"Vướng" khi đăng ký biến động diện tích đất

Lê Phước| 14/11/2022 08:35

Do nhiều nguyên nhân khách quan, rất nhiều thửa đất tại Đắk Nông bị chênh lệch (tăng hoặc giảm) diện tích. Người dân muốn cập nhật thông tin thửa đất mình đang sử dụng cho chính xác, nhưng do “vướng” quy định nên không thể thực hiện được.

ADQuảng cáo

Năm 2020, anh N.V.T mua 1 thửa đất tại xã Trường Xuân (Đắk Song). Trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), thửa đất này có diện tích hơn 1,1 ha, mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Nhưng ngoài thực địa, thửa đất có diện tích rộng hơn và có ranh giới rõ ràng.

Anh T muốn cập nhật thông tin thửa đất của mình theo đúng thực tế, nên làm hồ sơ gửi lên bộ phận một cửa huyện Đắk Song. Anh T cũng liên hệ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Đắk Song để làm thủ tục đo đạc.

Theo hồ sơ đo đạc, thửa đất của anh T có diện tích hơn 1,5 ha (nhiều hơn ngoài thực tế khoảng 4.000m2). Anh T lấy kết quả đo đạc, ký giáp ranh với các hộ lân cận và có xác nhận của trưởng thôn (người dẫn đạc). Anh T nộp lại hồ sơ này cho Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai để biến động lại diện tích nhưng không được giải quyết.

Nhu cầu đăng ký biến động do chênh lệch diện tích của người dân là rất lớn

Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp tại Đắk Song đăng ký biến động tăng diện tích trên sổ đỏ nhưng bị trả lại hồ sơ. Theo Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Đắk Song Võ Đông Sơn, việc biến động do chênh lệch diện tích được quy định tại Luật Đất đai 2013 và Nghị định 43 năm 2014 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.

Nếu diện tích giảm hoặc tăng thêm nhỏ hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa theo quy định của UBND tỉnh Đắk Nông, việc cấp biến động diện tích sẽ thực hiện được. Người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất đối với diện tích chênh lệch nhiều hơn (quy định tại Điều 98, Luật Đất đai 2013).

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo

Tháng 12/2021, UBND tỉnh Ðắk Nông ban hành Quyết định 22 quy định về hạn mức giao đất, công nhận quyền sử dụng đất; điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn. Theo Ðiều 6 của Quyết định 22, diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở đô thị là 50-55m2 (tùy vào mặt đường tiếp giáp) và đất ở nông thôn là 100m2. Ðối với thửa đất nông nghiệp, diện tích tối thiểu để hình thành thửa đất là 500m2 đối với đất đô thị (thuộc địa bàn các phường, thị trấn) và 1.000m2 đối với đất nông thôn (thuộc địa bàn các xã).

Còn nếu diện tích tăng thêm lớn hơn diện tích tối thiểu được tách thửa theo quy định, người sử dụng đất phải làm thủ tục cấp mới sổ đỏ đối với phần đất tăng thêm. Việc cấp sổ đỏ quy định tại Điều 82, Nghị định 43 năm 2014 của Chính phủ.

Cũng theo ông Sơn, nếu việc chuyển nhượng trước 1/1/2008, người đang sử dụng đất trực tiếp làm thủ tục đăng ký cấp sổ đỏ. Nếu chuyển nhượng sau 1/1/2008, việc cấp sổ chỉ được thực hiện cho người sử dụng đầu tiên (hoặc trước thời điểm 1/1/2008) rồi làm thủ tục chuyển nhượng theo quy định.

Nhiều khu vực đất đai đã có trích lục đầy đủ nhưng chưa thể cấp đúng, cấp đủ diện tích cho dân

“Rất nhiều diện tích đất ở Đắk Song được cấp sổ đỏ lần đầu sau 1/1/2008. Một số thửa đất đã chuyển nhượng nhiều lần. Nếu chủ sử dụng đất ban đầu đã chết, đi khỏi nơi cư trú hoặc không phối hợp thì việc cấp sổ đỏ cho phần đất tăng thêm không thực hiện được”, ông Sơn cho hay.

Trưởng Phòng TN-MT Đắk Song Đồng Văn Giáp cho biết, nhiều thửa đất có trích lục bản đồ địa chính đầy đủ các thông tin về số thứ tự miếng đất, bản đồ, địa chỉ, diện tích… Tuy nhiên, người dân muốn đăng ký biến động do chênh lệch lại rất khó thực hiện.

“Quy định của pháp luật về đất đai chưa hướng dẫn chi tiết đối với các trường hợp này. Do đó, cơ quan Nhà nước hiện cũng không thể cấp đúng, cấp đủ nhiều diện tích đất trên sổ đỏ cho người dân”, ông Giáp chia sẻ.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Vướng" khi đăng ký biến động diện tích đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO