Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters) |
Theo Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol, nhu cầu đối với dầu mỏ, khí đốt và than đá có thể chạm đỉnh trước năm 2030 sau đó quay đầu giảm, đánh dấu thời điểm kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch chấm dứt, sớm hơn các dự báo được đưa ra trước đó. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy thế giới đang thoát dần khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Chuyên gia về khí hậu Simone Tagliapietra thuộc tổ chức tư vấn Bruegel ở Brussels (Bỉ), nhấn mạnh, dự báo mới của IEA là minh chứng cho thấy quá trình chuyển dịch năng lượng toàn cầu tuy diễn ra chậm song rất vững chắc.
Triển vọng nhiên liệu hóa thạch bước vào thời kỳ thoái trào đã mở ra hy vọng cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Các nhà khoa học nhấn mạnh, việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch đang làm trầm trọng thêm các tác động của biến đổi khí hậu. Mỗi năm, hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch tạo ra khoảng 21,3 tỷ tấn khí CO2, cùng nhiều chất ô nhiễm khác như các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, kim loại nặng… gây ô nhiễm không khí và phá hủy môi trường.
Giới phân tích cho rằng, một trong những động lực chính giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng là do công nghệ năng lượng sạch phủ sóng mạnh mẽ trên thế giới. Tình trạng biến đổi khí hậu và cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đặt ra nhiều thách thức, song cũng trở thành động lực thúc đẩy nhiều nước tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo. Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol khẳng định, năng lượng sạch đang phát triển rất nhanh. Theo đó, hiện mỗi USD đầu tư cho nhiên liệu hóa thạch thì có 1,7 USD được đầu tư cho năng lượng sạch. Cách đây 5 năm, tỷ lệ này là 1:1.
Với nỗ lực không ngừng của các nước, năng lượng sạch đang dần chiếm ưu thế.
Với nỗ lực không ngừng của các nước, năng lượng sạch đang dần chiếm ưu thế. Tại các nền kinh tế hàng đầu thế giới, quá trình phát triển năng lượng tái tạo đã gặt hái nhiều thành quả. Theo số liệu mới nhất của Cơ quan Năng lượng quốc gia Trung Quốc, tính đến cuối tháng 6/2023, công suất lắp đặt năng lượng tái tạo ở Trung Quốc đã vượt 1,3 tỷ kW, tăng 18,2% so với mức cùng kỳ năm 2022 và lần đầu vượt công suất lắp đặt điện than. Đáng chú ý, công suất lắp đặt điện gió và điện quang trên toàn Trung Quốc đứng đầu thế giới, lần lượt ở mức 389 triệu kW và 470 triệu kW.
Trong khi đó, sau một năm triển khai, Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) đã giúp Mỹ đạt những bước tiến đáng kể trong phát triển năng lượng tái tạo. Báo cáo vừa được Hiệp hội Năng lượng sạch Mỹ công bố cho thấy, kể từ khi IRA được thông qua, số vốn đầu tư vào lĩnh vực này bằng tám năm trước cộng lại, tương đương hơn 270 tỷ USD.
Tổ chức nghiên cứu BloombergNEF dự báo, năng lượng từ gió và mặt trời sẽ lần lượt chiếm khoảng 50% và 64% tổng sản lượng điện của Mỹ vào các năm 2035 và 2050. Đây là một bước tiến đáng kể so với mức 12% trong năm 2021. Tại Đức, hơn 50% điện năng được sản xuất trong nửa đầu năm 2023 là từ các nguồn năng lượng tái tạo, tăng so với mức cùng kỳ năm 2022. Nền kinh tế đầu tàu châu Âu đặt mục tiêu đến năm 2030 nguồn cung điện từ năng lượng tái tạo chiếm tỷ lệ 80% tổng sản lượng điện, song song với đó là hoàn thành mục tiêu loại bỏ than đá.
Mặc dù đạt nhiều thành quả tích cực song tiến trình chuyển đổi năng lượng trên thế giới còn đối mặt thách thức khi các nước vẫn cần điện than để bảo đảm an ninh năng lượng. Với chi phí rẻ và nguồn cung ổn định, than đá là lựa chọn của nhiều nước vào thời điểm khẩn cấp về nguồn cung năng lượng, nhất là khi khí hậu ngày càng nóng lên khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Bên cạnh đó, tiến độ chuyển đổi năng lượng trên thế giới không đồng đều, diễn ra mạnh mẽ ở các nước phát triển song vẫn khá trì trệ ở nhiều khu vực, nhất là tại châu Phi.
Mặc dù đạt nhiều thành quả tích cực song tiến trình chuyển đổi năng lượng trên thế giới còn đối mặt thách thức khi các nước vẫn cần điện than để bảo đảm an ninh năng lượng.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng, châu Phi hoàn toàn có khả năng để trở thành siêu cường năng lượng tái tạo khi có tiềm năng rất lớn về thủy điện, gió, năng lượng mặt trời và địa nhiệt. Tuy nhiên, châu lục này chưa có cơ hội chuyển mình khi chỉ thu hút được 2% tổng số vốn đầu tư cho năng lượng tái tạo toàn cầu trong 10 năm qua.
Sự phát triển mạnh mẽ của năng lượng sạch được xem là xu thế tất yếu, góp phần quan trọng giúp thế giới giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. IEA hối thúc các nhà hoạch định chính sách hành động nhiều hơn nữa để quá trình chuyển đổi diễn ra nhanh chóng, công bằng và toàn diện.