Phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn cảnh báo ngày 27/6 của các cơ quan nhân đạo của Liên hợp quốc cho rằng các vấn đề về khí hậu, xung đột vũ trang, giá lương thực cao và suy thoái kinh tế sau đại dịch COVID-19 đã gây ra tình trạng mất an ninh lương thực kỷ lục ở vùng Sừng châu Phi, với ước tính 60 triệu người đang cần được giúp đỡ khẩn cấp.
Liesbeth Aelbrecht, người quản lý các sự cố khẩn cấp ở vùng Sừng châu Phi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết "Theo ước tính, khoảng 5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi sẽ phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính vào năm 2023 ở vùng lõi của Sừng châu Phi. Con số này cho cả vùng là khoảng 10,4 triệu, đó thật sự là một con số đáng kinh ngạc."
Các cơ quan nhân đạo của Liên hợp quốc, trong một tuyên bố chung, cảnh báo rằng những lo ngại về khí hậu là vấn đề mấu chốt cho an ninh lương thực trong những tháng tới.
Dự báo toàn cầu chỉ ra rằng các điều kiện kiểu thời tiết El Nino đã xuất hiện và sẽ ngày càng tăng trong thời gian còn lại của năm, có thể mang lại lượng mưa trên mức trung bình trong mùa mưa từ tháng 10 đến tháng 12 trên khắp các khu vực phía đông của vùng Sừng châu Phi, bao gồm phần lớn lãnh thổ Kenya, khu vực Somali của Ethiopia và Somalia.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, 60 triệu người bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng này bao gồm hơn 15 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, 5,6 triệu trẻ em gái vị thành niên và gần 1,1 triệu phụ nữ mang thai, trong đó, gần 360.000 người dự kiến sẽ sinh con trong ba tháng tới.
Cố vấn nhân đạo khu vực Đông và Nam Phi của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Michael Ebele, cho rằng những thai phụ buộc phải làm việc để kiếm cái ăn sẽ phải đánh đổi bằng chính sức khỏe của mình.
Liên hợp quốc cho biết suy dinh dưỡng ở các bà mẹ mang thai và cho con bú khiến trẻ chưa sinh và đang còn bú mẹ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng và mang tình trạng suy dinh dưỡng trong toàn bộ vòng đời. Các bà mẹ bị suy dinh dưỡng cũng ít có khả năng chống chọi với các biến chứng trong thai kỳ khiến họ có nguy cơ mất con cao hơn./.