Vùng trọng điểm hồ tiêu Đắk Nông hướng đến giảm phát thải
Huyện Đắk Song (Đắk Nông) đang thực hiện chương trình phát triển hồ tiêu cảnh quan, bền vững hướng đến giảm phát thải khí nhà kính.
Năm 2022, huyện Đắk Song triển khai Chương trình cảnh quan hồ tiêu. Đây là bước khởi đầu để ngành hàng hồ tiêu của huyện mở hướng phát triển bền vững.
Đắk Song đã xây dựng các tiểu dự án hồ tiêu, với quy mô bao phủ trên 4 xã là Thuận Hà, Thuận Hạnh, Nam Bình và Nâm N’Jang, với quy mô khoảng 1.800ha.
Là hộ gắn bó với cây tiêu nhiều năm, ông Lê Thanh Mười ở xã Nam Bình, huyện Đắk Song, hết sức đồng tình khi huyện triển khai chương trình canh tác hồ tiêu giảm phát thải khí nhà kính.
Theo ông Mười, giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp được thực hiện qua nhiều hoạt động. Trong đó, các hoạt động trồng cây xanh, cải thiện công nghệ sản xuất và áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng là hết sức quan trọng.
Ông Mười cho biết: “Hiện nay, trên vườn hồ tiêu tôi đã trồng xen nhiều loại cây như cà phê, sầu riêng, bơ, mắc ca… Các loại cây cộng sinh được bố trí trồng hợp lý, tạo sinh thái vườn bền vững cho cây tiêu”.
Từ khi thực hiện phương pháp canh tác thuận tự nhiên, vườn tiêu trở nên xanh tốt nhờ canh tác hữu cơ, thân thiện với môi trường. Vụ thu hoạch tiêu năm nay, ông Mười hi vọng đạt năng suất, chất lượng cao.
Còn gia đình bà Nguyễn Thị Linh ở thị trấn Đức An, huyện Đắk Song trồng gần 2ha hồ tiêu. Thời gian qua, bà Linh thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, hội thảo về canh tác hồ tiêu.
Nhờ đó, bà Linh được trang bị thêm kiến thức về thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trong sản xuất hồ tiêu. Cụ thể, bà được hướng dẫn tạo cây che bóng mát cho vườn tiêu, canh tác hữu cơ, bảo tồn các điều kiện sinh thái xung quanh vườn rẫy...
Theo ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng NN – PTNT huyện Đắk Song, trong khuôn khổ Dự án thúc đẩy sản xuất và thương mại bền vững hồ tiêu Việt Nam tại Đắk Song, việc triển khai giải pháp phát triển sản xuất hồ tiêu bền vững, giảm phát thải khí nhà kính đã có nhiều thuận lợi.
Theo các chuyên gia, việc bón quá nhiều phân hóa học dẫn đến nồng độ NOx trong đất cao, gây hiệu ứng khí nhà kính. Do đó, nông dân cần tái sử dụng các nguồn chất thải, xác bã thực vật, phân chuồng làm phân bón hữu cơ cho cây trồng để giảm phát thải khí nhà kính.
Cũng theo ông Vinh, nhiều năm nay, huyện Đắk Song đã kết hợp các biện pháp canh tác thích ứng biến đổi khí hậu, tiết kiệm nước, giảm khí nhà kính.
Từ đó, huyện đã giúp cải thiện điều kiện lao động, góp phần nâng cao thu nhập, tạo môi trường sản xuất tốt hơn, sản phẩm hồ tiêu đạt chất lượng cao hơn.
Đắk Song đang tăng cường kiểm soát, xây dựng nguồn giống hồ tiêu chất lượng cao. Huyện nỗ lực ổn định quy hoạch vùng canh tác hồ tiêu phù hợp.
Các mô hình canh tác hồ tiêu có áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), sử dụng chế phẩm sinh học… sẽ được huyện nhân rộng.
Đắk Song tiếp tục cơ cấu lại sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ, Rainforest, Grown for good… để nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường sinh thái, tăng thu nhập cho người dân.
“Cùng với đẩy mạnh việc liên kết 4 nhà, tập trung xây dựng chuỗi giá trị sản xuất hồ tiêu, Đắk Song chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất hồ tiêu bền vững”, ông Lê Hoàng Vinh cho biết thêm.
Đắk Song có trên 14.000ha hồ tiêu, trong đó 13.539ha đang cho thu hoạch, sản lượng 36.121 tấn/vụ. Huyện có 2 vùng sản xuất hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao tại xã Thuận Hà và Thuận Hạnh, với tổng diện tích 1.549ha