Đời sống

"Xóa mù chữ - Xóa cái khổ" ở huyện nghèo Đắk Glong

T.H 06/02/2024 06:03

Những lớp học hàng đêm vẫn sáng đèn, rộn ràng tiếng nói cười, học bài của học viên người dân tộc thiểu số (DTTS). Học con chữ, nhiều học viên còn mong muốn sẽ có cơ hội thoát nghèo từ việc đến trường.

Sáng con đi học, tối bố mẹ đến lớp

Sau khi hoàn tất công việc gia đình, vợ chồng chị Thào A Pàng (SN 1986), thôn Đắk Snao 2, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong cùng nhau đội đèn pin để đến lớp học xóa mù chữ. Dù ban ngày mùa màng bận rộn, thế nhưng từ khi tham gia lớp học, vợ chồng chị Pàng chưa nghỉ một buổi học nào.

hinh-xoa-mu-dakglong-_4(1).jpg
Vợ chồng chị Thào A Pàng (đang đứng) tham gia lớp học xóa mù chữ tại xã Quảng Sơn

Chị Pàng quê ở Lai Châu. Do hoàn cảnh khó khăn, lại là con lớn trong nhà nên hơn 30 năm qua, người phụ nữ dân tộc Mông này chưa một lần được đến lớp học chữ. Mỗi lần ra xã giao dịch, chị Pàng lại nhờ em gái hoặc một số người họ hàng đưa đi để đọc chữ, sau đó hướng dẫn chị điểm chỉ vào giấy tờ quan trọng.

Tháng 9 vừa qua, chị Pàng cùng chồng đăng ký tham gia lớp học xóa mù chữ do Trường tiểu học Lý Tự Trọng mở. Không chỉ vợ chồng chị, hơn 100 học viên khóa học đều là người mù chữ. Trong số này, đã có người lên chức ông, chức bà vẫn quyết tâm đến lớp, với mong muốn làm gương cho con cháu trong nhà đi học mỗi ngày.

Chị Pàng kể: “Cả hai vợ chồng đều không biết chữ nên rất ngại đi xa vì không biết đọc, biết viết. Được sự động viên của các con và thầy, cô giáo, tôi và chồng mạnh dạn đi học lớp xóa mù chữ. Những ngày đầu đi học cũng hơi xấu hổ nhưng thấy nhiều người cũng như mình nên chúng tôi không còn tự ti, khép mình nữa”.

hinh-xoa-mu-dakglong-_2.jpg
Những phụ nữ người dân tộc thiểu số đưa theo con đi học xóa mù chữ mỗi tối

Tiếp lời vợ, anh Vàng A Hồng (SN 1982) cho biết thêm, hiện vợ chồng anh có 2 người con là học sinh của Trường tiểu học Lý Tự Trọng. Ban ngày vợ chồng anh đi hái cà phê thuê, còn các con đi học. Tối đến, vợ chồng anh Hồng đến lớp xóa mù chữ còn 2 con ở nhà học bài.

“Ngày đi học, tôi mới biết cô giáo dạy con cũng là cô giáo đứng lớp dạy vợ chồng tôi mỗi tối. Được các thầy cô động viên, giúp đỡ, tôi và vợ đã biết đọc, biết viết tên của mình”, anh Hồng khoe.

Là học viên lớn tuổi nhất của lớp xóa mù, bà Lý Sán Mẩy (60 tuổi) không chỉ chuyên cần đến lớp mỗi ngày mà còn tự tin ngồi hàng ghế đầu để học chữ. Đôi tay run run, đôi mắt đã không còn nhìn rõ, thế nhưng bà Mẩy lại là tấm gương để cho các học viên khác trong lớp học hỏi về tinh thần học chữ của mình.

Bà Mẩy chia sẻ: “Nhiều năm qua tôi không biết tiếng Việt, chỉ biết tiếng Dao nên không tự tin giao tiếp với mọi người. Đi học xóa mù chữ được 2 lớp, đến nay tôi đã biết đọc bài, biết sử dụng điện thoại, đặc biệt là biết nhận biết con số trên tờ tiền mặt”.

Khắc phục khó khăn, nỗ lực vì người học

Cô giáo Hoàng Thị Hà, giáo viên Trường tiểu học Lý Tự Trọng, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong phấn khởi chia sẻ: “Lần đầu tiên xã tổ chức lớp xóa mù chữ cho bà con Nhân dân, buổi đầu chỉ có một vài người đăng ký theo học, nhưng càng học bà con càng thích thú, rồi người này rủ người kia đi học. Chỉ một tuần sau, số lượng học viên đăng ký đã vượt 100 người, nên trường phân thành 5 lớp, 3 lớp học tại điểm trường chính, 2 lớp học ở điểm phụ, tạo thuận lợi cho bà con đi học mỗi buổi tối”.

Chính cô Hà cũng nhận thấy nhận rằng, chưa bao giờ, tinh thần học tập, “khát khao con chữ” của người dân hai thôn Đắk Snao 1, Đắk Snao 2 lại cao đến thế. Hàng đêm, chứng kiến từng đoàn người đến trường học chữ, những thầy cô giáo đứng lớp càng có động lực và quyết tâm hơn.

img_2999.jpg
Giáo viên đứng lớp xóa mù chữ nỗ lực để các học viên sớm được xóa mù chữ

Trường phổ thông dân tộc bán trú- tiểu học Vừ A Dính (xã Đắk Som) hiện cũng đang tổ chức 5 lớp xóa mù chữ cho các học viên người DTTS.

Chứng kiến tinh thần, nghị lực đến lớp của các học viên, thầy giáo Hoàng Ngọc Yêm, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trong lớp, có một số anh chị có con nhỏ, mỗi lần đi học đều đưa theo con đến lớp để cùng học đánh vần. Bà con ai cũng phấn khởi đi học, có gia đình cả ba thế hệ cùng đến trường, thầy cô giáo cũng rất vui vì được dạy tại những lớp học đặc biệt như thế”.

Nâng cao chất lượng công tác phổ cập

Trong những năm qua, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền huyện Đắk Glong. Mỗi năm có hàng trăm học viên (15-60 tuổi) được xóa mù chữ, là kết quả của sự nỗ lực phấn đấu, quyết tâm của học viên và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ngành Giáo dục, góp phần thực hiện thành công mà Nghị quyết Đảng bộ huyện Đắk Glong khóa IV, nhiệm kỳ 2020-2025.

hinh-xoa-mu-dakglong-_5.jpg
Mỗi năm, huyện Đắk Glong đã xóa mù chữ được cho hàng ngàn học viên người DTTS

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Glong, năm 2019, qua rà soát trên địa bàn còn hàng nghìn người (từ 15-60 tuổi) chưa biết chữ. Phần lớn là người đồng bào DTTS, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, cuộc sống khó khăn, nơi bữa ăn vẫn còn chi phối giấc mơ học tập của họ. Từ thực tế đó, Phòng GD-ĐT huyện đã triển khai các lớp xóa mù chữ tại khu dân cư.

Là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào xóa mù chữ tại tỉnh Đắk Nông, đến nay huyện Đắk Glong đã mở được hàng chục lớp học, hoàn thành nhiệm vụ xóa mù chữ cho hàng ngàn học viên. Phong trào “Bình dân học vụ” được sống lại, các lớp xóa mù chữ liên tiếp được mở ra, người dân nhiều địa phương phấn khởi đi học, nuôi ước mơ làm giàu từ con chữ.

Năm 2019, huyện mở được 3 lớp xóa mù chữ với 123 học viên; năm 2020 có 5 lớp xóa mù chữ được mở, thu hút 146 học viên. Số lượng các lớp xóa mù và học viên được xóa mù liên tục tăng trong các năm tiếp theo, đến năm 2023, huyện Đắk Glong mở 21 lớp với 505 học viên, trong đó có 1 lớp dành cho 45 phạm nhân đang chấp hành án tại Trại giam Đắk Plao”

Bà Đinh Thị Hằng, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đắk Glong

hinh-xoa-mu-dakglong-_3(1).jpg
Bà Đinh Thị Hằng, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đắk Glong (bên phải) cho rằng công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ vừa là nhiệm vụ, vừa là thách thức đối với ngành trong thời gian tới

Theo lãnh đạo ngành Giáo dục, công tác phổ cập giáo dục các cấp được củng cố và phát huy hiệu quả đã từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương. Số người mù chữ giảm dần qua các năm. Tuy nhiên, những kết quả đạt được so với yêu cầu còn nhiều hạn chế, số người mù chữ của toàn huyện vẫn còn hơn 6.753 người, chiếm tỷ lệ 14.65%. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ vừa là nhiệm vụ, vừa là thách thức đối với ngành Giáo dục Đắk Glong trong thời gian tới.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        "Xóa mù chữ - Xóa cái khổ" ở huyện nghèo Đắk Glong
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO