Vui khi được học đánh chiêng, múa xoang !

Mỹ Hằng| 19/05/2022 07:27

Hơn 1 tháng trở lại đây, cứ đều đặn vào Chủ nhật hàng tuần, các bạn trẻ ở buôn Nui, xã Tâm Thắng (Cư Jút) lại tập trung về Nhà văn hóa cộng đồng buôn để cùng nhau học đánh chiêng, hát Aray và múa các điệu xoang của dân tộc. Lớp học do Chi đoàn buôn Nui tổ chức, tạo bước chuyển biến mới về nhận thức bảo tồn văn hóa truyền thống trong thanh, thiếu niên dân tộc thiểu số.

Các bạn trẻ được các nghệ nhân am hiểu văn hóa truyền thống của người Ê đê như Y Sim, Y Siếc, H’Ni, Y Năm… giới thiệu về cách diễn tấu chiêng (cả chiêng tre lẫn chiêng đồng), các loại nhạc cụ truyền thống, hát Aray, dệt thổ cẩm…, từ đơn giản đến phức tạp.

Những bài chiêng quen thuộc, dễ nhớ như Đánh báo lễ hội, Gió thổi thác chảy, Chiriria, Con sóc bay; những bài Aray nổi tiếng đi kèm với nhạc cụ Đinh Năm như “Drông Tue” (đón khách) được các bạn trẻ tập và hát một cách say sưa, đằm thắm. Ngoài 26 đoàn viên, thanh niên của Chi đoàn buôn Nui tham gia thì còn có rất nhiều bạn trẻ khác cũng đến tham dự, nên lớp học rất đông, hào hứng, sôi nổi.

Những bài chiêng truyền thống được các bạn trẻ diễn tấu khá thuần thục

Bạn H’Banh cho biết: “Từ trước đến nay, thỉnh thoảng tôi có xem các nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng vào các lễ hội truyền thống của buôn làng. Dù chưa biết ý nghĩa của bài chiêng thế nào nhưng mỗi khi nghe tiếng chiêng ngân lên tôi rất thích và tự hào. Vì vậy, khi tham gia lớp học, được sự hướng dẫn tận tình của các nghệ nhân, chúng tôi tiếp thu rất nhanh. Thời gian tham gia lớp học chưa nhiều nhưng cả lớp đều diễn tấu được những bài chiêng cơ bản”.

Bạn H’Ngọc cũng cho hay: “Tôi rất thích hát Aray cũng như nghe âm thanh của chiếc Đinh Năm khi diễn hát. Vì thế, tham gia lớp học tôi cảm thấy rất hào hứng, dù bận bịu đến mấy cũng cố gắng sắp xếp, không bỏ lỡ buổi nào”.

Theo nghệ nhân Y Sim, cồng chiêng đối với người Ê đê rất quan trọng, là phương tiện để giao tiếp với thần linh, là người bạn gần gũi, thân thiết và gắn bó hầu như suốt cuộc đời của mỗi người. Thế nhưng, với sự phát triển xã hội hiện nay, việc lớp trẻ ít quan tâm với văn hóa truyền thống là điều không thể tránh khỏi, nên cần phải biết khơi gợi bằng việc tổ chức các lớp học bổ ích ngay tại buôn làng.

Văn hóa truyền thống của người Ê đê rất đa dạng và phong phú, muốn truyền dạy cũng phải mất một thời gian dài. Do đó, lớp học không dạy dàn trải, chạy theo số lượng mà các bạn trẻ học thuộc được bài cũ, mới tập bài mới nên hầu như đều có thể diễn tấu được những bài chiêng đã học.

Lớp học thực sự ý nghĩa đối với việc bảo tồn văn hóa truyền thống

Nghệ nhân Y Sim cho biết: "Tôi tham gia dạy diễn tấu cồng chiêng nhiều rồi, nhưng chưa thấy nơi nào các bạn trẻ lại đam mê cồng chiêng như ở buôn Nui này. Mỗi lần lên lớp, các cháu rất chăm chú lắng nghe, quan sát nghệ nhân đếm, gõ nhịp rồi làm theo và quen dần. Lớp học chỉ diễn ra trong thời gian một tháng, nghệ nhân chỉ dạy, hướng dẫn các thao tác, kỹ năng diễn tấu những bài chiêng cơ bản nhất, đồng thời chỉ ra những cái hay, cái đẹp của văn hóa cồng chiêng trong cuộc sống để các cháu hiểu, say mê, gắn bó, giữ gìn và phát huy trong đời sống hiện nay”.

Bà H’Ni - một trong những người thuộc và hát Aray hay nhất buôn Nui được mời về dạy cho các bạn trẻ phấn khởi nói: “Khi được chi đoàn mời về dạy cho các bạn trẻ, tôi rất vui. Vui ở đây vì lớp trẻ bắt đầu nhận thức được vai trò của mình trong việc kế thừa, phát huy văn hóa truyền thống và điều băn khoăn của tôi cũng được cởi mở. Vì vậy, dù không có thù lao hay bồi dưỡng từ lớp học, tôi vẫn tự nguyện dạy những gì mình biết cho các bạn trẻ”.

Theo anh Nguyễn Văn Thìn, Bí thư Đoàn xã Tâm Thắng thì đây là lớp truyền dạy đầu tiên mà Đoàn xã Tâm Thắng triển khai ở buôn Nui. Mặc dù mới diễn ra trong thời gian ngắn nhưng lớp học thực sự ý nghĩa đối với việc bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Thông qua hoạt động này, môi trường sinh hoạt văn hóa truyền thống được khôi phục, các nghệ nhân, lớp trẻ có điều kiện giao lưu, thực hành, hòa nhập với xu thế phát triển chung của toàn xã hội, nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của các dân tộc.

Các giá trị văn hóa được bảo tồn, phát huy sẽ góp phần đắc lực trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng như phục vụ phát triển du lịch cộng đồng trong thời gian tới. Trên cơ sở kết quả của lớp học, sắp tới Đoàn xã Tâm Thắng sẽ nhân rộng lớp học này ra ở các buôn khác trên địa bàn xã như buôn Buôr, buôn Trum, buôn Ea Pô…

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/van-hoa/vui-khi-duoc-hoc-danh-chieng-mua-xoang-!-93082.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/van-hoa/vui-khi-duoc-hoc-danh-chieng-mua-xoang-!-93082.html
x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Vui khi được học đánh chiêng, múa xoang !
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO