Đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh lưu ý một số vấn đề trước khi đại biểu thảo luận tại tổ |
Các đại biểu cơ bản thống nhất với báo cáo dự thảo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2021. Đặc biệt, trước những khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, nhưng kết quả phát triển kinh tế-xã hội vẫn ổn định cho thấy nỗ lực rất lớn trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của tỉnh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị tỉnh, các ngành, địa phương cần xác định rõ nguồn lực để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ những nút thắt để phát triển.
Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Đức Nguyên điều hành thảo luận tổ 1 |
Cụ thể, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tỉnh cùng các ngành chức năng cần dự đoán, đánh giá tác động ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế để có giải pháp cụ thể. Công tác giải ngân vốn đầu tư, các địa phương đang thực hiện đồng bộ các giải pháp trong giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án. Tuy nhiên, trong quá trình thu hút đầu tư, các địa phương đang gặp khó khăn do chưa có quy hoạch chi tiết, hoặc quy hoạch còn chồng chéo và giá đền bù đất chưa hợp lý. Việc giải phóng mặt bằng để giao đất sạch còn chậm, gặp nhiều khó khăn, nên nhà đầu tư vẫn chưa mặn mà. Từ thực tế này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cần chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ những nút thắt để thu hút đầu tư, nhất là tổ chức quy hoạch đồng bộ, chất lượng, phù hợp với thực tiễn địa phương…
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bùi Huy Thành đóng góp ý kiến, thảo luận tại tổ |
Về phát triển giao thông, tỉnh ưu tiên những tuyến giao thông có hiệu quả ngay về phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, như: đoạn Gia Nghĩa - Quảng Khê - Đắk Som (vào đến Hồ thủy điện Tà Đùng)…Nếu chưa đủ nguồn lực thực hiện, thì quy hoạch mở rộng hai bên, cắm mốc lộ giới, giảm áp lực về đền bù giải tỏa sau này. Tỉnh khuyến khích phát huy cơ chế Nhà nước và Nhân dân cùng làm hệ thống giao thông nông thôn, trong đó ưu tiên các vị trí trung tâm.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu đề nghị cần xác định thế mạnh để tập trung xây dựng thương hiệu, tránh để tình trạng giá cả lên xuống thất thường. Đơn cử như hiện nay ở một số địa phương đã hình thành các cây trồng có giá trị cao, có thị trường, đầu ra ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân nhưng vẫn chưa có được nguồn giống đạt chuẩn.
Thảo luận tại tổ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Trần Xuân Hải đề nghị cần gắn trách nhiệm của chủ rừng trong quản lý bảo vệ rừng |
Những hạn chế trong công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng, đại biểu đề nghị Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các ngành rà soát diện tích hơn 81.000 ha đất chưa có rừng, quy hoạch phát triển rừng nằm ở vị trí nào, ai quản lý để có phương án quản lý, khoanh nuôi tái sinh rừng. Đây là phương án nhanh nhất để tăng độ che phủ rừng, nhanh hơn hẳn so với phương án trồng rừng.
UBND tỉnh tập trung rà soát lại các quy định của Trung ương về chính sách bảo vệ, phát triển rừng để tiếp tục có kiến nghị cụ thể, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp, nhất là cơ chế tài chính. Với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp, tỉnh cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Bí thư Huyện ủy Tuy Đức Hồ Xuân Hậu đề nghị cần thiết có cơ chế, giải pháp đặc thù để bảo vệ rừng bền vững |
Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương nêu những giải pháp quyết liệt trong thực hiện mục tiêu kép nhưng hiện cũng đang gặp khó khăn trong quản lý nhân khẩu, nhất là tình trạng công nhân lao động thuê nhà trọ nhưng lại làm việc tại các công trình xây dựng, di chuyển liên tục..
Ngay sau khi các nghị quyết, kết luận, chương trình, kế hoạch được ban hành, UBND tỉnh sớm có kế hoạch, chương trình hành động, các cơ chế, chính sách, đề án….để triển khai, đạt các mục tiêu đề ra.
Theo chương trình, chiều 16/7, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 4 sẽ họp tập trung tại hội trường để tiếp tục thảo luận, giải trình các vấn đề nêu ra và bế mạc hội nghị.