Xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho OCOP

Bình Minh| 09/12/2022 08:50

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), tỉnh Đắk Nông đã có 47 sản phẩm được chứng nhận đạt OCOP hạng từ 3-4 sao. Các sản phẩm OCOP sau khi được chứng nhận, các chủ thể đã chú trọng đến đăng ký nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế của sự phát triển thì công tác này đến nay vẫn còn ít và chậm.

Bắt đầu được chú trọng

Qua rà soát, cùng với xây dựng sản phẩm OCOP, các chủ thể OCOP đã từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, quan tâm đến mẫu mã bao bì sản phẩm, xây dựng tem truy xuất nguồn gốc. Ngành chuyên môn và các địa phương hỗ trợ các sản phẩm tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các hội chợ, triển lãm, các hoạt động xúc tiến thương mại để sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng. Thời gian qua, các cơ quan, ban, ngành, địa phương đã hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho các doanh nghiệp, địa phương, tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, bảo hộ trí tuệ, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm OCOP của tỉnh. Tuy nhiên, nội dung hỗ trợ xây dựng và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm OCOP nói riêng còn rất ít. Những hạn chế, vướng mắc trong phát triển sản phẩm OCOP của Đắk Nông hiện đang tồn tại như: qui mô sản xuất nhỏ, việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến còn hạn chế, mẫu mã bao bì sản phẩm chưa thu hút được nhiều người tiêu dùng, nhiều sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc...  Khâu tổ chức liên kết sản xuất dù đã được chú trọng nhưng mức độ và quy mô chưa lớn. Đây là những nguyên nhân làm cho giá trị sản phẩm OCOP đạt thấp, sản phẩm chưa vươn ra được các thị trường lớn trong nước và xuất khẩu.

Để tăng cường bảo hộ thương hiệu sản phẩm OCOP, các ngành hữu quan của tỉnh hiện nay đang xác định danh mục sản phẩm OCOP làm căn cứ đề xuất đăng ký bổ sung với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Các địa phương hướng dẫn các đơn vị sản xuất có sản phẩm tham gia chương trình OCOP của tỉnh thực hiện việc đăng ký bảo hộ, ghi nhãn hàng hóa, công bố tiêu chuẩn áp dụng, hợp chuẩn, hợp quy theo đúng quy định trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ đang tiến hành khảo sát xác định sản phẩm, chủ thể OCOP phục vụ hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và phát triển thương mại nhằm mục tiêu đánh giá tổng thể về thực trạng sản xuất, chế biến và thương mại của các chủ thể, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao trở lên; đánh giá hiện trạng sử dụng nhãn hiệu, hệ thống nhận diện và các yếu tố liên quan đến bao bì, nhãn mác ảnh hưởng đến chất lượng và khả năng tiêu thụ của các sản phẩm OCOP này. Từ đó, ngành sẽ lựa chọn trong các sản phẩm được công nhận đạt 3 sao trở lên để hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và phát triển thương mại cho các sản phẩm OCOP.

Nhãn hiệu gạo Buôn Choáh, huyện Krông Nô được xây dựng gắn với biểu tượng núi lửa ngày càng có thương hiệu mạnh trên trị trường (Đồ họa: B.M)

Vai trò lớn trong xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu

Sở hữu trí tuệ là một trong những công cụ để bảo vệ cho các hoạt động sản xuất, chế biến và thương mại, tổ chức quảng bá và phát triển thương mại sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm gắn với chỉ dẫn nguồn gốc địa lý. Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sẽ giúp cho sản phẩm OCOP khẳng định quyền sở hữu hợp pháp và có cơ sở pháp lý vững chắc khi xử lý xâm phạm; độc quyền sử dụng và khai thác nhãn hiệu; ngăn chặn đối thủ cạnh tranh sao chép nhãn hiệu; bảo hộ trước khi bị người khác chuộc lại đi đăng ký trước; tăng uy tín thương hiệu của sản phẩm trên thị trường; tạo sự yên tâm cho chủ nhãn hiệu khi bỏ tiền và công sức đầu tư và làm cơ sở cho việc xây dựng hệ thống nhượng quyền thương hiệu/mua bán.

Một trong những giải pháp quan trọng trong xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu là cần tập trung xúc tiến thương mại, phát triển thị trường cho các sản phẩm đạt OCOP, có nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc; chú trọng đưa sản phẩm vào các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ... trong và ngoài tỉnh. Các chủ thể tăng cường liên kết, liên doanh giữa người sản xuất với doanh nghiệp. Xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP cấp hộ, cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh, cấp vùng, cấp quốc gia, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, gắn với giá trị văn hóa truyền thống, hình ảnh quê hương, con người Đắk Nông.

Việc đăng ký nhãn hiệu cho OCOP là không khó. Thế nhưng, đây là một việc mang tính chuyên môn cao, đòi hỏi người thực hiện đăng ký cần có kiến thức và kinh nghiệm nhất định để làm đúng hồ sơ theo qui định. Chính vì vậy, vai trò hỗ trợ của Sở Khoa học-Công nghệ và chính quyền địa phương trong việc tích cực hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhận diện và quảng bá thương hiệu (hỗ trợ quản lý nhãn hiệu, in tem, nhãn sản phẩm OCOP; duy trì hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR Code truy xuất nguồn gốc…) là rất quan trọng.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/chuong-trinh-moi-xa-mot-san-pham/xay-dung-nhan-hieu-thuong-hieu-cho-ocop-96513.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/chuong-trinh-moi-xa-mot-san-pham/xay-dung-nhan-hieu-thuong-hieu-cho-ocop-96513.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho OCOP
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO