Vươn lên trên quê hương mới

Lê Phước| 13/12/2022 09:40

Vượt qua nhiều khó khăn trên vùng đất mới, đồng bào các dân tộc xã Đắk Som (Đắk Glong) đã xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Đắk Nang là một cụm dân cư hình thành từ lâu đời, thuộc thôn 2, xã Đắk Som. Vào khoảng năm 2000, hàng chục hộ dân người Mông ở Lai Châu đã di cư đến đây để làm kinh tế.

Sau hơn 20 năm trên quê hương mới, cụm dân cư ngày càng thay da, đổi thịt. Những ngôi nhà lớn mọc lên san sát nhau. Chợ ở đây đông người bán, kẻ mua. Hầu hết con em người trong cụm đều được đến trường.

Để có được “quả ngọt” như ngày hôm nay là cả một chặng đường dài. Bà con người Mông trên quê hương mới đã không ngừng nỗ lực, từng bước vươn lên.

Diện mạo cụm dân cư Đắk Nang, xã Đắk Som thay đổi đáng kể

Theo anh Giàng A Tủa (SN 1971), khi vào Đắk Nang, ai cũng thấy địa hình, đất đai và thời tiết tốt hơn nhiều so với quê cũ. Nhưng từ lâu nay, người Mông có thói quen du canh du cư, với tập quán canh tác lạc hậu. Bà con hầu như chỉ biết trồng sắn, bo bo để tự cung, tự cấp.

Thời điểm đó, để có gạo ăn, cha con anh Tủa phải đi bộ ra tận Gia Nghĩa để mua rồi gùi về. Không cam chịu nghèo đói, cha con anh Tủa tìm tòi, học hỏi cách sản xuất. Khoảng năm 2003, cha con anh Tủa vay mượn tiền của gia đình, người thân rồi quyết định trồng cà phê.

Ít năm sau, cà phê cho thu hoạch. Cha con anh trả được nợ, bắt đầu dư dả. Với bản tính siêng năng, nên mỗi lúc rảnh rỗi, gia đình anh Tủa rủ nhau đi làm thuê cho người khác trong vùng. Sau nhiều năm nỗ lực, anh đã dựng được nhà to, đã mua xe ô tô để đi lại, phục vụ gia đình và bà con trong cụm.

Nhiều người dân đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng nhà lớn, mua được ô tô

Anh Giàng A Phương theo gia đình vào cụm Đắk Nang khi còn nhỏ. Lớn lên, Phương chịu khó học hành, tham gia các hoạt động của thôn. Hiện anh được bầu làm Trưởng thôn 2, xã Đắk Som.

Theo anh Phương, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, cơ sở vật chất tại thôn 2 nói riêng, xã Đắk Som nói chung ngày càng thay đổi. Ở vùng đất mới, bà con người Mông không ngừng động viên nhau cùng nỗ lực vươn lên.

Nhờ thay đổi tập quán canh tác, sản xuất có hiệu quả nên đời sống người dân từng bước ổn định. Ngoài sản xuất nông nghiệp, không ít người Mông ở địa phương đã bắt đầu làm thương mại, dịch vụ và cả du lịch.

Không chỉ thay đổi tập quán sinh hoạt, nhiều người Mông ở Đắk Nang đã thay đổi tư duy đông con. Thay vì sinh đông như trước, nhiều gia đình trẻ chỉ sinh 2 - 3 người con. Các cháu được chăm sóc, lớn lên đều được học hành.

Đường đi lại thuận tiện, người dân khu vực đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội vươn lên thoát nghèo

“Gia đình mình và nhiều hộ khác động viên nhau sinh ít con. Nhiều gia đình cũng không cho con cái lập gia đình quá sớm. Việc thay đổi nhận thức đã giúp cho bà con có điều kiện để phát triển kinh tế, từng bước vươn lên”, anh Phương tâm sự.

Những năm qua, tỉ lệ hộ nghèo của Đắk Som đã giảm rõ rệt. Chỉ tính riêng năm 2022, toàn xã đã giảm gần 19% số hộ nghèo (từ 55,02% năm 2021 xuống còn 37,32 năm 2022).

Đắk Som là xã đặc biệt khó khăn của huyện Đắk Glong. Toàn xã có trên 10.800 nhân khẩu, trong đó tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 78%.

Theo UBND xã Đắk Som, những năm qua, người dân trong xã được hưởng lợi từ các chương trình mục tiêu quốc gia. Chính quyền địa phương đã quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức để người dân hiểu biết về sự quan tâm của Nhà nước.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, bà con tại nhiều khu vực trong xã đã từng bước từ bỏ những tập quán lạc hậu, vươn lên thoát nghèo.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/xa-hoi/vuon-len-tren-que-huong-moi-96557.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/xa-hoi/vuon-len-tren-que-huong-moi-96557.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Vươn lên trên quê hương mới
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO