Chính trị

Vững niềm tin theo Đảng

Hoàng Hoài 19/07/2023 08:02

Dù thời chiến hay thời bình vẫn luôn vững tin theo Đảng, chính quyền, đó là tâm sự của những cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tự hào về thanh xuân

Vào độ tuổi đôi mươi, ông K’Dung hiện ở tổ dân phố 2, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) tự nguyện đi bộ đội, tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1972, bon làng của ông có 3 người cùng đi, trong đó ông là người nhỏ tuổi nhất chỉ mới 17 tuổi.

Quá trình tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông và đồng chí, đồng đội trải qua nhiều khó khăn, gian khổ, cái chết và sự sống mong manh, nhưng vẫn luôn tuyệt đối tin vào Đảng, chính quyền, quân đội và Bác Hồ.

dsc04307(1).jpg
Những kỷ niệm thời chiến và Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng là động lực để ông K'Dung cố gắng hơn nữa trong cuộc sống.

Ông K’Dung cho biết: “Thời đó, bà con đồng bào M’nông, Mạ luôn được cách mạng soi đường chỉ lối. Chúng tôi lớn lên, trai tráng thì tự nguyện nhập ngũ để góp sức vào công cuộc giải phóng dân tộc. Người già, trẻ nhỏ, chị em phụ nữ thì tăng gia sản xuất, góp phần nuôi quân”.

Cuộc sống thời chiến gian khổ, nhưng chí căm thù giặc sự đồng lòng, đoàn kết, cưu mang của bà con các dân tộc tại nơi đóng quân đã giúp các ông yên tâm để chiến đấu với quân giặc.

“Thời điểm tôi tham gia quân ngũ là trực thuộc lực lượng cơ động của Huyện đội K6 cũ. Mỗi chúng tôi được giao nhiều nhiệm vụ khác nhau, nên cái chết luôn cận kề, bị thương cũng nhiều, hy sinh không ít. Chứng kiến từng đồng đội hy sinh, chúng tôi ai cũng nuốt nước mắt, niềm xót thương vào trong để tiếp tục bám trụ. Tất cả đều nhắc nhở nhau chết vì quê hương, hạnh phúc Nhân dân có gì mà sợ, phải làm theo sự phân công của tổ chức”, ông K’Dung cho biết thêm.

Cũng như ông K’Dung, khi miền Nam gọi, từng tốp thanh niên trai tráng ở miền Bắc hành quân Nam tiến làm công tác chi viện, tham gia chiến đấu trên các mặt trận để chống Mỹ cứu nước,

Ông Trần Trọng Thái, tổ dân phố 1, phường Nghĩa Trung là một trong số đó. Năm 1968, ông Thái quê Nam Định tình nguyện lên đường nhập ngũ, cầm súng đánh đuổi quân thù, thống nhất nước
nhà, bảo vệ Tổ quốc. Sau một thời gian huấn luyện, ông Thái tham gia cùng đoàn hành quân vào chiến trường miền Tây Nam bộ.

“Thời đấy, tôi mới 20 tuổi, khí thế đánh giặc luôn sôi sục. Do đó, dù chiến trường ác liệt, ăn bữa đói bữa no, điều kiện địa hình, khí hậu khác hoàn toàn với miền Bắc, nhưng chúng tôi đều làm quen nhanh chóng. Lúc Nam tiến, anh em chúng tôi đông lắm, vậy mà lúc trở về thì quân số vơi đi rất nhiều. Có những trận đánh, chúng tôi phải tự tay chôn cất đồng đội, đồng hương của mình nên đau xót lắm”, ông Thái kể lại.

Trong cuộc chiến đấu chống Mỹ, dù chiến trường ác liệt, máu đổ, hy sinh nhiều là thế, song tinh thần quả cảm, anh dũng, niềm tin vào tổ chức, vào Đảng của thế hệ ông Thái luôn bền vững. Đây cũng là động lực để ông Thái nỗ lực phấn đấu, rèn luyện và được kết nạp Đảng tại chiến trường miền Tây Nam bộ.

dsc04320(1).jpg
Ông Thái chia sẻ, trao đổi về quá trình chiến đấu, phấn đấu để đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Ông Thái chia sẻ: “Được kết nạp Đảng tại chiến trường là một niềm hạnh phúc, vinh dự, tự hào của mỗi người lính chúng tôi. Để được vào Đảng, chúng tôi được giao làm những việc khó, ác liệt hơn các đồng đội khác. Bởi là người đảng viên thì phải nêu gương, có bản lĩnh thép, chí kiên cường, không ngại khó khăn, gian khổ, thậm chí đánh đổi tính mạng để hoàn thành nhiệm vụ tổ chức phân công. Năm nay dù đã hơn 50 năm tuổi Đảng, nhưng tôi vẫn nhớ như in những gì mình đã cố gắng, đã làm để nhắc nhở mình, con cháu phải cố gắng gìn giữ, phát huy”.

Tin vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền

Trở về cuộc sống đời thường, những người chiến sĩ từng tham gia các cuộc chiến đấu giải phóng quê hương luôn tự hào về quá khứ và nỗ lực, gương mẫu trong thời bình, nhất là tự hào khi chứng kiến sự đổi thay của quê hương, đất nước.

Theo ông K’Dung, để có hòa bình, nhiều người đã hy sinh xương máu, do đó, khi chứng kiến sự đổi thay của quê hương, ông càng thấy mọi hy sinh đều xứng đáng. Hàng chục năm qua, cũng như các địa phương khác trong cả nước, Đắk Nông đã và đang tiếp nối tinh thần anh dũng của thế hệ cha anh đi trước, luôn chăm lo cuộc sống cho Nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

“Từ khi giải phóng đến nay, tỉnh luôn quan tâm đến hạnh phúc, ấm no cho người dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số. Từ Trung ương đến địa phương đã đầu tư nhiều nguồn lực, chương trình, dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội cho bà con. Đặc biệt, qua gần 20 năm tái lập tỉnh Đắk Nông đến nay, tại các bon làng đã có nhiều đổi thay khác trước. Bà con không chỉ có cơm ăn, áo mặc, trẻ em được đến trường học chữ, học nghề mà còn xây được những căn nhà khang trang, có đầy đủ phương tiện nghe nhìn, hiện đại. Vì vậy, bà con dân tộc thiểu số chúng tôi luôn tin vào Đảng, chính quyền”.

Cựu chiến binh K’Dung, tổ dân phố 2, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa

dsc04313(1).jpg
Ông K'Dung luôn nhắc nhở bản thân phải gương mẫu, tiếp tục xứng đáng là Bộ đội Cụ Hồ.

Hiện nay, dù tuổi cao, sức khỏe yếu, nhưng ông K’Dung vẫn luôn phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, gương mẫu trong cuộc sống, nhất là vận động bà con luôn nêu cao tinh thần cảnh giác trước các thế lực thù địch, không để kẻ xấu xúi giục, dụ dỗ làm những việc sai trái.

Phấn khởi, tự hào tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, chính quyền cũng là suy nghĩ của ông Thái. Ông Thái cho biết: “Tôi thấy, Đắk Nông còn khó khăn hơn các địa phương khác do mới tái lập chưa đầy 20 năm. Thế nhưng, tỉnh luôn quan tâm đến những người có công với cách mạng. Không chỉ thăm hỏi, động viên kịp thời, mà địa phương luôn có những chương trình ưu tiên dành cho chúng tôi, nhất là các chính sách về nhà ở, học tập của con cái. Điều này để chúng tôi thấy được, sự hy sinh của chúng tôi là xứng đáng”.

Chứng kiến sự đổi thay của địa phương, ông Thái cho rằng, từ ngày tách tỉnh, Đắk Nông đã phát triển mạnh mẽ, cơ sở vật chất đồng bộ, khang trang, hiện đại. Cuộc sống người dân ngày càng ổn định, tỷ lệ hộ nghèo, nhất là dân tộc thiểu số đã giảm đáng kể. Đặc biệt, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Hàng năm, dù khó khăn, dịch bệnh, nhưng tôi thấy, địa phương vẫn luôn thống nhất quan điểm phải tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư để kết nối, giao lưu giữa bà con các dân tộc trong thôn, bon với nhau. Hơn nữa, những năm gần đây, các đồng chí lãnh đạo từ tỉnh tới xã, phường cũng đều bớt thời gian đến dự Ngày hội với bà con, qua đó cho thấy, tinh thần đoàn kết, gần dân, sát dân của người đứng đầu đối với bà con ngày càng rõ rệt.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Vững niềm tin theo Đảng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO