Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Tây Nguyên

VĂN BẢO| 23/06/2024 20:38

Chiều 23/6, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ ba. Tham dự, có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh Tây Nguyên; ủy viên điều phối vùng, các chuyên gia, nhà khoa học và các nhà đầu tư trên địa bàn Tây Nguyên.

Các thành viên Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên đón nhận Quyết định Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Các thành viên Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên đón nhận Quyết định Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông trình bày báo cáo tình hình triển khai các hoạt động của Hội đồng Điều phối vùng Tây Nguyên. Trong đó có nội dung quan trọng là rà soát và xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù của vùng Tây Nguyên.

Đề xuất 10 chính sách đặc thù cho vùng Tây Nguyên

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao và kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên, tại Hội nghị lần thứ nhất của Hội đồng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương trong vùng xây dựng báo cáo rà soát, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng Tây Nguyên.

Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Tây Nguyên ảnh 1

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông và Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học chủ trì hội nghị.

Trên cơ sở 5 nguyên tắc rà soát xây dựng chính sách và 5 quan điểm, định hướng rà soát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, kiến nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát, sửa đổi tích hợp, lồng ghép các cơ chế, chính sách và tập trung bố trí nguồn lực thực hiện để bảo đảm tính nhất quán và hiệu lực, hiệu quả của chính sách, nhằm phát triển kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Sau khi tổng hợp ý kiến của 12 bộ và 5 tỉnh Tây Nguyên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ về dự thảo cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển vùng Tây Nguyên.

Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Tây Nguyên ảnh 2

Quang cảnh hội nghị.

Cụ thể, dự thảo có 10 chính sách đặc thù. Cụ thể là:

Chính sách 1 là nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án giao thông đường bộ của vùng Tây Nguyên theo phương thức đối tác công tư từ mức 50% theo quy định hiện nay lên không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án, đồng thời đáp ứng các điều kiện liên quan.

Chính sách 2 là về cơ quan chủ quản đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc.

Chính sách 3 về quản lý quy hoạch.

Chính sách 4: Các địa phương trong vùng Tây Nguyên được hỗ trợ phân bổ thêm một tỷ lệ nhất định số vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức quy định giai đoạn 2026-2030, để đầu tư cho các công trình hạ tầng trọng điểm trên địa bàn tỉnh và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội trên địa bàn Tây Nguyên.

Chính sách 5 là thu hút đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược; chính sách quy định danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút đầu tư.

Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Tây Nguyên ảnh 3

Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông báo cáo tình hình triển khai các hoạt động của Hội đồng Điều phối vùng Tây Nguyên.

Chính sách 6 là hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo chưa có nhà ở. Chính sách này nhằm hỗ trợ nhà ở cho những hộ nghèo khu vực nông thôn (chưa được hưởng chính sách về hỗ trợ nhà ở), bảo đảm có nhà ở an toàn, ổn định, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Chính sách 7 là thí điểm thị trường carbon.

Chính sách 8 là giao đủ biên chế ngành giáo dục và y tế theo định mức của cấp thẩm quyền; phân bổ bổ sung biên chế, tính toán định mức giáo viên/lớp theo từng vùng, miền, nhất là vùng núi, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.

Chính sách 9: Cơ chế riêng về điều chỉnh mức học bổng học sinh, chế độ nhân viên cấp dưỡng cho Trường Phổ thông dân tộc nội trú và đầu tư cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn vùng Tây Nguyên.

Chính sách 10 là điều chỉnh định mức bảo vệ, phát triển rừng.

Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Tây Nguyên ảnh 4

Đại biểu tham dự hội nghị.

Để Tây Nguyên phát triển bền vững

Tại hội nghị, Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên đã sơ kết hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên; dự kiến kế hoạch năm 2024 của Hội đồng điều phối vùng…

Theo đánh giá, tại Chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra 20 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội và môi trường, 23 nhiệm vụ và 9 dự án quan trọng, liên kết vùng cần thực hiện đến năm 2030. Đến nay, đã hoàn thành 10/23 nhiệm vụ; các nhiệm vụ còn lại là các đề án lớn đang được các bộ, địa phương chủ trì phối hợp với các cơ quan triển khai theo tiến độ.

Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Tây Nguyên ảnh 5

Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Về danh mục dự án quan trọng, liên kết vùng, đã khởi công và đang tập trung đẩy nhanh tiến độ 1 dự án quan trọng quốc gia (tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột) và 5 dự án trọng điểm, liên kết vùng; đang hoàn thiện thủ tục đầu tư 2 dự án và nghiên cứu phương thức đầu tư 4 dự án để triển khai đầu tư các dự án còn lại.

