Xây dựng hệ thống y tế vững mạnh cho châu Phi

ANH THƯ| 26/03/2023 08:45

Các quan chức y tế hàng đầu của châu Phi đã nhóm họp tại Hội nghị quốc tế về chương trình y tế châu Phi (AHAIC) năm 2023, được tổ chức tại thủ đô Kigali của Rwanda. Với chủ đề "Hệ thống y tế vững mạnh cho châu Phi: Hình dung lại tương lai", hội nghị tập trung tìm kiếm các phương án xây dựng hệ thống y tế vững mạnh, nhằm đối phó các mối đe dọa hiện hữu và mới nổi, chẳng hạn như tác động của biến đổi khí hậu.

Một trung tâm khám bệnh cho trẻ em ở Kenya. (Ảnh AKDN)
Một trung tâm khám bệnh cho trẻ em ở Kenya. (Ảnh AKDN)

Được tổ chức ở châu Phi, nơi thường xuyên xảy ra những "điểm nóng" dịch bệnh, diễn đàn y tế toàn cầu này nhằm tập trung đưa vấn đề khí hậu vào hoạch định chính sách y tế và ngược lại. Các nhà hoạch định chính sách, các nhân vật kỹ trị đã tìm hiểu cách thức các quốc gia châu Phi có thể thúc đẩy hợp tác khu vực qua việc thiết lập quy tắc chung, cơ cấu quản trị và thủ tục pháp lý nhằm bảo đảm sự hài hòa giữa các hệ thống y tế, các biện pháp thích ứng và giảm tác động của khí hậu trên khắp lục địa.

Theo các chuyên gia, đại dịch Covid-19 đã mang đến cơ hội đánh giá lại cách xây dựng lại hệ thống y tế nói chung, thay vì xem xét riêng từng dịch bệnh.

Tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở vùng Sừng châu Phi và nạn đói đe dọa khu vực này kéo theo những lo ngại về sức khỏe cộng đồng. Vùng Sừng châu Phi là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu, với 23 triệu người thiếu lương thực trầm trọng tại các nước Kenya, Ethiopia và Somalia.

Phát biểu trong lễ khai mạc, quyền Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch châu Phi (CDC châu Phi), ông Ahmed Ogwell Ouma kêu gọi đầu tư nhiều hơn vào việc xây dựng các hệ thống y tế mạnh ở lục địa này.

Theo ông, các hệ thống y tế đa phương không phải lúc nào cũng bảo đảm công bằng cho châu Phi và đại dịch Covid-19 là một lời nhắc nhở về vị trí của châu Phi trong hệ thống y tế toàn cầu.

Ông cho rằng, dù các quốc gia châu Phi cũng phải chịu trách nhiệm về việc không đầu tư đúng mức vào hệ thống y tế, nhưng các giải pháp cho những thách thức đối với châu Phi vẫn cần sự hỗ trợ toàn cầu, bởi an ninh y tế toàn cầu sẽ không được bảo đảm nếu châu Phi tiếp tục bị bỏ lại phía sau.

Ông nhấn mạnh, biến đổi khí hậu hiện đang là tác nhân chính dẫn đến các thảm họa và tình trạng khẩn cấp y tế mà thế giới đang đối mặt, kéo theo nhiều hệ lụy khác nhau, trong đó có tổn thất về kinh tế.

Trong báo cáo cập nhật tình hình y tế và an ninh lương thực của vùng Sừng châu Phi, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, khu vực này đang hứng chịu nhiều đợt bùng phát dịch bệnh.

Biến đổi khí hậu tác động xấu tới chất lượng không khí, nước và an ninh lương thực, liên tục đặt ra các mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe của người dân. Tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở vùng Sừng châu Phi và nạn đói đe dọa khu vực này kéo theo những lo ngại về sức khỏe cộng đồng. Vùng Sừng châu Phi là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu, với 23 triệu người thiếu lương thực trầm trọng tại các nước Kenya, Ethiopia và Somalia.

Trong báo cáo cập nhật tình hình y tế và an ninh lương thực của vùng Sừng châu Phi, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, khu vực này đang hứng chịu nhiều đợt bùng phát dịch bệnh. Tại Djibouti, các dịch bệnh sởi, sốt rét, sốt xuất huyết và tiêu chảy cấp đang bùng phát. Tính đến tháng 11/2022, khoảng 546 ca nghi mắc bệnh sởi đã được báo cáo ở nước này.

Tại Ethiopia, WHO cảnh báo nguy cơ bùng phát thêm dịch bệnh vẫn cao. Hiện các đợt bùng phát bệnh tả và bệnh sởi được kiểm soát tại các khu vực bị hạn hán.

Tại Kenya, sáu khu vực xác nhận bùng phát bệnh sởi. Trong khi đó, tại Somalia, nhiều vùng bị ảnh hưởng bởi hạn hán cũng ghi nhận các trường hợp mắc các bệnh lây qua đường nước, đặc biệt là bệnh tả và tiêu chảy cấp. Nam Sudan cũng liên tục báo cáo các ca mắc bệnh sởi và viêm gan E. Số ca mắc sởi tiếp tục tăng tại nhiều bang của nước này.

WHO cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ, điều phối nỗ lực của các đối tác trong lĩnh vực y tế và nhân rộng phạm vi hỗ trợ cho bảy quốc gia ở vùng Sừng châu Phi đối phó các đợt bùng phát dịch bệnh.

Trước những nguy cơ đối với y tế châu Phi, Bộ trưởng Y tế Rwanda chỉ ra bốn nhân tố trụ cột cần có sự kết nối nhằm xây dựng một chương trình nghị sự y tế mạnh ở châu Phi, gồm khoa học, lãnh đạo, thể chế vững mạnh và thông tin hiệu quả.

Ông khẳng định, với sự liên kết chặt chẽ của những yếu tố nêu trên, châu Phi sẽ chiến thắng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và dịch bệnh.

Giám đốc WHO khu vực châu Phi nhấn mạnh, chương trình y tế của châu Phi cần ưu tiên hành động vì khí hậu. Theo bà, đầu tư vào y tế không phải là gánh nặng tài chính, mà là yếu tố rất quan trọng đối với nền kinh tế, cộng đồng và an ninh quốc gia.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/xay-dung-he-thong-y-te-vung-manh-cho-chau-phi-post744738.html
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng hệ thống y tế vững mạnh cho châu Phi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO