Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Y học Cổ truyền Toàn cầu. (Nguồn: ANI)
Trong hai ngày 17-18/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức Hội nghị Cấp cao Y học Cổ truyền Toàn cầu đầu tiên tại thủ phủ Gandhinagar, bang Gujarat của Ấn Độ.
Tham gia hội nghị có Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Mansukh Mandaviya cùng lãnh đạo các tập đoàn, công ty hàng đầu trong lĩnh vực y học cổ truyền trên thế giới.
Hội nghị diễn ra trùng thời gian và địa điểm với cuộc họp Bộ trưởng Y tế Nhóm các Nền Kinh tế Phát triển và Mới nổi Hàng đầu Thế giới (G20).
Phát biểu tại hội nghị, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng Ấn Độ có lịch sử phong phú về y học cổ truyền thông qua hệ thống y học Ayurveda, bao gồm cả Yoga, đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc giảm đau.
Theo ông, các quốc gia đang chuyển sang sử dụng y học cổ truyền để điều trị các bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần và nhiều căn bệnh khác.
Y học cổ truyền đã có những đóng góp đầy đủ cho sức khỏe con người và có tiềm năng to lớn đối với sức khỏe tổng thể.
Bên cạnh đó, Tổng giám đốc WHO nêu rõ: “Một trong những điều tuyệt vời của y học cổ truyền là sự hiểu biết về mối liên hệ giữa sức khỏe con người và môi trường của chúng ta. Đó là lý do tại sao WHO kêu gọi các tổ chức hỗ trợ các quốc gia khai phá tiềm năng của y học cổ truyền thông qua trung tâm y học cổ truyền toàn cầu ở Jamnagar (bang Gujarat).”
Về phần mình, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Mansukh Mandaviya bày tỏ tin tưởng rằng hội nghị cấp cao toàn cầu sẽ mang đến cơ hội cho Ấn Độ để tham gia đối thoại, trao đổi ý tưởng, thúc đẩy hợp tác và thiết lập quan hệ đối tác quốc tế, thúc đẩy chương trình nghị sự về y học cổ truyền và y học thay thế, đồng thời hợp tác để thúc đẩy và tận dụng tiềm năng của các phương pháp chữa bệnh truyền thống trên thế giới.
Bộ trưởng Mandaviya nhấn mạnh y học cổ truyền và y học thay thế đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường sức khỏe cá nhân và cộng đồng trong nhiều thế kỷ.
Ông nói thêm: “Hội nghị cấp cao toàn cầu về y học cổ truyền này có thể là nền tảng để huy động cam kết và hành động chính trị dựa trên bằng chứng về y học cổ truyền, vốn là phương thức đầu tiên mà hàng triệu người trên toàn thế giới tìm đến nhằm giải quyết các nhu cầu về sức khỏe và hạnh phúc.”
WHO định nghĩa y học cổ truyền là kiến thức, kỹ năng và thực hành được sử dụng theo thời gian để duy trì sức khỏe cũng như ngăn ngừa, chẩn đoán và điều trị các bệnh về thể chất và tinh thần./.