Một phân cảnh nhỏ trong quảng cáo của Temu tại chương trình Super Bowl. (Ảnh: CNN) |
Temu là gì?
Temu - trang web mua hàng trực tuyến có trụ sở tại Boston và có cùng chủ sở hữu với “gã khổng lồ” thương mại điện tử Trung Quốc Pinduoduo - vừa ra mắt chính thức tại chương trình truyền hình nổi tiếng Super Bowl của Mỹ.
Trong quảng cáo, Temu đi thẳng vào vấn đề, trực tiếp “khoe” thế mạnh của mình: khiến người dùng cảm thấy mình đang mua hàng như một “đại gia”, khi 1 bộ đồ bơi nữ trên Temu chỉ có giá 6,5 USD, trong khi 1 cặp tai nghe không dây có giá 8,5 USD, còn 1 chiếc máy tỉa lông mày chỉ có giá 90 xu Mỹ.
Temu được ra mắt vào năm ngoái bởi PDD, công ty mẹ niêm yết tại thị trường chứng khoán Mỹ. Trong khi đó, ở Trung Quốc, Pinduoduo - một công ty con khác của PDD cùng lĩnh vực, đang là một trong những nền tảng thương mại điện tử phổ biến nhất của quốc gia đông dân nhất thế giới, với khoảng 900 triệu người dùng.
Pinduoduo tạo nên tên tuổi của mình nhờ mô hình kinh doanh mua theo nhóm, cho phép người mua hàng tiết kiệm tiền bằng cách nhờ bạn bè mua cùng một mặt hàng với số lượng lớn.
Trong 7 năm, Pinduoduo đã thu hút được hơn 70% người dùng Internet trong nước, và công ty này đang mở rộng tìm kiếm cơ hội ở các thị trường mới khi triển vọng trong nước trở nên kém sáng sủa hơn.
Còn tại thị trường Mỹ, theo công ty phân tích Sensor Tower, chỉ trong vòng chưa đầy 4 tháng sau khi ra mắt, Temu đã đạt được 10,8 triệu lượt tải và cài đặt ở Mỹ, một thị trường vốn nổi tiếng khó tính. Temu cũng trở thành ứng dụng di động được tải xuống nhiều nhất kể từ ngày 1/11 đến ngày 14/12/2022.
Trên trang web của mình, Temu cho biết họ sử dụng “mạng lưới sâu rộng được xây dựng qua nhiều năm của công ty mẹ để cung cấp nhiều loại sản phẩm chất lượng với giá cả phải chăng”.
Bí quyết thành công của Temu
Để thu hút được lượng lớn người dùng, những công ty như Temu đều đặt giá cả lên hàng đầu khi mang đến những mặt hàng với giá cực rẻ. Một thí dụ khác là Shein - được biết đến là hãng thời trang nhanh đến từ Trung Quốc với giá bán thấp đến khó tin, thậm chí mỗi chiếc áo thun chỉ có giá từ 2 đến 5 USD nhưng vẫn mang lại lợi nhuận hàng tỷ USD cho công ty.
Theo công ty phân tích dữ liệu Coresight Research, Shein được coi là một trong những đối thủ cạnh tranh chính của Temu, cùng với nhà bán lẻ Wish có trụ sở tại Mỹ và AliExpress của “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc Alibaba.
Một yếu tố hấp dẫn khác của hiện tượng mới nổi mang tên Temu trong mắt khách hàng chính là giảm giá và mã khuyến mãi. Nếu đăng ký nhận thông báo, người dùng được tặng voucher giảm giá 20%. Sinh viên được giảm 15%.
Những ưu đãi hấp dẫn khi người dùng mở tài khoản Temu. (Ảnh: TechCrunch) |
Trên Twitter, Temu cũng thường gửi link thu thập phiếu giảm giá. Ứng dụng này cũng áp dụng chính sách tặng 1 phần quà miễn phí cho những người mời người khác đăng ký mới.
Theo Temu, mục tiêu của họ là kết nối người mua và nhà bán hàng, cung cấp những món đồ chất lượng cao với giá phải chăng, với sứ mệnh “truyền sức mạnh để khách hàng sống cuộc sống tốt nhất”.
Bà Kathy Benetti là 1 khách hàng của Temu, lần đầu tiên tải ứng dụng Temu vào dịp Lễ tạ ơn. Ban đầu, bà không hề có ý định vung tiền vào đây. Tuy nhiên sau khoảng thời gian 30 phút lướt web, bà đã bị ấn tượng mạnh bởi mức giá rẻ đến khó tin. Thoát ứng dụng, bà đã “chốt đơn” với 14 mặt hàng có tổng trị giá chỉ 90 USD.
Theo ông Michael Felice, chuyên gia tại công ty tư vấn quản lý Kearney, Temu nổi bật chỉ đơn giản bằng cách bán sản phẩm mà không cần vốn cao.
Tuy nhiên, ông Felice cũng bày tỏ hoài nghi khi cho rằng, người tiêu dùng Mỹ có thể vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận mức giá rẻ khó tin này, khi luôn có câu hỏi “rẻ có đồng nghĩa với tốt hay không?"
Còn bà Deborah Weinswig, Giám đốc điều hành của Coresight Research cho rằng, có thể còn quá sớm để nói liệu Temu có thể duy trì mức giá cực thấp, giao hàng miễn phí và các ưu đãi khác cho khách hàng hay không.
Trong báo cáo, bà Weinswig cho biết, Temu đặt mục tiêu tiếp tục thử nghiệm tiếp thị và cung cấp dịch vụ, điều này có thể thực hiện được nhờ công ty mẹ giàu tài nguyên của ứng dụng này.
Tuy nhiên, bà Weinswig cũng nhận định, sự ra mắt của Temu đến vào thời điểm thích hợp, khi người tiêu dùng đang chật vật trong bối cảnh lạm phát vẫn còn cao và tình trạng bất ổn kinh tế.