Xoay xở trong "bão giá" để duy trì chăn nuôi

Nguyễn Lương| 25/07/2022 07:50

Những tháng đầu năm 2022, giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục. Người chăn nuôi phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trước thực tế này, nhiều hộ chăn nuôi ở Đắk Mil tìm mọi cách xoay xở để vượt qua “bão giá”.

Xoay xở đủ cách

Gia đình anh Hà Văn Cương, xã Long Sơn, nuôi dê từ năm 2018. Hàng năm, tổng đàn dê trong chuồng của anh luôn duy trì mức 80 con.

Những năm trước, mỗi tháng anh lấy 3 đợt thức ăn chăn nuôi, bình quân 30 triệu đồng/đợt. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng từ 80.000 lên 120.000 đồng/bao. Điều này đồng nghĩa gia đình anh phải bỏ thêm chí phí từ 10 - 12 triệu đồng cho mỗi đợt lấy thức ăn chăn nuôi.

Theo anh Cương, nếu giá liên tục tăng như thế này, người chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ có lỗ chứ không có lãi. Gia đình anh phải áp dụng nhiều cách để chăn nuôi ổn định.

“Trước hết là phải giữ đàn và duy trì số lượng. Để làm được điều này, tôi rất kỹ lưỡng trong việc phòng, chống dịch cho đàn dê”, anh Cương chia sẻ.

Bằng nhiều cách làm khác nhau, anh Hà Văn Cương vẫn có thu nhập ổn định từ nuôi dê trong thời điểm giá thức ăn tăng cao

Theo anh Cương, các loại thức ăn chăn nuôi có giá cả vừa phải, phù hợp với sức khỏe đàn dê được anh lựa chọn kỹ càng. Ngoài ra, gia đình còn tận dụng lao động trong nhà để chăn nuôi dê, nên không mất chi phí thuê nhân công.

“Với cách làm này, dù giá cám tăng nhưng gia đình vẫn có lãi. Chỉ là lợi nhuận thấp hơn so với bình thường những năm trước mà thôi”, anh Cương cho biết.

Tương tự, bà Lê Thị Thương, xã Đức Minh, cũng đang nỗ lực chăn nuôi heo trước “bão giá” thức ăn. Cách mà bà Thương chọn đó là cùng lúc nuôi nhiều loại vật nuôi khác nhau.

Theo bà Thương, trước đây, bà luôn duy trì từ 50-60 con heo. Từ khi giá thức ăn chăn nuôi tăng, gia đình bà xuất bán bớt, chỉ giữ lại từ 15-20 con heo. Bà nuôi thêm 50 con gà để tăng thêm thu nhập.

Chủ động khuyến cáo người dân

Theo Phòng NN - PTNT huyện Đắk Mil, đến hết tháng 6/2022, tổng đàn vật nuôi trên địa bàn huyện hơn 417.000 con, tăng 12,7% so với năm 2021. Điều này chứng tỏ tình hình vật nuôi tại địa phương vẫn phát triển ổn định.

Thời gian qua, ngành chuyên môn huyện thường xuyên phối hợp chính quyền các xã, thị trấn khuyến cáo về các biện pháp ổn định chăn nuôi. Trước hết, người dân chủ động nguồn nguyên liệu cho đàn vật nuôi.

Ngoài thức ăn tổng hợp bán tại các đại lý, ngành Nông nghiệp hướng dẫn bà con trồng thêm các loại cây như bắp, mì, khoai lang... để làm nguyên liệu phối trộn thức ăn chăn nuôi. Người chăn nuôi có thể chủ động nuôi cá, trùn quế để chế biến thành bột, nhằm bổ sung nguồn đạm, giúp giảm chi phí mua thức ăn cho vật nuôi...

Huyện Đắk Mil đang tích cực vận động người dân tham gia vào các HTX, tổ hợp tác, các chi hội sản xuất chăn nuôi. Bởi vì, khi tham gia vào loại hình này sẽ tạo điều kiện cho bà con mua thức ăn chăn nuôi khối lượng lớn, trực tiếp từ các nhà máy sản xuất, giá cả tốt hơn.

Công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại cũng được địa phương chủ động triển khai. Việc tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn vật nuôi phòng các bệnh như: tụ huyết trùng, dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng, tai xanh… được huyện chú trọng, giúp người dân giảm thiểu rủi ro.

Từ tháng 11/2020 đến nay, giá các loại thức ăn chăn nuôi đã tăng 16 lần. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, giá thức ăn chăn nuôi tăng 6 lần.

Chỉ tính riêng từ đầu tháng 4/2022 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng 7.000 - 8.000 đồng/bao (loại 25 kg/bao). Giá cám viên dành cho heo có giá 350.000 đồng/bao (loại 25 kg/bao). Một số loại thức ăn đậm đặc khác có giá lên đến 540.000 đồng/bao.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/nong-nghiep-nong-thon/xoay-xo-trong-bao-gia-de-duy-tri-chan-nuoi-94183.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/nong-nghiep-nong-thon/xoay-xo-trong-bao-gia-de-duy-tri-chan-nuoi-94183.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Xoay xở trong "bão giá" để duy trì chăn nuôi
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO