Kinh tế

Vui thay giữa đất trời Đắk Nông

Văn Tâm 01/01/2024 22:39

Xuân này, về thăm các vùng quê, cùng với sắc xuân của đất trời, còn có thể cảm nhận được niềm vui sự phấn chấn của lòng người – Đó là tình cảm keo sơn của những người gắn bó với Đắk Nông sau 20 năm tái lập tỉnh.

ADQuảng cáo
vua-lua-buon-choah-1-.jpg
Khung cảnh vùng quê xã Buôn Choáh (Krông Nô)

Những ngày đầu tháng Chạp, chúng tôi có dịp về xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song (Đắk Nông), một vùng kinh tế mới của thập niên 90 của thế kỷ trước.

Đi đến đâu, chúng tôi cũng bắt gặp khung cảnh tươi mới, khởi sắc bởi những con đường nhựa, bê tông dẫn về các ngã đường, những ngôi nhà khang trang, vườn cây trù phú… Một sức sống mới đang lan tỏa mạnh mẽ trên vùng cao nguyên bao la Đắk Nông.

Đến nay, Đắk Nông đã có 36/60 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm 58,3%. Bình quân toàn tỉnh, mỗi xã đạt 16,58 tiêu chí; không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí. Riêng TP. Gia Nghĩa đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM vào năm 2020. Toàn tỉnh có 2/7 huyện có 100% số xã đạt chuẩn NTM. Đắk Wer là xã đầu tiên của Đắk Nông đạt NTM nâng cao

“Đất lành chim đậu”

Trong câu chuyện vui ngày cuối năm, những hộ dân Thuận Hạnh hôm nay đều rất phấn khởi khi cuộc sống đã có nhiều khởi sắc. Bởi nhà nào cũng tạo dựng được cơ ngơi có giá trị. Có người đi lên từ đôi bàng tay trắng, nay nhà cửa khang trang, đất đai, hoa lợi mang lại thu nhập ổn định.

Anh Phạm Hưng ở xã Thuận Hạnh (Đắk Song) nhớ lại, lúc mới lên đây, khu vực này chủ yếu là đường đất đi lại khó khăn, nhà cửa dân cư năm rải rác chứ không như bây giờ. Ngoài diện tích đất ở và 5 sào đất được cấp, anh Hưng còn khai khẩn thêm đất ven khe suối để tăng gia cho cuộc sống hàng ngày.

Anh Hưng cho biết: “Lúc bây giờ khu dân cư còn hoang sơ, nhà cửa, đường sá xen lẫn với cây rừng. Nguồn nước nhiễm phèn, muỗi, vắt nhiều vô kể. Đời sống thiếu thốn trăm bề, sốt rét rừng khiến nhiều người bám trụ không nổi phải quay về quê cũ. Nhưng chúng tôi luôn nghĩ “qua cơn bỉ cực sẽ đến ngày thái lai” nên cố gắng bám trụ”.

Anh Hưng chia sẻ thêm, nhờ kiên trì bám trụ, đến nay, đời sống của gia đình anh cũng như người dân nơi đây đã thay đổi nhiều. Hầu hết các hộ đi xây dựng kinh tế mới trên vùng đất Thuận Hạnh đều có thu nhập ổn định từ cây cà phê, hồ tiêu, rau xanh…

Theo bà Đoàn Thị Tốt, Chủ tịch UBND xã Thuận Hạnh, xã luôn tập trung xây dựng các mô hình phát triển kinh tế bền vững, liên kết sản xuất cà phê, hồ tiêu theo tiêu chuẩn chứng nhận. Xã cũng tham mưu đầu tư sửa chữa, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, công trình dân sinh… tạo điều kiện tốt nhất để người dân mở rộng phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương.

dsc_0333(1).jpg
Ông Vũ Quang Chiểu, thôn 10, xã Trường Xuân (Đắk Song) nhân nuôi hiệu quả chế phẩm sinh học làm phân bón cho cây trồng

Còn ông Vũ Quang Chiểu đến lập nghiệp ở thôn 10, xã Trường Xuân (Đắk Song) gần 20 năm nay. Để lập nghiệp trên vùng đất mới, ông đã lại vợ con ở Thành phố Hồ Chí Minh, một mình bám trụ trên mảnh đất Nam Tây Nguyên nắng, gió để thực hiện ước mơ của mình.

Ông Chiểu cho hay: “Từ khi đặt chân đến nơi đây, tôi đã nhận thấy Đắk Nông thật sự là nơi “đất lành chim đậu”. Đắk Nông trở thành quê hương thứ hai của tôi, với phong thổ, tập quán bình dị, gần gũi. Do vậy, tôi không tiếc công sức của mình để góp sức dựng xây mảnh đất này”.

