông qua thúc đẩy các dự án mới và phát triển công nghệ lò phản ứng cỡ nhỏ.

Ngoài ra, các bộ trưởng còn xem xét cơ hội đẩy mạnh hợp tác khoa học, chia sẻ kinh nghiệm bảo đảm an toàn. Mới đây nhất, Bỉ cũng thông báo xúc tiến quá trình đưa nước này tham gia “câu lạc bộ” 11 nước nêu trên với tư cách là quan sát viên và đặt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển điện hạt nhân trong những năm tới.

Giới phân tích cho rằng, nỗ lực hồi sinh năng lượng hạt nhân là một bước đảo chiều trong chính sách của nhiều nước EU. Theo số liệu của Ủy ban châu Âu (EC), tổng lượng điện hạt nhân ở EU giảm 25% trong giai đoạn 2006-2020, chủ yếu do những lo ngại xảy ra sự cố. Mặc dù nhiều nước vẫn duy trì các lò phản ứng, song cam kết giảm dần tỷ lệ điện hạt nhân trong cơ cấu ngành năng lượng.

Tuy nhiên, do sức ép từ cuộc khủng hoảng năng lượng, nhất là sau khi xung đột tại Ukraine nổ ra, một số nước lựa chọn khôi phục và xây mới các nhà máy. Mới đây, Chính phủ Bỉ đạt thỏa thuận với công ty điện lực đa quốc gia Engie (Pháp) về việc kéo dài “tuổi thọ” của hai lò phản ứng thêm 10 năm. Trước đó, nhiều nước châu Âu như Hà Lan, Thụy Điển, Ba Lan... cũng có những động thái tương tự.

Các nước ủng hộ phát triển điện hạt nhân cho rằng, đây là một trong những giải pháp giúp EU chống biến đổi khí hậu và bảo đảm nguồn cung năng lượng. Pháp là quốc gia đi đầu trong nỗ lực xây dựng mối quan hệ gắn kết hơn giữa các nước EU trong vấn đề này.

Theo Paris, nguồn năng lượng hạt nhân có thể giúp Pháp và châu Âu đạt được các mục tiêu khí hậu, nhất là sản xuất hydro xanh cho lĩnh vực vận tải và công nghiệp. Giới chức Pháp nhận định, trong giai đoạn EU đối mặt nhiều thách thức, điện hạt nhân, hiện đang chiếm 25% sản lượng điện tại châu Âu, là một giải pháp phù hợp.

Hơn nữa, do quá trình sản xuất thải ra ít các-bon, cho nên đây là một công cụ hữu hiệu của EU trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trong khi đó, Bộ Khí hậu và Môi trường Ba Lan khẳng định, việc xây dựng các dự án mới sẽ giúp EU bảo đảm nguồn cung ổn định.

Tuy nhiên, việc phát triển năng lượng hạt nhân tại châu Âu cũng vấp phải sự phản đối của nhiều nước thành viên EU như Áo, Đức, Luxembourg và Tây Ban Nha, vì lý do không đáp ứng yêu cầu thời gian đặt ra đối với các mục tiêu khí hậu. Để xây dựng một dự án mới, có thể mất tới 15 năm, song cuộc chiến bảo vệ hành tinh xanh đòi hỏi các nước cần nhanh chóng hành động.

Hơn nữa, nhiều nước lo ngại những tác động lâu dài của việc lưu trữ chất thải hạt nhân. Đức và Tây Ban Nha cho rằng, không nên đặt điện hạt nhân ngang hàng các nguồn năng lượng tái tạo từ gió và mặt trời.

Đây không phải lần đầu EU không thống nhất quan điểm về phát triển năng lượng hạt nhân. Giới phân tích cho rằng, trong bối cảnh đang đối mặt cùng lúc nhiều thách thức như hiện nay, EU cần nêu cao tinh thần đoàn kết để sớm thống nhất về những chính sách có tầm ảnh hưởng lớn đối với các vấn đề chung của nhân loại, như bảo đảm nguồn cung năng lượng và chống biến đổi khí hậu.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/xu-huong-cua-nang-luong-hat-nhan-tai-eu-post742786.html
Copy Link
https://nhandan.vn/xu-huong-cua-nang-luong-hat-nhan-tai-eu-post742786.html
    Nổi bật
        Mới nhất
        Xu hướng của năng lượng hạt nhân tại EU
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO