Vườn sầu riêng ngay điểm sạt lở đèo Bảo Lộc thuộc đất rừng

PV| 02/08/2023 14:43

Theo Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, vị trí sạt lở trên đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) khiến 3 CSGT hy sinh và một người dân tử vong thuộc đất rừng, việc trồng cây sầu riêng ở đây là sai tiêu chuẩn.

Nội dung trên được ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông tin khi trao đổi về vụ sạt lở trêo đèo Bảo Lộc khiến 3 CSGT hy sinh, một người dân tử vong, tại họp báo thường kỳ do Bộ NN&PTNT tổ chức, chiều 1/8.

Theo ông Lực, Bộ NN&PTNT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, trong đó quy định rất rõ về quy chế quản lý và sử dụng với 3 loại rừng: phòng hộ, đặc dụng, sản xuất.

Vị trí sạt lở là rừng phòng hộ. Rừng phòng hộ phải trồng cây bản địa có bộ rễ phát triển, lá không rụng theo mùa.

Khu vực sạt lở thuộc đồi trồng sầu riêng trên đất rừng phòng hộ nên phải có trách nhiệm của địa phương về quy hoạch, rà soát lại đất rừng phòng hộ và trồng theo quy định.

Hiện trường sạt lở, phía trên là đồi trồng sầu riêng. Ảnh: X.N.

Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cũng thông tin, đồi sầu riêng được trồng năm 2019. Trong khi đó, nhận định ban đầu vụ sạt lở là do tác động của lượng mưa rất lớn, kéo dài nhiều ngày, vị trí thế đất cao mà thảm thực bì là cây sầu riêng. Cây sầu riêng được trồng trên đồi đất rất cao, thảm thực bì không được tăng cường do cây mới được trồng nên không có tăng cường độ che phủ.

Trong khi đó, trả lời báo chí, lãnh đạo UBND thị trấn Đạ M'ri, huyện Đạ Huoai – nơi xảy ra sạt lở cho biết, vườn sầu riêng thuộc sở hữu của một người phụ nữ sống tại địa phương, khai phá đất làm rẫy từ năm 1985. Ngoài ra, trước đây khu vực này được trồng cà phê, mít, bơ, gần đây mới cải tạo lại để trồng cây sầu riêng.

Phần đất rừng này trước đây do Lâm trường Đạ Huoai quản lý, đến năm 1999 thì bàn giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Huoai quản lý.

Khối lượng đất đá sạt lở nằm trong khu vực trồng sầu riêng. Ảnh: H.L

Tại hiện trường, khu vực sạt lở nằm trọn trong khoảnh đồi trồng sầu riêng, cạnh đó là chốt trạm CSGT, có diện tích rừng bao quanh. Vườn sầu riêng trồng trên dốc đồi với diện tích khoảng 1ha, tuổi đời của cây 3-4 năm. Nhìn trên cao, một mảng đất đồi đã bị xé toạc, chỉ còn đất đỏ. 

Liên quan sự việc này, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu huyện Đạ Huoai kiểm tra pháp lý khu vực trồng sầu riêng; cơ quan chuyên môn kiểm tra, đánh giá để tìm nguyên nhân sạt lở, công bố khi có kết luận.

Ngày 31/7, khi kiểm tra thực tế tại hiện trường, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo điều tra nguyên nhân, làm rõ sự cố sạt lở.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang kiểm tra hiện trường sạt lở.

Trước đó, ngày 30/7, sau những trận mưa, khối lượng lớn đất đá trên đồi cao nơi trồng sầu riêng bị sạt lở xuống chốt CSGT đèo Bảo Lộc. Lúc này, Trung tá Nguyễn Khắc Thường, Thiếu tá Lê Quang Thành, Đại úy Lê Ánh Sáng thuộc Trạm CSGT Madagui và anh Phạm Ngọc Anh (người dân tới hỗ trợ) đang di chuyển tài sản, đồ đạc tại chốt đã bị vùi lấp, mất tích. Đến 12h ngày 31/7, thi thể nạn nhân cuối cùng được tìm thấy.

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/vuon-sau-rieng-ngay-diem-sat-lo-deo-bao-loc-thuoc-dat-rung-2172552.html
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vườn sầu riêng ngay điểm sạt lở đèo Bảo Lộc thuộc đất rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO