Xu hướng chọn nghề thời 4.0
Công nghệ phát triển, cùng với chuyển đổi số mạnh mẽ ở tất cả các lĩnh vực đang dần sắp xếp lại trật tự nghề nghiệp theo một quỹ đạo mới - “quỹ đạo số”.
Đã không ít câu hỏi đặt ra trong xu hướng nghề nghiệp hiện nay đó là liệu con người có bị mất công ăn việc làm do máy móc thay thế; cơ hội việc làm cho đối tượng yếu thế thấp dần bởi công nghệ phát triển và số hóa ở các lĩnh vực?...
Thực ra, câu hỏi này không cần lời giải bởi thực tế đã trả lời. Nhiều ngành nghề được xem là “hot” trước đây nay đang lui về thế yếu, thậm chí một số ngành nghề đã biến mất. Thay vào đó là những ngành nghề mới phát sinh, tạo ra cơ hội việc làm mới cho một số đối tượng lao động. Việc nắm bắt xu thế, yêu cầu phát triển và sự chuyển dịch ngành nghề trong thời đại 4.0 là yếu tố quan trọng trong định hướng nghề nghiệp cho con em.
Trước đây, khoảng thập niên 70- 80, khái niệm định hướng nghề nghiệp là khá xa lạ với con em đang theo học các bậc THCS, thậm chí cả THPT. Bởi nghề nghiệp lúc đó đơn thuần là làm nông hay vào các cơ quan Nhà nước. Con em học tập cũng chỉ mục đích xóa mù hoặc chí ít cũng kiếm được “một chân” vào Nhà nước nếu học hành đàng hoàng.
Tuy nhiên gần đây, đa số con em ở Đắk Nông đều đã được phụ huynh, hoặc bản thân các em có những định hướng nghề nghiệp khá rõ ràng ngay khi đang theo học bậc THCS. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT theo học các trường nghề ngày càng tăng; trong khi một số trường đại học khó tuyển sinh hơn bởi lĩnh vực đào tạo đã không còn đáp ứng tốt xu thế nghề nhiệp, nhu cầu tuyển dụng sau khi tốt nghiệp.
Một số môn học như ngoại ngữ, tin học, khoa học xã hội… trước đây bị xem nhẹ thì hiện nay đang được phụ huynh, học sinh quan tâm đầu tư ngay từ đầu. Đây chính là sự trang bị nhằm thích ứng với xu thế lao động cho con em thời 4.0.
Thời đại 4.0 đang tạo ra nhiều ngành nghề, lĩnh vực về cơ hội việc làm cho lao động trẻ. Tuy nhiên, một số lĩnh vực, nguồn cung lao động lại đang già hóa bởi lao động trẻ rất ít tham gia. Đơn cử như trong lĩnh vực xây dựng, hiện đội ngũ thợ xây trẻ rất ít, thay vào đó là những thợ xây truyền thống, lớn tuổi, không có cơ hội đổi nghề. Hay lao động thời vụ trong thu hái cà phê, hồ tiêu những năm gần đây cũng đang hiếm dần bởi lực lượng lao động trẻ lựa chọn những công việc nhẹ nhàng hơn…
Theo thống kê Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), những ngành nghề có nguy cơ bị robot thay thế nhiều nhất là: Công nhân nhà máy (44%), nhân viên thu ngân (40%), lái xe taxi (20%) và nhân viên chăm sóc khách hàng (18%).
Khảo sát cho thấy, các ngành nghề ít chịu sự ảnh hưởng của cách mạng 4.0 nhất là nhóm ngành công nghệ gồm: Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ truyền thông … Tiếp đến là các nhóm ngành: dịch vụ (du lịch, nhà hàng, khách sạn); thiết kế sáng tạo; dinh dưỡng và ẩm thực; điện tử, cơ khí, tự động hóa; quản lý, quản trị và nhóm ngành công nghệ chế biến… Đây là những ngành mà robot, máy móc không thể thay thế con người hoàn toàn, mà chỉ là công cụ bổ trợ hiệu quả hơn.
Theo khảo sát của một trang tuyển dụng hàng đầu thế giới, 69% nhà tuyển dụng cho biết mọi công việc về cơ bản có liên quan tới công nghệ trực tuyến. Bởi một số công việc phải làm của họ phụ thuộc vào khả năng sử dụng các ứng dụng công nghệ khác nhau. Vì vậy, xu hướng tuyển dụng các ngành liên quan đến công nghệ trong thời đại 4.0 luôn ở mức cao nhất so với các ngành khác. Các chuyên gia đánh giá Việt Nam có đủ tiềm năng và cơ hội để cạnh tranh trên thị trường thế giới, thậm chí là cái nôi cung cấp nguồn nhân sự giỏi cho thế giới.
Suy cho cùng, dù thời đại nào, con người cũng không thể bị thay thế hoàn toàn bởi máy móc. Máy móc, công ghệ được tạo ra nhằm phục vụ con người. Có chăng, con người phải biết nắm bắt, tiếp cận và làm chủ máy móc, công nghệ. Đó là xu hướng của nghề nghiệp hiện nay và trong tương lai không xa.