ADQuảng cáo

Với tình cảm dành cho vùng đất này, ông Chiểu đã dày công tìm tòi, nghiên cứu các biện pháp canh tác hữu cơ thân thiện với tự nhiên, làm ra sản phẩm nông sản sạch. Khi có kết quả trên ruộng vườn của mình, ông đã chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều hộ dân trong vùng.

Ông Chiểu chia sẻ: “Để tạo nên nông sản sạch, tôi sử dụng chế phẩm sinh học vi sinh vật được làm từ nguồn nguyên liệu trái cây, xác bã thực vật có sẵn tại địa phương. Từ đó tạo men thành IMO 4 để làm men gốc, sau đó nuôi cấy làm chế phẩm sinh học bón cho cây trồng”.

dsc_0307(1).jpg
Ông Vũ Quang Chiểu hướng dẫn cách phối trộn chế phẩm sinh học

“Công trình” sáng chế của ông Chiểu đã giúp cho nhiều nông hộ thuận lợi hơn trong canh tác cây trồng theo hướng hữu cơ. Từ đó, hướng tới xây dựng các vùng nguyên liệu cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái bền vững tại địa phương.

Đắk Nông phấn đấu đến năm 2025 đạt một số chỉ tiêu NTM

Có thêm ít nhất 7 xã đạt chuẩn NTM, luỹ kế 43 xã; bình quân toàn tỉnh đạt 17,2 tiêu chí/xã; có thêm ít nhất 11 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, luỹ kế 12 xã; Có ít nhất 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có ít nhất 2 huyện đạt chuẩn NTM.

Hình thành những "miền quê đáng sống"

Từng vượt qua bao gian khó, vợ chồng anh Nguyễn Văn Phòng, quê ở tỉnh Quảng Ngãi đến phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa) tạo lập cơ nghiệp với nhiều công việc khác nhau. Giờ đây, anh chị đã xây dựng được tổ ấm bình yên giữa trung tâm đô thị trẻ Gia Nghĩa. Đó là những điều mong ước đã thành sự thật đối với anh chị.

Anh Phòng cho hay: “Chúng tôi là những người đi xây tổ ấm trên vùng đất này. Nhiều lúc lòng tôi dâng lên một cảm giác trào dâng mỗi khi đất trời Gia Nghĩa vào Xuân. Bởi, với tôi không có niềm vui nào tả được khi gia đình, khu phố phát triển từng ngày”.

Từng phải chịu cảnh sáu tháng mùa khô khăn gói rời nhà đi làm thuê nhiều nơi để nuôi gia đình, từ khi tái lập tỉnh, anh Phòng đã bám trụ trên đất vườn để làm ăn, xây dựng tổ ấm.

pham-hung-dak-song(1).jpg
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Phòng, ở phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa) chăm sóc vườn hồ tiêu

Trước đó, vườn cà phê, hồ tiêu của gia đình có năm không đậu trái, sâu bệnh còi cọc. Sau khi được cán bộ nông nghiệp tận tình hướng dẫn, anh đã biết áp dụng các biện pháp kỹ thuật để chăm sóc cho vườn cà phê. Nhờ vậy, vườn cây đã cho năng suất tăng dần theo từng năm, cuộc sống gia đình dần ổn định và có của ăn, của để.

Anh Phòng cũng bao nhiêu hộ nông dân khác, họ đều là những “nông dân xuất sắc” làm thay da, đổi thị các vùng quê Đắk Nông. Trong đó, cũng phải kể đến những phong trào của các cấp hội, đoàn thể đã phát huy hiệu quả, bám rễ sâu bền vào đời sống sản xuất của nông dân.

Theo ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông, trong 20 năm qua, đời sống của nông dân các dân tộc trong tỉnh không ngừng phát triển, không những đáp ứng các yêu cầu của thời kỳ hội nhập mà còn góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

“Từ đó, khơi dậy khát vọng vươn lên và phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới”, ông Gấm cho biết thêm.

Trong 20 năm qua, người dân đã đóng góp hơn 295.973 tỷ đồng và hơn 482.298 ngày công lao động để xây dựng, sửa chữa được 3.868 km đường giao thông nông thôn. Cùng với đó, người dân hiến 619.072m2 đất sản xuất, hàng ngàn cây công nghiệp đang trong thời kỳ sinh trưởng để xây dựng các công trình phúc lợi ở khắp các địa phương.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vui thay giữa đất trời Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO