PV: Bác sĩ hãy cho biết thực trạng sử dụng thuốc lá và việc thực hiện các chính sách về thuốc lá trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện nay?
Bác sĩ Nguyễn Ly Sắc: Theo kết quả nghiên cứu năm 2020 cho thấy, tỷ lệ hút thuốc lá chung của người dân trên địa bàn tỉnh là 23,5% dân số, trong đó tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới là 45,8% và nữ giới là 1,2%.
Việc thực hiện các chính sách về thuốc lá hay nói cách khác là việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn tỉnh hiện đã và đang được triển khai ở tất cả các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể. Cụ thể, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá tại nơi làm việc như thành lập ban chỉ đạo, treo biển cấm hút thuốc hoặc đưa vào nội quy.
Bên cạnh đó, tùy vào chức năng, nhiệm vụ, từng đơn vị tổ chức kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc tuân thủ các quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá của người dân, qua đó nhắc nhở, hướng dẫn thực hiện đúng theo các quy định của luật.
![]() |
Đồ họa: Bình Minh - Hồng Duyên |
PV: Sau gần 10 năm đi vào cuộc sống, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã đạt được những kết quả nào và hiện gặp những khó khăn, hạn chế gì?
Bác sĩ Nguyễn Ly Sắc: Hiện tại, chúng ta đã và đang triển khai ngày càng sâu, rộng các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và bước đầu đạt một số kết quả nhất định. Các cơ quan, ban ngành đã thực hiện khá tốt quy định của luật tại nơi làm việc. Nhận thức của người dân về quy định của luật và tác hại của thuốc lá ngày càng được nâng lên. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức đã nhận thức rõ và chấp hành nghiêm các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tỷ lệ người hút thuốc lá có mong muốn bỏ thuốc khá cao, chiếm đến 69,8%...
Đặc biệt, công tác tuyên truyền trong thời gian qua đã được các cơ quan, ban ngành triển khai theo chức năng nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, với sự hỗ trợ kinh phí từ Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá, ngành Y tế đã chủ động triển khai hàng loạt các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các buổi tọa đàm, các lớp đào tạo tập huấn cho cán bộ, công chức; tổ chức truyền thông trực tiếp về tác hại của thuốc lá cho học sinh, người dân trên địa bàn.
Ngành Y tế còn in ấn hàng ngàn quyển lịch có nội dung tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, hàng chục ngàn tờ rơi và gần 100 pano dựng ở những nơi có nhiều người qua lại…
Tuy nhiên, việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá vẫn còn một số khó khăn nhất định như chưa thực sự có sự phối hợp đồng bộ, rộng rãi và phù hợp với các đối tượng trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá hầu hết được thực hiện đơn lẻ theo chức năng nhiệm vụ của từng ban, ngành và hiện tại chủ yếu được triển khai ở cơ quan nhà nước, cơ sở y tế, trường học, chứ chưa được triển khai sâu rộng trong cộng đồng.
Lực lượng thanh tra, kiểm tra việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá còn mỏng. Đặc biệt, công tác kiểm tra thực hiện quy định cấm hút thuốc lá tại các địa điểm cấm hút thuốc theo quy định của luật chưa được thực hiện thường xuyên, việc xử phạt những hành vi vi phạm còn rất ít, chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe…
Giá thuốc lá hiện nay còn quá rẻ, nên người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng và việc kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá còn nhiều hạn chế. Một trong những khó khăn nữa, đó là văn hóa của người Việt Nam hiện nay vẫn coi hút thuốc lá là hành vi bình thường trong giao tiếp nên vẫn mời nhau điếu thuốc.
PV: Hiện nay, có những loại thuốc nào dùng trong việc cai nghiện thuốc lá và người dân có thể mua ở đâu? Bác sĩ hãy cho biết các giải pháp kiểm soát và phòng, chống tác hại thuốc lá trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới?
Bác sĩ Nguyễn Ly Sắc: Hiện trên thị trường bán khá nhiều loại thuốc giúp hỗ trợ cai nghiện thuốc lá. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo để cai nghiện thuốc lá hiện có 3 loại thuốc được sử dụng chính: NICOTINE thay thế: dán và nhai; BUPROPION: viên uống; VARENICLINE: viên uống. Các loại thuốc này hiện đang được sử dụng tại Bệnh viện Y Dược TP. HCM, Trung tâm điều trị bệnh hô hấp phổi Việt.
Để tiếp tục kiểm soát và phòng, chống tác hại của thuốc lá, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến toàn bộ người dân biết, hiểu được quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các tác hại của thuốc lá. Các ban, ngành, đoàn thể củng cố tổ chức và mạng lưới phòng, chống tác hại của thuốc lá và triển khai sâu rộng các quy định về môi trường không khói thuốc lá tại các cơ quan, xí nghiệp và các địa điểm công cộng.
Tiêu chí không sử dụng thuốc lá cần được bổ sung vào cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa tại cộng đồng. Việc tăng cường phòng, chống vấn nạn buôn lậu thuốc lá cần được quyết liệt và là biện pháp bắt buộc để bảo đảm thực thi các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trên thực tế.
Các cơ quan, tổ chức, nhà máy, xí nghiệp, nơi làm việc và nơi công cộng cần tăng cường hoạt động thanh kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm việc thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhất là áp dụng các chế tài cần thiết. Qua đó, mỗi người dân nâng cao ý thức, hạn chế sử dụng và tiến tới loại bỏ thuốc lá ra khỏi cộng đồng.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!