Xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội: Vấn đề là tổ chức thực thi

02/05/2023 05:15

Các cơ quan hữu quan cần đẩy nhanh tiến độ để có thể hoàn thành xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trước thời hạn 2030. Qua đó sẽ 'mở khóa' cho rất nhiều vấn đề nan giải hiện nay như các vấn đề xã hội, ách tắc đô thị, đồng thời cũng góp phần làm tăng niềm tin của người lao động, tăng năng suất lao động.

Nhà ở xã hội: 'Mở khóa' cho rất nhiều vấn đề nan giải - Ảnh 1.

Hiện nay, nước ta đang có 3,78 triệu công nhân lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở. Theo báo cáo của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, kết quả phát triển nhà ở xã hội cho công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu.

Cụ thể đến nay, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 62.700 căn hộ, với tổng diện tích 3.135.000 m2, mới đáp ứng được gần 30% nhu cầu của công nhân lao động. Có 127 dự án đang tiếp tục triển khai với quy mô xây dựng khoảng 160.900 căn hộ, tổng diện tích 8.045.000 m2.

Nhà ở xã hội: 'Mở khóa' cho rất nhiều vấn đề nan giải - Ảnh 2.

TS. Bùi Sỹ Lợi: Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trước thời hạn 2030 sẽ 'mở khóa' cho rất nhiều vấn đề nan giải

Mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội là rất đáng trân trọng

Chia sẻ về vấn đề nhà ở xã hội trên Quochoi.vn, TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Đảng và Nhà nước đã dành nguồn lực, sự quan tâm cho vấn đề này. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040.

Trong đó nêu rõ mục tiêu giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho công nhân gắn với khu vực sản xuất, bảo đảm đáp ứng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các khu nhà ở, tạo chỗ ở ổn định, nâng cao đời sống để công nhân an tâm lao động sản xuất, góp phần an sinh xã hội.

Tuy nhiên, trong thực tế tổ chức thực hiện, đến nay tỷ lệ lao động trong các khu công nghiệp có thể mua, thuê được nhà vẫn còn thấp. Vẫn còn một lượng lớn lao động phải ở tạm bợ hoặc không có nhà ở.

Đặt lên bàn cân so sánh, TS. Bùi Sỹ Lợi nêu rõ, chúng ta đã cơ bản giải quyết được vấn đề nhà ở cho khu vực nông nghiệp nông thôn và người nghèo, nhưng chưa làm được điều tương tự đối với công nhân lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất và người có thu nhập thấp.

Ngày 3/4/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 388/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".

Hoan nghênh và đánh giá cao Đề án này, TS. Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, tuyên bố mục tiêu này cùng với sự quan tâm thỏa đáng của Đảng và Nhà nước là điều rất đáng trân trọng, nhưng sẽ còn đáng trân trọng hơn nữa nếu mục tiêu đó được sớm hiện thực hóa.

Thực tế cho thấy, từ nay đến 2030 chỉ có thêm một triệu căn hộ và nếu không giải quyết sớm, đẩy nhanh tiến độ thì công nhân các khu công nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Cho rằng vấn đề nhà ở đóng vai trò vô cùng quan trọng, là 'chìa khóa' quyết định đến vấn đề việc làm, vấn đề năng suất lao động, TS. Bùi Sỹ Lợi kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cần tập trung nguồn lực giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất và người lao động có thu nhập thấp ở đô thị.

Trong đó, trước hết cần tạo dựng các cơ chế thông thoáng, mở cửa cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, hỗ trợ họ về vốn, bàn giao đất sạch để xây dựng nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, cần rút ra bài học kinh nghiệm để tránh tình trạng người có thu nhập cao mua nhà ở xã hội, bán lại hoặc cho thuê lại đối với người có thu nhập thấp và công nhân các khu công nghiệp các khu đô thị.

Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, đây là tình trạng đáng báo động, cần hết sức lưu ý để phân phối hợp lý, đảm bảo công bằng xã hội.

TS. Bùi Sỹ Lợi mong muốn vấn đề nhà ở cho công nhân khu công nghiệp và người lao động có thu nhập thấp sẽ sớm được giải quyết dứt điểm, các cơ quan hữu quan đẩy nhanh tiến độ để có thể hoàn thành xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trước thời hạn 2030, qua đó sẽ mở khóa cho rất nhiều vấn đề nan giải hiện nay như các vấn đề xã hội, ách tắc đô thị, đồng thời cũng góp phần làm tăng niềm tin của người lao động, tăng năng suất lao động.

Nhà ở xã hội: 'Mở khóa' cho rất nhiều vấn đề nan giải - Ảnh 3.

TS. Vũ Minh Tiến: Để công nhân tiếp cận được với nhà ở giá rẻ, bên cạnh hoàn thiện chính sách, cần phải thay đổi cả nhận thức, hành vi của các cơ quan chức năng ở các cấp, cán bộ giải quyết thủ tục liên quan đến phát triển nhà ở, cấp phép, vay vốn...

Bên cạnh hoàn thiện chính sách, cần thay đổi cả nhận thức, hành vi của cơ quan chức năng

Cùng chia sẻ về vấn đề này, TS. Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện nay nhu cầu nhà ở của công nhân rất cao, đặc biệt là công nhân di cư. Tuy nhiên, hầu hết các khu công nghiệp, khu chế xuất đều không đáp ứng đủ nhu cầu này.

Với thu nhập khoảng 6-9 triệu đồng/tháng của công nhân di cư, mua nhà ở là việc rất khó khăn, thậm chí phải mất đến vài chục năm tích lũy. Vì vậy, có đến 80 - 90% công nhân phải thuê trọ tại khu dân cư.

Kết quả điều tra tại 16 tỉnh, thành phố trên cả nước cho thấy, có tới 41% công nhân trong các doanh nghiệp mong muốn có nhà ở phù hợp, giá rẻ, gần nơi làm việc, đảm bảo sinh sống.

TS. Vũ Minh Tiến cho rằng, để công nhân tiếp cận được với nhà ở giá rẻ, bên cạnh hoàn thiện chính sách, cần phải thay đổi cả nhận thức, hành vi của các cơ quan chức năng ở các cấp, cán bộ giải quyết thủ tục liên quan đến phát triển nhà ở, cấp phép, vay vốn...

Đặc biệt, cần có sự tham gia của Nhà nước, các tổ chức, người sử dụng lao động trong việc hỗ trợ, phát triển nhà ở cho công nhân. Ngoài ra, cần đầu tư cải tạo môi trường hạ tầng sinh sống, hạ tầng điện, đường của người lao động đang thuê tại các khu trọ.

Ngoài ra, cần tính toán phương án hỗ trợ cho công nhân; hỗ trợ các chủ đầu tư có nhà cho thuê, nhà ở xã hội phải gần khu công nghiệp; cơ cấu xây dựng nhà phải phù hợp với lối sống, thu nhập, gắn với đặc điểm của công nhân.

Nhà ở xã hội: 'Mở khóa' cho rất nhiều vấn đề nan giải - Ảnh 4.

Ông Tạ Việt Anh: Cần nhiều biện pháp hữu hiệu, thiết thực để tháo gỡ các rào cản cho nhà ở xã hội.

Nhà ở xã hội: Cần nhiều biện pháp hữu hiệu, thiết thực để tháo gỡ các rào cản

Theo Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam Tạ Việt Anh, nhà ở xã hội là một chương trình an sinh xã hội lớn của nhà nước nhằm hỗ trợ cho người dân có cơ hội được có nhà ở an toàn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu, người - dân thường xuyên bị đe dọa bởi thiên tại.

Chủ đề nhà ở xã hội trở nên nóng hơn trong những năm gần đây khi tốc độ đô thị hóa ở các đô thị lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh diễn ra ngày càng nhanh. Trong khi mục tiêu về quỹ đất cho nhà ở xã hội và số lượng căn hộ nhà ở xã hội được xây dựng đều chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của người lao động.

Kết quả phát triển nhà ở xã hội thời gian qua chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn vừa qua còn thiếu rất nhiều.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, ông Tạ Việt Anh cho biết, các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng rất quan tâm thực hiện các chương trình hỗ trợ nhà ở cho người dân.

Ví dụ, Singapore là quốc gia thành công về chính sách nhà ở cho người dân, nổi bật với 80% dân số dung sinh sống trong các tòa nhà được xây dựng nhờ sự trợ giúp của Chính phủ - một con số vô cùng ấn tượng mà có lẽ rất ít quốc gia hiện nay có thể làm thực hiện.

Mỗi năm, Chính phủ Singapore lại có 1 đợt mở bán những căn hộ đang xây dở, phần lớn là cho những người mua nhà lần đầu. Tất cả là hợp đồng thuê 99 năm và được bán với giá thấp hơn giá thị trường khoảng 25%.

Mỗi người dân được hỗ trợ tối đa 2 lần trong đời, dù đó là mua căn hộ cũ hoặc mới. Số tiền mà người dân sử dụng để mua các căn hộ của Cơ quan phát triển nhà ở Singapore (HDB) được cung cấp một phần bởi quỹ Phòng xa trung ương (CPF), chương trình tiết kiệm quốc gia mang tính chất bắt buộc.

Theo đó, mỗi người dân Singapore trong độ tuổi lao động phải dành ra 20% tiền lương hàng tháng (chủ sử dụng lao động đóng thêm 17%) để tiết kiệm. Họ có quyền rút ra 1 phần trong số tiền tiết kiệm này để làm tiền đặt cọc cho căn hộ HDB. Nhiều người cũng được cấp các khoản vay thế chấp giá rẻ và sử dụng tiền tiết kiệm CPF để trả lãi hàng tháng.

Cung cấp nhà ở giá rẻ cho người dân là 1 trong những lý do giúp Singapore có thể đảm bảo phúc lợi cho người dân mà không cần xây dựng hệ thống hưu trí được tài trợ bởi tiền thuế như các nước khác.

Nguyên lý là hầu như mọi người dân sẽ được sở hữu căn hộ khi nghỉ hưu, ngoài ra còn có thêm 1 khoản tiết kiệm; nếu chọn mua nhà ở cùng khu với bố mẹ, giá còn được chiết khấu nhiều hơn nữa. Điều này khuyến khích con cái chăm sóc cha mẹ, giảm gánh nặng cho ngân sách quốc gia. Chính sách vượt trội về nhà ở xã hội đã giúp cho phần lớn người dân Singapore có nhà an toàn để ở.

Ông Tạ Việt Anh cùng các chuyên gia cho rằng, trong vấn đề này, Chính phủ Việt Nam đã đề ra mục tiêu, nhưng quá trình thực hiện còn rất nhiều rào cản khiến số lượng công nhân chưa tiếp cận được với các phúc lợi xã hội về nhà ở xã hội chiếm tỷ lệ cao. Vì vậy, cần thực hiện nhiều biện pháp hữu hiệu và thiết thực hơn nữa để tháo gỡ những vướng mắc trong vấn đề này./.

Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/nha-o-xa-hoi-mo-khoa-cho-rat-nhieu-van-de-nan-giai-119230502042048258.htm
Copy Link
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/nha-o-xa-hoi-mo-khoa-cho-rat-nhieu-van-de-nan-giai-119230502042048258.htm
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội: Vấn đề là tổ chức thực thi
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO