Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai ở Đắk Nông còn chậm
Sáng 13/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo tình hình xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai; đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) diện tích đất có nguồn gốc nông lâm trường trên địa bàn.
Theo báo cáo của Sở TN-MT, dự án CSDL đã triển khai trên địa bàn 8 đơn vị hành chính cấp huyện. Tổng diện tích đã đo đạc bản đồ địa chính là gần 184.000ha. Hơn 304.000 thửa đất đã kê khai đăng ký (ước đạt trên 70%).
Tổng kinh phí thực hiện dự án CSDL toàn tỉnh Đắk Nông trên 760 tỷ đồng. Hiện đã giải ngân được hơn 277 tỷ đồng. Có 1 đơn vị cấp huyện là Đắk R’lấp đã hoàn thành và vận hành CSDL đất đai.
Sở TN-MT nhận định, tiến độ xây dựng và vận hành CSDL rất chậm so với thiết kế kỹ thuật - dự toán đã được phê duyệt. Việc cấp đổi sổ đỏ còn rất hạn chế, chủ yếu các trường hợp có nhu cầu khi thực hiện thủ tục chuyển nhượng, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất…
Có nhiều nguyên nhân khiến việc xây dựng CSDL đất đai của Đắk Nông bị chậm. Trong đó, kinh phí thực hiện dự án được bố trí nhỏ giọt. Phần mềm vận hành CSDL là phần mềm thử nghiệm.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, Sở TN-MT đề nghị UBND tỉnh bố trí kinh phí (tối thiểu 10% số thu tiền sử dụng đất). Cùng với đó, UBND tỉnh giao các huyện chỉ đạo phòng, ban chuyên môn và các đơn vị cấp xã tăng trách nhiệm, phối hợp với đơn vị tư vấn tập trung đẩy nhanh công tác xét duyệt hồ sơ đăng ký đất đai theo thẩm quyền.
Về việc đo đạc, cấp sổ đỏ với diện tích có nguồn gốc nông lâm trường, UBND tỉnh đã xây dựng dự án năm 2020. Cuối năm 2022, dự án được bố trí 50 tỷ đồng. Sở TN-MT dự kiến trong năm 2023 sẽ thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng cấp sổ đỏ 5 đơn vị hành chính cấp huyện.
Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị cấp huyện đã có báo cáo về tình hình triển khai CSDL đất đai tại địa phương. Đại đa số các ý kiến thừa nhận việc lập CSDL chậm chạp và còn nhiều vướng mắc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của CSDL đất đai. Không có CSDL thì không thể công khai, minh bạch được. Điều này gây khó khăn cho người dân trong tiếp cận thông tin về đất đai, giải quyết các thủ tục hành chính và kêu gọi thu hút đầu tư.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện phải nêu cao quyết tâm, ưu tiên nguồn lực để xây dựng CSDL đất đai. Các địa phương đã hoàn thành đo đạc CSDL thì phải sử dụng bản đồ địa chính đó để giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân.
Đối với đất có nguồn gốc nông lâm trường, đồng chí Lê Trọng Yên yêu cầu Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai việc đo đạc. Trong điều kiện kinh phí còn hạn chế, các đơn vị có thể lựa chọn các địa phương để làm điểm, tránh dàn trải để đạt hiệu quả cao nhất.