Hội nghị cũng đánh giá những khó khăn, thách thức của vùng Tây Nguyên, điển hình như tăng trưởng kinh tế của vùng năm 2023 thuộc nhóm thấp của cả nước và chưa đạt mức bình quân mục tiêu trong giai đoạn 2021-2030.

Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Tây Nguyên ảnh 6

Lãnh đạo tỉnh Gia Lai phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên và bộ, ngành Trung ương đã thảo luận, làm rõ những nội dung liên quan việc thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên; về quy hoạch vùng Tây Nguyên; rà soát và xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù vùng Tây Nguyên… Đồng thời, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực đối với sự phát triển của vùng Tây Nguyên.

Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Tây Nguyên ảnh 7

Đại biểu tham dự hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên ghi nhận những chuyển biến tích cực của vùng Tây Nguyên, thể hiện qua các số liệu tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, giải ngân đầu tư công…

Phó Thủ tướng cho rằng, Trung ương nhìn nhận Tây Nguyên không chỉ qua các con số nói trên, mà còn với góc nhìn vùng đất này đang giữ “lá phổi” cho cả nước, là vùng phên dậu phía tây của Tổ quốc.

Vùng Tây Nguyên có 5 tỉnh với bản sắc văn hoá đặc sắc, tình đoàn kết, đồng lòng kết hợp các điều kiện về tự nhiên, nhiều mô hình kinh tế phát triển tốt, sẽ tạo ra sự bứt phá rất cao trong tương lai.

Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Tây Nguyên ảnh 8

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Về quy hoạch, Phó Thủ tướng yêu cầu, phải xác định khung pháp lý để các tỉnh Tây Nguyên cùng phát triển trên tinh thần hợp tác, đây là định hướng để phát triển bền vững. Với sự liên kết chặt chẽ, bài bản, khoa học, các tỉnh Tây Nguyên có thể thực hiện ngay 3 nội dung, gồm phát triển hệ thống giao thông kết nối; phát triển du lịch theo chuỗi, theo tuyến, khai thác hiệu quả bản sắc văn hóa độc đáo; chia sẻ thu hút đầu tư trong và ngoài nước sẽ tạo được động lực, niềm tin và tạo đà để Tây Nguyên phát triển bền vững. “Có một dự án lớn thì chia sẻ thơm thảo này, dưới góc độ từng địa phương thì có nơi được, có nơi thiệt một chút, nhưng trong bình diện chung phát triển của cả khu vực là chúng ta có lợi lớn”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, hiện nay, Tây Nguyên cũng như nhiều vùng khác, đang vướng về thể chế rất lớn, điển hình là quy hoạch bauxit ở Tây Nguyên. Ngoài ra, còn là công tác cán bộ, công tác chuyển đổi số… Các tỉnh cũng cần lưu ý triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm chất lượng và tiến độ; xác định rõ nhiệm vụ trong thực hiện Nghị quyết 23 và Chương trình hành động của Chính phủ.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến của các địa phương, bộ, ngành và nghiên cứu hướng xử lý; lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên phối hợp cùng các bộ, ngành để rà soát, sớm phát hiện những bất cập trong thể chế, chính sách, quy hoạch để có hướng tháo gỡ, bảo đảm sự phát triển.

Các chỉ tiêu về kinh tế-xã hội và môi trường của vùng Tây Nguyên năm 2023 đạt kết quả còn khiêm tốn so với cả nước. Tuy nhiên, các chỉ tiêu quan trọng đều tăng so với các năm trước, như quy mô kinh tế đạt 416,5 nghìn tỷ đồng, bằng 4,01% GDP cả nước (tăng so với năm 2022, bằng 3,82% cả nước); GRDP bình quân đầu người đạt 67,58 triệu đồng, tăng 15,7% so với năm 2022; cơ cấu kinh tế vùng tiếp tục chuyển dịch tích cực, tỷ trọng của 3 khu vực năm 2023 lần lượt là 34,09%; 22,54%; 38,76%3, tập trung vào phát triển dịch vụ và các thế mạnh của vùng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt 3,5% dự toán thu ngân sách nhà nước do Trung ương giao. Tổng vốn FDI đăng ký đạt 1,912 tỷ USD, tăng 11,9% so cùng kỳ 2022. Quý I/2024, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 977 doanh nghiệp, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/xay-dung-co-che-chinh-sach-dac-thu-phat-trien-vung-tay-nguyen-post815729.html
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO