Ngày 23/3, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass đã đề ra một lộ trình mới huy động khu vực tư nhân tham gia tài trợ cho các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, trong bối cảnh nhu cầu tài trợ hằng năm lên tới 2.400 tỷ USD.
Phát biểu tại một sự kiện do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington (Mỹ) chủ trì, ông Malpass cho biết theo một ước tính mới của WB, số tiền tài trợ lớn nói trên có thể giải quyết được các tác động của biến đổi khí hậu, chiến tranh và các đại dịch. Vốn tư nhân là nguồn vốn cần thiết để đáp ứng những nhu cầu này.
Cũng theo người đứng đầu WB, lộ trình huy động mới nói trên dựa vào 3 trụ cột, trong đó trụ cột hàng đầu hướng tới mục tiêu giúp luân chuyển dòng vốn tốt hơn bằng cách tạo sự ổn định và tính minh bạch ở tầm vĩ mô, đồng thời xây dựng các ngân hàng dữ liệu hỗ trợ việc ra các quyết sách.
Lộ trình này chú trọng các giải pháp và hành động thực tiễn mà các quốc gia cần thực hiện để có một môi trường đầu tư lành mạnh, cũng như có những thị trường cạnh tranh và đảm bảo vai trò cân bằng của nhà nước trong nền kinh tế.
Tiếp đó, lộ trình chuyển sang giải quyết các vấn đề thanh khoản, đồng thời tập trung vào các cơ hội cho doanh nghiệp nhà nước thu hút vốn tư nhân.
Cuối cùng, lộ trình hướng tới tạo lập một thị trường chứng khoán ít rủi ro, thu hút đông đảo giới đầu tư là các tổ chức.
Chủ tịch Malpass nhấn mạnh thêm WB kỳ vọng rằng theo thời gian sẽ có thể huy động được các khoản hỗ trợ lớn, linh hoạt và có thể đầu tư cho cơ sở hạ tầng tại các quốc gia đang phát triển.
Sáng kiến này sẽ thúc đẩy sự phát triển bền vững theo hướng toàn diện và thân thiện với môi trường, giảm thiểu carbon, tăng cường tiếp cận năng lượng, giảm đói nghèo và đạt tốc độ cần thiết trong việc số hóa toàn cầu./.