Người dân Đăk Pơ thu hoạch rau. |
Là vùng trồng rau truyền thống có lịch sử hàng trăm năm trước, vựa rau Đăk Pơ không chỉ cung cấp cho các địa phương trong tỉnh mà còn vươn ra các thành phố, thị xã các tỉnh như Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng... Toàn huyện hiện có khoảng 1.500 hộ dân chuyên trồng rau.
Xác định rau xanh là thế mạnh của địa phương, Đảng bộ huyện Đăk Pơ khóa 17, nhiệm kỳ 2020-2025 đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển vùng rau, cây ăn quả theo hướng chuyên canh, gắn với ứng dụng khoa học-công nghệ là nhiệm vụ cốt lõi trong phát triển nông nghiệp của huyện.
Từ năm 2022, Dự án “Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận rau Đăk Pơ” được triển khai và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu với vùng bảo hộ nhãn hiệu “Rau Đăk Pơ” gồm 8 xã, 1 thị trấn. Cùng với đó, huyện xây dựng dự án “Quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận gắn với tiêu thụ sản phẩm rau Đăk Pơ” và triển khai thực hiện từ năm 2023 đến 2024.
Mục tiêu của dự án là đưa sản phẩm rau vào hệ thống siêu thị và các thị trường tiềm năng như Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quy Nhơn, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... xây dựng mô hình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao, sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP, tập trung sản xuất rau gắn với nhu cầu thị trường và các nhà máy chế biến; đồng thời, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, xây dựng tem truy xuất nguồn gốc, mã vạch đối với sản phẩm rau Đăk Pơ nhằm đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Bà Trương Thị Thiên Lý, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Pơ thông tin: Rau Đăk Pơ được cấp nhãn hiệu chứng nhận đã được bảo hộ trên địa bàn cả nước, mở ra cơ hội để sản phẩm rau của địa phương vươn đến các thị trường rộng lớn hơn; tạo thêm động lực để nông dân yên tâm sản xuất, người tiêu dùng tin tưởng sử dụng sản phẩm. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đang tiếp tục triển khai tập huấn, hướng dẫn người dân quy trình sản xuất đối với sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận; đồng thời, hình thành các hợp tác xã sản xuất rau an toàn theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao chất lượng và ổn định đầu ra.
Các loại rau ăn quả chủ yếu được trồng ở huyện Đăk Pơ là rau ăn lá, rau ăn củ, rau mùi, dưa leo, cà chua, ớt... Sản lượng rau ăn quả trong những năm qua tiếp tục tăng năm sau cao hơn năm trước. Định hướng của huyện là tiếp tục mở rộng và phát triển diện tích vùng sản xuất rau an toàn (đạt chứng nhận GAP) đến năm 2030 đạt 500 ha.
Để nâng tầm giá trị sản phẩm rau Đăk Pơ, Ban Thường vụ Huyện ủy đã thông qua chủ trương thực hiện Dự án “Quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận gắn với tiêu thụ sản phẩm rau Đăk Pơ”. Từ tháng 9/2023, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Pơ đã ký kết hợp đồng với Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ NHONHO để thực hiện quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận gắn với tiêu thụ sản phẩm rau Đăk Pơ. Thời gian thực hiện dự án là 420 ngày (từ ngày 14/9/2023 đến 12/11/2024) với tổng số tiền hơn 600 triệu đồng. Đề án hướng tới ba mục tiêu là: Khảo sát đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh của tổ chức/cá nhân đăng ký sử dụng nhãn hiệu chứng nhận rau Đăk Pơ từ năm 2022; tìm hiểu nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trên thị trường, đồng thời đề xuất giải pháp quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận rau Đăk Pơ gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm; tập huấn nâng cao nhận thức của cá nhân/tổ chức trong việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, việc quảng bá nhãn hiệu và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm rau Đăk Pơ; triển khai các hoạt động quảng bá thương hiệu sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận rau Đăk Pơ.
Mặc dù có gần 7.000 ha rau, sản lượng trung bình hơn 120.000 tấn/năm nhưng Đăk Pơ vẫn chưa phát triển nghề trồng rau tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Người dân chủ yếu canh tác tự phát, chưa tạo ra nhiều chuỗi liên kết sản xuất theo các tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Đến nay, huyện chỉ mới triển khai Dự án trồng rau theo hướng VietGAP có quy mô 5 ha.
Ông Nguyễn Văn Hưng ở thôn Tân Sơn, xã Tân An cho biết, ba thế hệ gia đình ông theo nghề trồng rau hơn 70 năm nay. Nghề trồng rau ở Tân An đem lại cuộc sống no đủ cho người dân, đủ chi phí để nuôi con học đại học. Trung bình sản xuất 1 sào rau xanh, trừ chi phí một năm thu lợi từ 25 đến 30 triệu đồng, thu nhập cao hơn so với trồng lúa, trồng mía. Người dân vùng rau Tân An và Cư An rất mong chính quyền các cấp quan tâm đến hệ thống thủy lợi cấp nước cho vùng trồng rau; tập huấn cho người dân về kỹ thuật trồng rau an toàn, hướng đến thành lập các hợp tác xã chuyên sản xuất, thu mua rau ổn định, nâng cao giá trị rau Đăk Pơ và thu nhập cho người dân.
Ông Huỳnh Công Danh, Phó Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ vận tải Đăk Pơ cho biết, hiện nay mỗi ngày hợp tác xã dịch vụ vận tải Đăk Pơ nhận vận chuyển khoảng 100 tấn rau của bà con đi tiêu thụ ở thị trường các tỉnh miền trung. Tuy nhiên giá rau chưa ổn định do rau Đăk Pơ mới được cấp nhãn hiệu mà chưa truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ, chưa có giấy chứng nhận rau an toàn.
Để nâng tầm giá trị rau Đăk Pơ, ông Huỳnh Văn Hơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện cho biết: Một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới là thực hiện có hiệu quả Dự án “Quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận gắn với tiêu thụ sản phẩm rau Đăk Pơ”, thông qua đó sẽ quảng bá, giới thiệu, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm rau của huyện xâm nhập vào các thị trường tiềm năng. Mặt khác, huyện cũng tăng cường liên kết với các địa phương trong vùng, tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp với các trang trại, hợp tác xã nhằm liên kết tiêu thụ sản phẩm. Trước mắt, huyện sẽ đánh giá thực trạng, quy hoạch các vùng sản xuất rau, từ đó khuyến khích người dân chuyển đổi dần diện tích kém hiệu quả; tạo điều kiện về vốn, đất cho các tổ chức xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà sơ chế, chế biến sản phẩm phục vụ cho việc phát triển vùng nguyên liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm rau trên địa bàn ■