Xây dựng và phát triển nền văn hóa Đắk Nông đáp ứng yêu cầu mới
Xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển trong gần 20 năm qua, tỉnh Đắk Nông luôn đề cao và đặt văn hóa ở vị trí tương xứng trong chiến lược phát triển, để văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội. Nhờ đó, sự nghiệp văn hóa của Đắk Nông đã có sự phát triển vượt bậc, gặt hái những thành quả mang tính dấu ấn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.
Giá trị thời đại của Đề cương văn hóa Việt Nam
80 năm về trước, Đảng ta đã thông qua bản Đề cương về văn hóa Việt Nam, một văn kiện quan trọng do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo. Đề cương là cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa, xác lập văn hóa là một trong ba mặt trận chính trị, kinh tế, văn hóa, cho thấy tư duy, tầm nhìn và sự quan tâm sâu sắc của Đảng ta trong phát triển văn hóa. Từ điểm khởi nguồn này, trải qua tiến trình lịch sử với rất nhiều biến động, việc phát triển các giá trị mang tính cương lĩnh của Đề cương vẫn giữ nguyên sức sống và có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Luận điểm “văn hóa là một mặt trận” được coi là tuyên ngôn của Đảng về sứ mệnh và vị thế của văn hóa, đồng thời thể hiện tầm nhìn và cách tiếp cận tổng thể của Đảng ta đối với việc giải quyết các yêu cầu và mục tiêu lớn của đất nước. Trong bối cảnh lịch sử đương thời, luận điểm này là cơ sở quan trọng để tập hợp, phát huy sức mạnh quần chúng và giới trí thức, kiến tạo nền tảng và nguồn sức mạnh tinh thần cùng với các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế, góp phần phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Kế thừa quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng, Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế, đây vẫn là một trong những vấn đề cơ bản của đất nước giai đoạn mới. Trong đó, yếu tố then chốt về chính trị là phải chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể chính trị, coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, trong đó, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, gắn bó mật thiết với Nhân dân, có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương, tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân.
Đồng thời, nhất quán quan điểm muốn phát triển bền vững đất nước, không chỉ văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội, mà phải xây dựng và phát triển văn hóa, con người tạo sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững.
Xây dựng và phát triển văn hoá Đắk Nông
Đắk Nông hiện có 14 di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng được Nhà nước xếp hạng, đang được khai thác và phát huy hiệu quả, gồm 1 di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt, 8 di tích cấp quốc gia và 5 di tích lịch sử cấp tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 165 lễ hội và nghi lễ của đồng bào các dân tộc thiểu số, đã phục dựng 53 lượt lễ hội, nghi lễ truyền thống; 38 câu lạc bộ, đội, nhóm cồng chiêng; 4 câu lạc bộ đàn tính, hát then đang duy trì hoạt động thường xuyên.
Đặc biệt, cuối năm 2020, Công viên Địa chất Đắk Nông được UNSECO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu UNSECO Đắk Nông. Đây là không gian chứa đựng nhiều giá trị văn hóa bản địa đặc trưng của vùng đất Nam Tây Nguyên, bước đầu đã được khai thác để phát triển du lịch sinh thái, địa chất, văn hóa.
Trong 20 năm qua, tỉnh đã tổ chức nhiều lễ kỷ niệm lớn, sự kiện văn hóa quan trọng, có tính dấu ấn và sức lan tỏa sâu rộng: Lễ kỷ niệm thành lập tỉnh, Lễ kỷ niệm phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng và khánh thành tượng đài N’Trang Lơng; Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam, Hội nghị Quốc tế về hang động núi lửa, Liên hoan Văn nghệ quần chúng, Liên hoan Dân ca các dân tộc … đã góp phần bảo tồn, phát huy, quảng bá mạnh mẽ các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, khơi dậy sức sáng tạo, khát vọng vươn lên của Nhân dân các dân tộc Đắk Nông.
Kế thừa những giá trị mang tầm thời đại của Đề cương về văn hóa Việt Nam, để tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hoá Đắk Nông theo quan điểm của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, đồng thời triển khai sâu rộng Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, trong thời gian tới, tỉnh cần tập trung vào các vấn đề trọng tâm sau:
Trước hết, cần tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần tự lực, khát vọng vươn lên của Nhân dân các dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh con người Đắk Nông, tạo nguồn lực nội sinh để kết hợp với ngoại lực trở thành động lực thúc đẩy hoàn thành mục tiêu phát triển tỉnh Đắk Nông đến năm 2025 và tầm nhìn 2030 mà Đại hội XII của Đảng bộ tỉnh Đắk Nông đã đề ra.
Thứ hai, kiên trì đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa, tập trung vào khâu chủ động dự báo, ban hành các nghị quyết, chiến lược về phát triển văn hóa; làm tốt khâu thể chế hóa chủ trương, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, tăng cường vai trò kiến tạo của Nhà nước, huy động tối đa các nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, trên cơ sở bảo đảm định hướng phát triển. Phát huy vai trò của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh trong tập hợp, huy động văn nghệ sĩ tham gia sáng tạo văn học, nghệ thuật cổ vũ và phụng sự cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Đắk Nông.
Thứ ba, chú trọng giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn, phát huy các giá trị, di sản văn hóa bản địa đặc trưng với phát triển du lịch văn hóa, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng các dân tộc tham gia giữ gìn truyền thống văn hóa, nhất là trong không gian văn hóa của Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Thứ tư, cần sớm xây dựng quy hoạch phát triển văn hóa tỉnh Đắk Nông nhằm cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được phê duyệt. Đây là cơ sở quan trọng để định hướng phát triển và phân bổ các nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp văn hóa của Đắk Nông.
Thực hiện tốt những đề xuất, giải pháp sẽ góp phần phát huy giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam, thực hiện có hiệu quả các quan điểm, định hướng, chỉ tiêu về phát triển văn hóa tỉnh Đắk Nông theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đề ra, làm cho văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, cùng các thành tố chính trị, kinh tế, xã hội kiến tạo sự phát triển nhanh và bền vững của Đắk Nông.