Xe đạp thồ - “Vua vận tải” trên chiến trường Điện Biên Phủ
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, những chiếc xe đạp thồ được ví như điều kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử chiến tranh, không chỉ của Việt Nam mà cả lịch sử chiến tranh thế giới.
"Binh chủng xe đạp thồ", "Vua vận tải", "Ngựa sắt", "Kỳ tích hậu cần" hay "vũ khí đặc biệt", rất nhiều tên gọi khác nhau dành cho chiếc xe đạp thồ thô sơ, bền bỉ. Nhờ đó, trong suốt chiến dịch, hậu cần chưa bao giờ bị gián đoạn, từ lương thực, thực phẩm, thuốc men và những nhu yếu phẩm cần thiết cho bộ đội nơi tiền tuyến.
21.000 chiếc xe đạp thồ, 260.000 dân công hỏa tuyến vượt những chặng đường hơn 500 km, với nhiều đoạn đường rừng núi hiểm trở đã góp phần đưa hơn 25.000 tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm vào phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
"Lúc ấy, xe đạp thồ nhiều vô kể. Khi những người đi lên đèo nặng quá không mang được thì người đi trước để balo lại, quay lại giúp người đi sau", ông Nguyễn Đình Thường, cựu chiến binh Đội Điều trị 1, Cục Quân y (năm 1953, 1954), kể lại.
Xe đạp thồ đó nhỏ gọn, cơ động, linh hoạt, có thể di chuyển trên mọi địa hình.
"Đại đội của tôi nhiều người cao tuổi, nNhưng muốn giải phóng đất nước thì phải hy sinh tất cả, thồ và vận chuyển lên cho anh em bộ đội người ta đánh. Hồi đấy tôi mua xe mất nhiều tiền, mua được xe đạp Peugoet của Pháp. Tài sản có mỗi cái xe đạp đó", ông Nguyễn Xuân Khởi, Bí thư chi bộ dân công huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa (năm 1954), chia sẻ.
Sáng kiến của người Việt trên chính sản phẩm của người Pháp. Xe đạp thồ về cơ bản không có gì khác với một chiếc xe đạp thông thường. Từ khung xe, vành, nan hoa và toàn bộ chiếc xe đã được gia cố để có thể chịu tải được gấp 3 lần. 345,5 kg là kỷ lục đã được chất lên chiếc xe đạp thồ này. Xe đạp thồ không cần bàn đạp, nhưng có 2 bộ phận quan trọng là cọc thồ và tay ngai. Chính nhờ sáng kiến quan trọng này, xe đạp thồ có tính ưu việt hơn bất kỳ một loại phương tiện vận tải nào khác.
Chiếc xe đạp năm xưa của "kiện tướng xe đạp thồ" Ma Văn Thắng, dân công tỉnh Phú Thọ, đã chở hơn 300 kg hàng hóa ra tiền tuyến. Chiếc xe hiện vẫn được trưng bày và bảo quản tại Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ, thành phố Điện Biên.
Ông Ma Văn Thắng là một trong những người đầu tiên có công cải tiến xe đạp thồ để tăng tải trọng, tăng độ bền cho xe khi đi đường rừng. Xe đạp thồ cải tiến sau đó được phổ biến rộng rãi khắp các vùng Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4.
"Sự ưu việt của xe đạp thồ đó là nhỏ gọn, cơ động, linh hoạt, đạt năng suất cao, có thể di chuyển trên mọi địa hình, từ đồi núi, sông suối", bà Nguyễn Thị Thúy, Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ, cho hay.
Trong cuốn "Trận Điện Biên Phủ", ký giả người Pháp Jules Roy viết: "Tướng Nava bị thua chính là những chiếc xe đạp thồ với những kiện hàng từ 200 - 320 kg được điều khiển bởi những con người ăn không thật no và ngủ thì nằm ngay trên những mảnh nylon trải trên đất. Đã có hàng trăm tấn bom được ném xuống các tuyến giao thông và những con đường tiếp vận của Quân đội nhân dân Việt Nam, nhưng chẳng bao giờ cắt đứt nổi những con đường ấy…".
Xe đạp thồ không cần nhiên liệu, nhưng lại cần sức người. Những chiếc xe đạp thồ tuy giản dị, nhưng lại là minh chứng cho tinh thần và ý chí quyết tâm không có gì lay chuyển được của một dân tộc trên con đường giành lại độc lập tự do.