Xây dựng vùng nuôi thỏ quy mô hàng hóa ở Đắk R’moan

Thanh Nga| 30/03/2022 08:46

Hội Nông dân (HND) tỉnh vừa triển khai mô hình chăn nuôi thỏ tại xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa). Ngoài việc tạo sinh kế cho nông dân, mô hình còn hướng tới mục tiêu xây dựng vùng chăn nuôi thỏ quy mô hàng hóa ở Gia Nghĩa.

Để thúc đẩy phong trào chăn nuôi thỏ, HND tỉnh đã thành lập Chi hội chăn nuôi thỏ Đắk R'moan. Chi hội hiện có 15 thành viên, trong đó có 7 thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số.

HND tỉnh đã cung cấp 300 con thỏ giống, hỗ trợ một phần thức ăn chăn nuôi cho các hội viên. Các hộ tham gia mô hình cũng được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi thỏ. Tổng kinh phí HND hỗ trợ cho Chi hội là 140 triệu đồng.

Theo ông Điểu Nham, bon Đắk R’moan, xã Đắk R'moan, trước đây gia đình ông từng nuôi thỏ, nhưng chủ yếu phục vụ thực phẩm cho gia đình. Quá trình chăn nuôi, ông không chú trọng đến khâu kỹ thuật, chất lượng sản phẩm.

Hiện nay, ông được Chi hội hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi thỏ theo hình thức kinh doanh hàng hóa. Do đó, ông đã tập trung nắm bắt các kỹ thuật chăm sóc, tạo thức ăn cho thỏ. Chuồng nuôi cũng được ông xây dựng bài bản hơn. "Tôi rất vui vì có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình”, ông Điểu Nham chia sẻ.

Theo các hội viên khác, họ đều được Chi hội hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi thỏ bài bản từ khâu làm chuồng, phòng bệnh, nguồn thức ăn… Chăn nuôi thỏ cũng phù hợp với điều kiện của người dân nông thôn.

HND tỉnh hỗ trợ 20 con thỏ giống cho mỗi thành viên chăn nuôi thỏ

Phần lớn các gia đình đều tận dụng các loại lá cây, rau, củ, quả có sẵn trong vườn để làm thức ăn cho thỏ, nên vốn đầu tư không nhiều. Chăn nuôi thỏ cũng tận dụng được thời gian nhàn rỗi của bà con nông dân.

Chị Phan Thị Thảo, ở thôn Tân Hiệp, xã Đắk R'moan cho biết, thỏ sinh trưởng khá nhanh, tầm 5 tháng đã đạt từ 2,5 kg và có thể xuất bán. Còn thỏ mẹ sinh sản 4 lứa/năm, mỗi lứa từ 8-10 con.

Hiện nay, giá thỏ thịt khoảng 100.000 đồng/kg. Với 20 con thỏ giống được HND tỉnh hỗ trợ, sau 1 năm nuôi, gia đình chị Thảo dự kiến thu về khoảng 40 triệu đồng. Từ hiệu quả kinh tế này, gia đình chị sẽ tính toán nhân đàn để tăng thu nhập.

Theo lãnh đạo UBND xã Đắk R'moan, mô hình chăn nuôi thỏ đã giúp nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất hiệu quả. Bà con cũng tận dụng được lợi thế phát triển kinh tế một cách phù hợp.

Trong quá trình chăn nuôi thỏ, các thành viên trong Chi hội đã chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật với nhau. Các thành viên cũng tạo thành chuỗi liên kết để cung cấp đầu vào, đầu ra ổn định.

Còn theo lãnh đạo HND tỉnh, mô hình chăn nuôi thỏ ở Đắk R'moan trước mắt được định hướng phục vụ các nhà hàng ở TP. Gia Nghĩa và nhu cầu thực phẩm của người dân. Về lâu dài, HND tỉnh sẽ thu hút thêm các hộ dân tham gia, tăng đàn để phục vụ thị trường theo quy mô hàng hóa.

HND tỉnh đang phối hợp với chính quyền địa phương để xúc tiến, tìm kiếm đầu ra ổn định, quy mô, lâu dài cho những người chăn nuôi thỏ. Trong đó, HND tỉnh sẽ hướng tới việc kết hợp cung cấp sản phẩm cho các cơ sở du lịch ở TP. Gia Nghĩa và các tỉnh lân cận.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/xay-dung-vung-nuoi-tho-quy-mo-hang-hoa-o-dak-r-moan-92195.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/xay-dung-vung-nuoi-tho-quy-mo-hang-hoa-o-dak-r-moan-92195.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Xây dựng vùng nuôi thỏ quy mô hàng hóa ở Đắk R’moan
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO