Văn hóa

Xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ ngay tại nhà

Hoàng Trọng 22/06/2024 11:08

Rèn luyện, trang bị kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ là trách nhiệm của nhà trường, xã hội và của mỗi gia đình.

An toàn của con là trách nhiệm của cha, mẹ

Theo bà H’Vi Êban, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, lâu nay, một số phụ huynh cho rằng, giáo dục kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích cho con em là việc của các thầy, cô giáo. Thế nhưng khi đến trường, các em học văn hóa nhiều nên việc trang bị các kỹ năng phòng, chống và xử lý khi gặp tai nạn thương tích rất ít. Do đó, gia đình, đặc biệt cha mẹ phải là người đầu tiên dạy con em kiến thức cần thiết để bảo vệ an toàn cho bản thân.

vt.jpg
Nhiều trẻ em được cha mẹ trang bị kỹ năng an toàn khi nấu ăn để phòng tránh tai nạn thương tích do lửa gây ra như bỏng

Các bậc cha mẹ cần giáo dục kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích cho con theo từng giai đoạn, từng độ tuổi phù hợp.

Khi con còn nhỏ mới chập chững biết bò, biết đứng, biết đi, cha mẹ, các thành viên trong gia đình nhắc nhở con tránh xa những nơi nguy hiểm như các vật dụng sắc nhọn, ổ điện, thiết bị điện tử, leo cầu thang... Mặc dù con nhỏ sẽ không hiểu hết được mối nguy hiểm, nhưng mỗi ngày, cha mẹ lặp đi lặp lại những lời nhắc nhở đó dần dần con sẽ biết và tránh xa.

Khi con ở độ tuổi mầm non, tiểu học, cha mẹ cần hướng dẫn con kỹ năng qua đường, không leo trèo lên cây, không cầm vật sắc nhọn khi chạy nhảy, không chơi ở khu vực ao hồ, sông suối; cẩn trọng khi chơi cùng vật nuôi...

Trẻ lớn hơn, cha mẹ trang bị cho con kỹ năng sử dụng xe đạp, xe máy điện an toàn, chú ý quan sát, chấp hành Luật Giao thông đường bộ; không đi chơi ở những khu vực nguy hiểm, có biển cảnh báo cấm...

Đặc biệt, với trẻ em gái, cha mẹ cần hướng dẫn, trang bị cho con kỹ năng phòng, tránh xâm hại tình dục, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên.

“Hội LHPN tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức hội cơ sở tuyên truyền, nhắc nhở hội viên, phụ nữ trang bị cho con em mình những kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích thiết yếu, nhất là không đi tắm ở ao hồ, sông suối... Là một người mẹ, các chị phải là người đầu tiên chịu trách nhiệm trong việc giúp con em mình sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, phát triển toàn diện”, bà H’Vi cho biết.

bb(1).jpg
Trẻ em TP. Gia Nghĩa học kỹ năng xử lý khi gặp sự cố hỏa hoạn để bảo vệ an toàn

Chị Đỗ Thị Tâm, tổ dân phố 3, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa cho rằng, cha mẹ là người chứng kiến các mốc lớn lên của con từ khi sinh ra đến trưởng thành. Do đó, chính cha mẹ, gia đình phải là người đầu tiên cung cấp cho con những kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích. Là một người mẹ của 3 đứa con, bên cạnh thường xuyên nhắc nhở, phân tích cho con thấy những nguy hiểm cận kề trong cuộc sống hàng ngày, 3 năm nay, vào mỗi dịp hè, chị đều đăng ký cho con tham gia lớp học bơi, học kỳ quân đội, kỹ năng sống.

“Hiện nay, tình trạng trẻ em bị đuối nước ngày càng nhiều, nguyên nhân một phần do trẻ không biết bơi. Do đó, ngoài việc nhắc nhở con không ra ao, hồ, sông suối, tôi cho cháu đi học kỹ năng bơi lội để sử dụng lúc nguy cấp. Mình phải bảo vệ con mình và giúp con tự bảo vệ bản thân trước khi người khác làm. Bởi sự an toàn của con chính là trách nhiệm của bậc làm cha, làm mẹ”, chị Tâm tâm niệm.

hoc boi
Tranh thủ dịp nghỉ hè, chị Đỗ Thị Tâm đã trang bị cho con những kỹ năng cần thiết về bơi lội, phòng chống tai nạn thương tích

Chị Cao Thị Nguyên, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil là người thường xuyên trang bị cho con những kỹ năng sống thiết yếu. Vào mỗi dịp hè, chị đăng ký cho con tham gia các khóa rèn luyện kỹ năng sống như nấu ăn, làm việc nhà, giao tiếp ứng xử với người lớn, bạn bè...

Chị Nguyên cho hay: “Dù tốn kém một phần chi phí, nhưng đổi lại các lớp kỹ năng sống đã giúp con tôi có thêm những trải nghiệm thực tế từ ứng xử, tự chăm sóc, bảo vệ bản thân. Không phải lúc nào mình ở gần để chăm sóc, nhắc nhở nhưng cha mẹ phải là người đồng hành, giúp con dần hình thành thói quen, gieo tính cách tốt, hành vi tốt và những kỹ năng cơ bản để giữ an toàn cho mình”.

nguyen.jpg
Chị Cao Thị Nguyên luôn đồng hành cùng con trong các khóa rèn luyện kỹ năng sống

Rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ từ gia đình

Theo ông Phan Văn Quốc, Phó Giám đốc Sở LĐTB - XH, hiện nay, tai nạn thương tích đối với trẻ diễn ra mọi lúc, mọi nơi. Do đó, việc trẻ bình tĩnh xử lý khi đối mặt với hỏa hoạn, giao tiếp an toàn với người lạ, biết bơi, tự vệ… là những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống cần được trang bị một cách bài bản, khoa học từ sớm để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Bên cạnh sự vào cuộc của nhà trường, xã hội, các gia đình, các bậc cha mẹ cần chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống các loại tai nạn thương tích, bảo vệ con em mình.

Mỗi gia đình cần dạy trẻ cách giữ bình tĩnh và thoát hiểm trong tình huống nguy cấp. Đồng thời, trang bị cho con nhiều kỹ năng về phòng ngừa tai nạn thương tích, sơ cấp cứu khi bị đuối nước, thương tích, tự vệ, tìm kiếm sự giúp đỡ khi bị bạo lực, xâm hại…để vừa giúp mình vừa giúp bạn khi cần thiết

Ông Phan Văn Quốc, Phó Giám đốc Sở LĐTB - XH tỉnh Đắk Nông

bb5-78b4185f7fe328384830644fca24b5cf(3).jpg
Các lớp kỹ năng sống trang bị cho trẻ em kiến thức cơ bản về phòng, chống tai nạn thương tích

Theo anh Nguyễn Anh Hải, phường Nghĩa Phú, TP. Gia Nghĩa, tùy điều kiện thực tế, cha mẹ có thể đăng ký cho con học bơi, học các kỹ năng sống để có kiến thức cơ bản nhằm xử lý tình huống lúc khẩn cấp. Các thành viên trong gia đình cũng có thể dành thời gian cùng con trẻ thực hành mô phỏng một vài tình huống dễ gặp với trẻ và cách xử lý khi bị té do đi xe đạp quá nhanh, không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, ngã cầu thang, động vật cào, cắn...

“Vợ chồng tôi thường xuyên cùng con xem các video hướng dẫn cách bảo vệ an toàn cho trẻ khi gặp sự cố cháy nổ, tai nạn giao thông, đi lạc bố mẹ ở nơi đông người... Từ đó, chúng tôi hướng dẫn con luôn giữ bình tĩnh, tìm lối thoát nhanh nhất khi gặp tình huống nguy hiểm để bảo vệ an toàn cho bản thân”, anh Hải quan niệm.

bb3.jpg
Việc gia đình cho con tham gia các khóa trải nghiệm khi xảy ra hỏa hoạn đã giúp con bình tĩnh, có thêm kiến thức xử lý tình huống

Trên thực tế, nhiều gia đình còn chủ quan hoặc không dành đủ thời gian đồng hành cùng con trong quá trình rèn luyện các kỹ năng. Hầu hết những trang bị về kỹ năng thoát hiểm, xử lý tình huống nguy cấp cho trẻ em khi gặp tai nạn thương tích còn qua loa, đại khái. Do đó, mỗi phụ huynh cần tự nâng cao kiến thức và chủ động cùng con thực hành những tình huống dễ xảy ra trong cuộc sống hàng ngày.

Việc giáo dục kỹ năng sống, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ cần kết hợp giữa lý thuyết với thực hành, nhận thức và hành động để các em làm quen với các tình huống. Từ đó, các em mới có đủ kiến thức, sự bình tĩnh, kỹ năng để phòng tránh, phản ứng nhanh khi gặp nguy hiểm. Ngoài ra, các gia đình cần xây dựng một môi trường sống an toàn, lành mạnh với trẻ.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ ngay tại nhà
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO