Kinh tế

Vùng nguyên liệu - Yếu tố then chốt cho dược liệu

Thanh Hà 20/04/2023 05:45

Đắk Nông được đánh giá có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển dược liệu dưới tán rừng. Nhưng sau nhiều năm, tất cả lợi thế này vẫn ở dạng tiềm năng. Nguyên nhân là do chưa có vùng nguyên liệu đủ lớn

Đắk Nông có gần 293.000ha đất lâm nghiệp, chiếm 45% diện tích tự nhiên. Tổng diện tích đất có rừng của tỉnh hơn 250.700ha (gồm hơn 196.000ha rừng tự nhiên và hơn 54.700ha rừng trồng).

Rừng ở Đắk Nông đa dạng, có đầy đủ các loại rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất. Thảm thực vật rừng ở Đắk Nông được đánh giá là phong phú, thuận lợi để phát triển dược liệu dưới tán rừng.

Tại Đắk Mil, cơ quan chuyên môn đã thống kê được gần 300 loài dược liệu khác nhau. Một số loài dược liệu nằm trong danh mục sách đỏ cần được bảo tồn như: sâm tóc tiên, bổ cốt toái, quyền bá, tắc kè đá…

a1(2).jpg
Sâm bố chính là một loài dược liệu phân tán nhiều trong các cánh rừng của Đắk Mil

Còn tại Tuy Đức, dược liệu cũng là một thế mạnh lớn. Cách đây ít năm, một đơn vị đã điều tra độc lập về hiện trạng, đánh giá tiềm năng phát triển dược liệu tại lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (Công ty Nam Tây Nguyên).

Qua điều tra, có 530 loài dược liệu thuộc 348 chi, 127 họ, 6 ngành trong các cánh rừng này. Trong số này, đáng lưu ý có 20 loài dược liệu quý hiếm, nằm trong danh mục sách đỏ. Các cơ quan điều tra đã lựa chọn 34 loài dược liệu có tiềm năng phát triển và 12 loài có triển vọng kinh doanh.

Sau những kết quả điều tra bước đầu khả quan, một số nhà đầu tư đã đến đặt vấn đề tiếp cận, đầu tư về dược liệu. Công ty Cổ phần Vạn Thương Sài Gòn đã ký thỏa thuận với 2 công ty lâm nghiệp Nhà nước ở Tuy Đức và Cư Jút. Công ty Cổ phần dược Lâm Đồng Ladophar cũng ký kết văn bản ghi nhớ tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa.

Nhiều đơn vị chủ rừng thừa nhận, tiềm năng phát triển dược liệu ở lâm phần quản lý là rất lớn. Nhưng việc khai thác dược liệu dưới tán rừng ở Đắk Nông còn manh mún, nhỏ lẻ. Giá trị kinh tế mang lại gần như không đáng kể.

Sau nhiều năm, dược liệu vẫn chưa phát huy được thế mạnh như kết quả điều tra. Do một số nguyên nhân khách quan, việc đầu tư của các doanh nghiệp bị chững lại, rơi vào bế tắc.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên, hiện một số đơn vị chủ rừng trên địa bàn đã quan tâm đến vấn đề phát triển dược liệu dưới tán rừng. Đây là hướng đi mới, bền vững để góp phần nâng cao thu nhập cho ngành Lâm nghiệp.

Các đơn vị chủ rừng đã đưa việc phát triển dược liệu vào phương án quản lý rừng bền vững. Diện tích trồng và khai thác dược liệu được phê duyệt tại các phương án quản lý rừng bền vững là hơn 4.000ha tại 5 đơn vị chủ rừng.

a2-rung-nam-tay-nguyen(2).jpg
Rừng ở Đắk Nông được đánh giá phù hợp phát triển các loài dược liệu dưới tán rừng, có giá trị kinh tế cao

Mặc dù vậy, hiệu quả kinh tế mà rừng Đắk Nông mang lại chưa cao. Riêng về dược liệu, đã có một số nhà đầu tư đến khảo sát, đặt vấn đề hợp tác đầu tư, nhưng chưa có đơn vị nào triển khai. Tới nay, đề án phát triển dược liệu của Đắk Nông cơ bản vẫn còn trên bàn giấy.

Tại buổi làm việc với tỉnh Đắk Nông vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã có nhiều chia sẻ về việc phát triển dược liệu.

Theo Bộ trưởng, giá trị kinh tế từ rừng mang lại có thể đơn giản là những loài cây dược liệu tự nhiên. Ở nhiều nước trên thế giới, dược liệu đã được phát triển lên một tầm cao mới, trở thành một ngành công nghiệp.

Bộ trưởng cho rằng, để khơi dậy tiềm năng dược liệu, phải có doanh nghiệp chuyên sâu đến đầu tư. Muốn kêu gọi doanh nghiệp đến và ở lại thì Nhà nước phải bảo đảm được vùng nguyên liệu cho họ.

Đắk Nông phải có cơ chế, có phương án về phát triển vùng nguyên liệu thì doanh nghiệp làm dược liệu mới gắn bó lâu dài.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Vùng nguyên liệu - Yếu tố then chốt cho dược liệu
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO