Xã hội hóa với tinh thần dân làm và dân hưởng thụ

Mỹ Hằng| 17/11/2021 08:54

Những năm qua, chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh được triển khai tích cực, góp phần vào việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

ADQuảng cáo

Trên tinh thần thực hiện Nghị định số 69/NĐ-CP của Chính phủ về công tác xã hội hóa văn hóa, thể thao, tỉnh đã mời gọi được các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng nhiều công trình văn hóa, thể thao, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, rèn luyện của người dân, nâng cao đời sống tinh thần, có thêm niềm vui, phấn khởi trong lao động, sản xuất.

Nội dung xã hội hóa ngày càng được mở rộng, không chỉ trong xây dựng cơ sở vật chất, phong trào văn nghệ, thể dục thể thao mà còn lan rộng sang việc tổ chức các giải thể thao thành tích cao, các lễ hội truyền thống, xây dựng nếp sống văn hóa…

Cụ thể, hàng loạt các sự kiện nổi bật có quy mô lớn như Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam tại Đắk Nông lần thứ I năm 2018 và lần thứ 2 năm 2020; Cuộc thi Miss Tourism Vietnam 2020, các chương trình “Đắk Nông mùa bơ chín”, “Khát vọng Đắk Nông”… đều thực hiện từ việc kêu gọi xã hội hóa, có sự đóng góp kinh phí của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Tái hiện nghi lễ truyền thống của người M'nông ở Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam tại Đắk Nông lần thứ 2 năm 2020

Cần nói thêm rằng, việc xã hội hóa các hoạt động nói trên với tinh thần bảo đảm hài hòa lợi ích về nhiều mặt cho địa phương và cả doanh nghiệp. Tỉnh có thêm nguồn kinh phí để thực hiện các hoạt động mang tính quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của vùng đất, con người đến với bạn bè gần xa. Ngược lại, khi đầu tư, đóng góp kinh phí cho chương trình, doanh nghiệp có được tiếng tăm, quảng bá được hình ảnh, thương hiệu của mình, nhất là khi chương trình được truyền hình trực tiếp, báo chí đưa tin với dung lượng lớn.

Bên cạnh đó, ở lĩnh vực bảo tàng, việc liên kết, tiếp cận, hợp tác với các nhà sưu tập tư nhân cũng như người dân tình nguyện hiến tặng hiện vật văn hóa lịch sử được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả khả quan.

Hiện nay Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm được 1.300 cổ vật có niên đại cách ngày nay khoảng 3.000 năm cho đến thế kỷ XX thuộc các nền văn hóa Sa Huỳnh, Đông Sơn, Óc Eo…, cùng với các cổ vật thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn và các hiện vật liên quan đến vùng đất, con người Đắk Nông trong thời kỳ mới. Những bộ sưu tập có giá trị quan trọng trong việc giáo dục truyền thống và cũng là cơ sở để góp phần xây dựng không gian văn hóa Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Đặc biệt, ở lĩnh vực thể dục thể thao cũng được các tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo người dân nhiệt tình hưởng ứng. Các cơ sở luyện tập thể thao, thể dục thẩm mỹ... được hình thành, hoạt động thường xuyên là minh chứng rõ nét nhất cho chủ trương xã hội hóa, tạo thêm cơ sở vật chất, điều kiện cho người dân trong việc rèn luyện, nâng cao thể chất và tinh thần.

ADQuảng cáo

Thông qua hình thức xã hội hóa, nhiều đơn vị, doanh nghiệp tài trợ cho các giải thể thao ở cơ sở. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Đến nay, toàn tỉnh có 4 khu thể thao lớn, 101 sân bóng đá mini, 33 sân quân vợt, 9 sân bóng rổ, 21 bể bơi các loại, chưa kể các nhà tập luyện đa năng, các sân bóng bàn, bóng chuyền lớn nhỏ có mặt ở khắp các địa phương. Nhờ đó, số người luyện tập thể dục thể thao thường xuyên và số gia đình thể thao ngày càng tăng về số lượng cũng như chất lượng.

Cùng với đó, nhiều tổ chức trong và ngoài nước đã hỗ trợ trang thiết bị, sách báo giúp hệ thống thư viện trên địa bàn tỉnh phong phú về tư liệu trang thiết bị.

Điển hình, Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập internet công cộng tại Việt Nam” đã tài trợ cho tỉnh 160 bộ máy vi tính, phục vụ bạn đọc truy cập internet miễn phí.

Dự án “Xe thư viện lưu động đa phương tiện” của Vụ Thư viện và Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) đã hỗ trợ 1 thư viện lưu động mang tên “Ánh sáng tri thức”. Xe lưu động được trang bị 1 dàn máy vi tính, 1 máy chiếu, 1 tivi, 1 máy phát điện cùng 4.500 cuốn sách và các phần mềm ứng dụng khác để phục vụ bạn đọc ngay ở tận các vùng quê xa xôi.

Nhiều tủ sách có giá trị như “Tủ sách nhân ái, tủ sách nền tảng" do chương trình “Hành trình từ trái tim” của Tập đoàn Trung Nguyên Legend trao tặng…

Đặc biệt, việc khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực du lịch, góp phần hình thành các khu, điểm du lịch, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 7 khu, điểm du lịch đã có chủ trương đầu tư; 250 cơ sở lưu trú gồm 28 khách sạn và 222 nhà nghỉ với hơn 3.450 phòng… đáp ứng nhu cầu của du khách gần xa khi đến với Đắk Nông.

Có thể nói, chủ trương xã hội hóa không chỉ đơn thuần kêu gọi khơi dậy sức dân mà còn đòi hỏi doanh nghiệp, người dân thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội và hơn trên hết là vì cuộc sống của chính mình. Bởi vì, chính doanh nghiệp, người dân mới là đối tượng thụ hưởng các thành quả do mình tạo dựng nên, đúng theo phương châm "dân đóng góp, dân làm và dân hưởng thụ", làm cho đời sống vật chất, lẫn tinh thần của cộng đồng nói chung ngày càng thêm phong phú, phát triển, văn minh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xã hội hóa với tinh thần dân làm và dân hưởng thụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO