Hoạt động xin chữ đầu năm thu hút mọi người dân. Ảnh: Quang Vũ |
Trong không khí vui tươi của những ngày đầu năm mới, tại Chùa Pháp Hoa (Gia Nghĩa) đã dành riêng một góc sân để những bậc cao niên thể hiện khả năng viết thư pháp, thu hút rất đông người đến tham quan, xin chữ để lấy may đầu năm. Theo ông Nguyễn Xuân Dương-người cho chữ, thì xin chữ đầu năm mang ý nghĩa tốt đẹp là người dùng chữ biết trân trọng giá trị của chữ, cũng là ước vọng xin cái may mắn, cái phúc đức mang về nhà, mong cho cả năm bình an, tốt lành. Do đó, hoạt động xin chữ và cho chữ kéo dài từ những ngày giáp tết cho đến hết Rằm tháng Giêng.
Với mực tàu, giấy đỏ, các ông đồ mặc khăn đóng áo dài được dịp thể hiện tài năng thư pháp của mình. Những nét chữ uyển chuyển như “rồng bay phượng múa” không chỉ thể hiện khiếu thẩm mỹ, khả năng viết chữ đẹp của người cho chữ mà còn thu hút người xin chữ. Vì vậy, ông cũng như các ông đồ khác luôn cố gắng viết nhiều chữ thật đẹp để tặng cho mọi người. Ngoài các dịp lễ tết thì những ngày bình thường, mọi người đều tìm đến nhà riêng của ông để xin chữ cầu may. Ai xin chữ gì ông cho chữ đó và đây trở thành một công việc ông yêu thích trong nhiều năm qua.
Còn theo ông Nguyễn Tấn Tới-người cho chữ thì mỗi người đi xin chữ đều xin theo tâm nguyện của mình. Người buôn bán, kinh doanh thì xin chữ tài, chữ lộc; người cầu con cái xin chữ phúc; người cầu sức khỏe sống lâu xin chữ thọ; người đi học xin chữ trí; người đi làm xin chữ danh; gia đình thường xin chữ phúc, lộc, thọ, tâm…
Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày mùng 1 tết là anh Nguyễn Văn Quốc ở phường Nghĩa Thành cùng các thành viên trong gia đình đi chùa dâng lễ và xin chữ ở các ông đồ về treo trong nhà. Năm nay, anh Quốc xin chữ “Tài” với mong muốn cậu con trai đang học lớp 12 thi cử thuận lợi, đỗ đạt, thành tài. Anh Quốc chia sẻ: “Mỗi chữ đều mang trong mình ý nghĩa riêng biệt và tôi đi xin chữ đầu năm để cầu may mắn thuận lợi đến cho gia đình thương yêu của mình. Theo tôi đây là một nét đẹp văn hóa rất hay và ý nghĩa cần được gìn giữ và phát huy”.
Còn chị Võ Thị Lê ở phường Nghĩa Thành cũng chờ đợi đến lượt mình để xin cho được chữ để về treo trong phòng khách. Chị Lê vui vẻ nói: “Công tác tại ngành Giáo dục nên tôi rất trọng chữ nghĩa nên tôi xin chữ “Bình An” và mong muốn cuộc sống gia đình an bình, tránh được mọi điều bất trắc trong mọi việc. Tôi sẽ treo bức thư pháp trong phòng khách và sẽ giải thích cho các con hiểu ý nghĩa của nó để cùng nhau giữ gìn sự yên ấm, ít nhất là trong phạm vi gia đình”.
Điều đáng ghi nhận nữa là việc xin chữ cũng thu hút đông đảo các bạn trẻ, các em học sinh tham gia. Bạn Nguyễn Thành Trung ở xã Đắk Nia phấn khởi: “Năm nào tôi cũng đi xin chữ và thấy rất thú vị bởi nét đẹp giản dị nhưng ý nghĩa sâu xa của việc xin chữ. Nó nhắc nhở chúng ta nhớ về cội nguồn của dân tộc. Tôi xin chữ “Hiếu” vì tôi thường nhắc nhở bản thân mình phải luôn hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, những người lớn tuổi”.
Có thể thấy, tục xin chữ, xin câu đối ngày đầu năm là một việc làm mang nhiều ý nghĩa, thể hiện sự trọng chữ nghĩa, trọng tri thức và cũng là mong muốn cầu một năm tài lộc, phúc thọ đầy nhà của mỗi người dân đất Việt.