Xây dựng nền hành chính vì dân phục vụ
Đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) gắn với chuyển đổi số (CĐS), góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII là mục tiêu Đắk Nông đặt ra trong học tập và làm theo Bác năm 2024.
Để hiểu thêm về vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II tại TP. Hồ Chí Minh.
PV: Ông có thể nói rõ hơn Chuyên đề năm 2024 về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đẩy mạnh CCHC gắn với CĐS, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII?
PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng: Nền hành chính Nhà nước là vấn đề lớn trong sự nghiệp tư tưởng của Bác Hồ. Từ thân phận một người dân nô lệ, Bác Hồ đã lãnh đạo nước ta giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; đồng thời xây dựng Nhà nước kiểu mới, nền hành chính mới “của dân, do dân và vì dân”. Vì thế khi nói đến xây dựng Nhà nước chính là nói đến việc xây dựng nền hành chính mà người dân trải nghiệm và Nhà nước thông qua nền hành chính ấy để quản lý. Nền hành chính đó phải gắn liền với đời sống của người dân.
Chuyên đề năm 2024 về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đẩy mạnh CCHC gắn với CĐS, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII” rất quan trọng. Đây không chỉ là tư tưởng lớn trong cuộc đời của Bác Hồ mà còn là nhu cầu thực tế hiện nay, cần phải có một nền hành chính phục vụ Nhân dân. CĐS cũng chính là nhu cầu tất yếu trong thời kỳ hội nhập quốc tế. CCHC, CĐS còn là mục tiêu mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Đại hội lần thứ XII của Đảng bộ tỉnh Đắk Nông đặt ra.
Tôi tin chắc rằng, nếu chúng ta CCHC tốt, CĐS tốt thì người dân sẽ được phục vụ tốt hơn, minh bạch hơn, công khai hơn. Từ đó, niềm tin của Nhân dân đối với chính quyền ngày càng tốt hơn.
PV: Qua nghiên cứu, tìm hiểu thực tế, PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng có thể chia sẻ một số kinh nghiệm về CCHC, CĐS ở các tỉnh, thành khác?
PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng: Qua nghiên cứu, tìm hiểu thực tế ở các địa phương trong nước, tôi nhận thấy, bài học kinh nghiệm để CCHC, CĐS thành công đó là cần có quyết tâm chính trị cao và sự đồng thuận, thống nhất từ cán bộ lãnh đạo, quản lý cho đến công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Khi chúng ta thực hiện CCHC, CĐS ảnh hưởng đến lợi ích và thói quen của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Vì vậy, theo tôi, để làm cuộc "cách mạng cải tổ tư duy" này, trước hết đòi hỏi lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải tiên phong trong CCHC, CĐS. Trước khi thực hiện cần nắm bắt tư tưởng, tâm lý, tuyên truyền, vận động để cán bộ, công chức, viên chức hiểu, đồng thuận. Ngoài ra, cán bộ, đảng viên phải là người thực hiện tốt nhất nhiệm vụ này theo tinh thần lấy lợi ích của Nhân dân làm đầu, phục vụ tốt cho Nhân dân, làm tất cả vì Nhân dân.
PV: Ông có đánh giá như thế nào về tinh thần học tập của cán bộ, đảng viên tỉnh Đắk Nông tại hội nghị nghiên cứu, quán triệt Chuyên đề năm 2024?
PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng: Trực tiếp báo cáo tại hội nghị do tỉnh Đắk Nông tổ chức, tôi nhận thấy, đội ngũ cán bộ, lãnh đạo tỉnh rất khát vọng để xây dựng địa phương phát triển, xây dựng nền hành chính phục vụ Nhân dân. Việc tỉnh Đắk Nông tổ chức quán triệt Chuyên đề năm 2024 ngay từ đầu năm là minh chứng rõ nét cho khát vọng này của tỉnh. Việc tổ chức hội nghị theo hình thức trực tiếp, trực tuyến từ tỉnh đến cơ sở cũng chính là một trong những cách làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về CCHC, CĐS của địa phương.
Sau một buổi báo cáo chuyên đề, tôi nhận thấy, tất cả cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là những người đứng đầu đều học tập, lắng nghe nghiêm túc. Điều này cho thấy, nhiệm vụ CCHC, CĐS có ý nghĩa rất quan trọng đối với mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thời kỳ hội nhập, phát triển.
P.V: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!