Xây dựng tổ chức hội vững mạnh, nâng cao đời sống, vị thế của phụ nữ

Hoàng Hoài thực hiện| 29/11/2021 10:16

Nhiệm kỳ 2016-2021, Hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp trong tỉnh đã thực hiện hoàn thành và vượt mức hầu hết các nhóm chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh lần thứ III đề ra. Để hiểu thêm về vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với bà H’Vi Ê Ban, TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh.

P.V: Thưa bà, trong các nhóm chỉ tiêu đạt được của nhiệm kỳ 2016-2021 thì chỉ tiêu nào thể hiện rõ nhất vai trò của tổ chức hội và hội viên?

Bà H’Vi Ê Ban: Trước hết, phải khẳng định một điều, nhiệm kỳ qua, các cấp hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, khâu đột phá; tập trung hướng các hoạt động về cơ sở, tạo nên những bước chuyển quan trọng trong hoạt động hội và phong trào phụ nữ.

Trong 7 nhóm chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt đều thể hiện rõ dấu ấn của tổ chức hội và hội viên. Tuy nhiên, nổi bật nhất là hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, với nhiều cách làm hay, hiệu quả.

Điển hình, Quỹ cơ hội cho phụ nữ làm kinh tế được thành lập và duy trì hoạt động, với tổng dư nợ trên 40 tỷ đồng giúp 1.757 phụ nữ nghèo vay; hỗ trợ thành lập mới 4 hợp tác xã do phụ nữ quản lý; 1 câu lạc bộ “Doanh nghiệp nữ”. Các hình thức “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ” bằng việc giúp vốn không lấy lãi; kiến thức, kinh nghiệm, ngày công, cây, con giống... tiếp tục được nhân rộng.

Bên cạnh đó, các cấp hội còn phối hợp mở 99 lớp dạy nghề, tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; ký kết, nhận ủy thác các nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội được mở rộng với tổng dư nợ trên 888 tỷ đồng (tăng 291 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ), hỗ trợ 19.099 thành viên vay phát triển sản xuất, kinh doanh… Các chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", "Nuôi heo đất", "Nuôi bò vì phụ nữ nghèo"… tiếp tục được chú trọng.

 Đồ họa: Bình Minh - Hoàng Hoài

Một hoạt động nữa dù không đề cập trong nghị quyết nhưng cũng thể hiện rõ vai trò của các cấp hội, hội viên, phụ nữ đó là việc chung tay phòng, chống dịch Covid-19.  Đến nay, các cấp hội đã tổ chức 846 buổi truyền thông, tuyên truyền lưu động; xây dựng 144 bản tin và 363 bài viết tuyên truyền trên trang Zalo, Facebook; tham gia hỗ trợ các mô hình "Gian hàng 0 đồng", "Shipper 0 đồng", "Bữa sáng yêu thương", "Chuyến xe 0 đồng".

Các cấp hội vận động các nguồn lực để tặng 60.620 khẩu trang y tế, 2.000 đôi găng tay y tế, 3.115 tấm chắn giọt bắn, 12.000 dây hỗ trợ đeo khẩu trang, trên 284 tấn lương thực, thực phẩm, 25 tấn gạo, 800 thùng mỳ tôm các loại, trên 2,2 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương có dịch, khu cách ly tập trung, chốt kiểm dịch, chốt biên giới trên địa bàn tỉnh và các tỉnh phía Nam…

P.V: Nhiệm kỳ qua, Hội LHPN tỉnh đã xác định được các khâu đột phá để tập trung triển khai thực hiện nhằm nâng cao vai trò, vị trí của hội, vậy đó là khâu đột phá nào, thưa bà?

Bà H’Vi ÊBan: Trong nhiệm kỳ, Hội LHPN tỉnh đã xác định 2 khâu đột phá cần thực hiện đó là “Nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động hội cơ sở, đa dạng hóa các hình thức tập hợp phụ nữ, phát huy quyền làm chủ của hội viên, phụ nữ” và “Nâng cao hiệu quả thực chất công tác giám sát, phản biện xã hội, tham mưu đề xuất chính sách góp phần giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ”.

Thực hiện khâu đột phá thứ nhất, với phương châm “ở đâu có phụ nữ ở đó có hoạt động hội”, các cấp hội đã thường xuyên rà soát, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, đa dạng hóa hình thức tập hợp, thu hút phụ nữ tham gia tổ chức hội. Việc xây dựng mô hình mới, coi trọng tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, đầu tư các hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế, tăng thu nhập và phát triển hội viên theo các nhóm sở thích, vùng miền, dân tộc thiểu số, tôn giáo… đáp ứng được nhu cầu thiết thực, chính đáng của các nhóm đối tượng phụ nữ khác nhau.

Các cấp hội còn thường xuyên đổi mới hình thức sinh hoạt, kỹ năng điều hành, tăng cường cán bộ đi cơ sở nắm tình hình… Nhờ đó, tỷ lệ thu hút phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tham gia vào tổ chức hội ngày càng cao. Trong nhiệm kỳ, toàn hội tăng 12.611 hội viên, nâng tổng số lên 83.951 hội viên/152.789 phụ nữ (tăng 17,67% so với đầu nhiệm kỳ); 68/71 cơ sở hội có tỷ lệ thu hút hội viên trên 50%.

Thực hiện khâu đột phá thứ hai, các cấp hội đã chủ động hơn trong việc giám sát, phản biện xã hội, phát huy dân chủ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ. Hội các cấp đã tổ chức giám sát 29 chính sách liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Trong đó, cấp tỉnh chủ trì giám sát 4/5 chính sách; cấp huyện, thành phố tổ chức 40 cuộc giám sát về 25 chính sách; cấp cơ sở phối hợp và tham gia tổ chức 355 đợt giám sát; tham gia ý kiến, phản biện 2.320 dự thảo văn bản; tham mưu đề xuất 3 đề án liên quan đến phụ nữ.

Đường hoa do phụ nữ xây dựng đã tạo nên điểm nhấn ở xã biên giới Thuận An (Đắk Mil). Ảnh: Phan Tân

P.V: Nhiệm kỳ 2021-2026, Hội LHPN tỉnh xác định sẽ tập trung phát động phụ nữ thực hiện 1 phong trào thi đua, 1 cuộc vận động và 2 khâu đột phá, vậy cụ thể là như thế nào, thưa bà?

Bà H’ Vi Ê Ban: Nhiệm kỳ 2021-2026, Hội LHPN tỉnh xác định tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức hội vững mạnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và vị thế của phụ nữ. Để làm được điều này, Hội đã đặt ra 1 phong trào thi đua, 1 cuộc vận động gồm: phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Đắk Nông yêu nước, phát huy nội lực, tự chủ, tự tin, khát vọng phát triển”; cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam” và 2 khâu đột phá "Về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hội", "Đồng hành xây dựng chi hội, tổ phụ nữ vững mạnh".

Đối với phong trào thi đua, các cấp hội tập trung tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, hoạt động xã hội để phát triển toàn diện; tư vấn, hỗ trợ giải quyết khó khăn, giúp đỡ cho nhóm phụ nữ yếu thế, đồng hành cùng hội viên trong phát triển kinh tế, khởi nghiệp…

Đối với cuộc vận động, sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả. Trọng tâm là thí điểm thực hiện tiêu chí “5 có” (ngôi nhà an toàn, sinh kế bền vững, sức khỏe, kiến thức và nếp sống văn hóa) tại 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đô thị văn minh; xây dựng các mô hình sản xuất sạch, tiêu dùng sạch, phòng chống rác thải nhựa…

Với các khâu đột phá, các cấp hội tiếp tục mở rộng các loại hình tập hợp, đa dạng nội dung hoạt động hội theo phương châm “ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động hội”, chú trọng đến các đối tượng nữ thanh niên, tri thức, doanh nhân, dân tộc thiểu số, tôn giáo… Tăng cường nắm bắt tình hình phụ nữ, quản lý hội viên bằng nhiều biện pháp, cách thức phù hợp với thực tiễn. Cán bộ hội chuyên trách các cấp thực hiện “3 cùng” với chi, tổ hội (cùng nghe phụ nữ nói, cùng nói cho phụ nữ hiểu, cùng làm cho phụ nữ theo).

Trong ứng dụng công nghệ thông tin thì tập trung sử dụng hiệu quả các kênh truyền thông trong hệ thống hội; triển khai các hình thức thu hút, tập hợp phụ nữ qua mạng xã hội. Cán bộ hội cấp tỉnh, huyện, xã sử dụng thành thạo phần mềm quản lý cán bộ, hội viên; có biện pháp cụ thể hỗ trợ cơ sở hội, chi tổ hội khó khăn trong công tác tập hợp, phát triển hội viên.

Toàn hội phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ có ít nhất 5 loại hình hoạt động thu hút sự tham gia các đối tượng phụ nữ đặc thù ở địa phương. Ngoài ra, các cấp hội sẽ đa dạng hóa các hình thức và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành bộ máy cơ quan chuyên trách và hệ thống hội các cấp.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/xay-dung-to-chuc-hoi-vung-manh-nang-cao-doi-song-vi-the-cua-phu-nu-90324.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/xay-dung-to-chuc-hoi-vung-manh-nang-cao-doi-song-vi-the-cua-phu-nu-90324.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Xây dựng tổ chức hội vững mạnh, nâng cao đời sống, vị thế của phụ nữ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO