Vực dậy thương hiệu khoai lang Tuy Đức (kỳ 2): Giá trị bị mai một

Đức Hùng| 24/05/2022 09:23

Sau thời gian canh tác nhưng không được cải tạo khiến đất đai, giống bị thoái hóa, khoai lang gặp nhiều sâu bệnh, năng suất, chất lượng giảm. Cùng với đó là giá cả không ổn định, khiến người dân Tuy Đức không còn mặn mà với khoai lang.

ADQuảng cáo

Bấp bênh, suy giảm vì thoái hóa giống

Anh Nguyễn Văn Sản, ở thôn 9, xã Đắk Búk So, được biết đến là một trong những hộ trồng nhiều khoai lang nhất nhì xã. Có những thời điểm, anh trồng tới 40 ha khoai lang, lãi tiền tỷ mỗi vụ.

Thời điểm đầu, đất còn mới, nên anh gần như không phải đầu tư phân bón, thuốc men gì, nhưng năng suất vẫn đạt cao. Có những vụ khoai lang anh thu hoạch từ 20 – 25 tấn củ/ha, lãi 2 – 3 tỷ đồng.

Nhờ khoai lang, anh Sản đã xây dựng được cơ ngơi bề thế. Thế nhưng, vài năm nay, anh Sản đã phải chuyển sang cây trồng khác. Bởi khoai lang thoái hóa giống, giá cả bấp bênh, làm anh lỗ vốn.

Anh Sản chia sẻ: "Nhiều năm có kinh nghiệm, nhưng cũng thất bại vì đất bạc màu. Chất lượng giống cũng không kiểm soát được, khiến sâu bệnh phát sinh nhiều. Giá khoai lang trên thị trường cũng bấp bênh".

Sau nhiều năm canh tác gần 3 ha khoai lang, anh Nguyễn Trọng Duy, ở xã Quảng Tâm, cũng đã chuyển đổi sang trồng các loại cây khác để giảm rủi ro. Anh Duy có kinh nghiệm hơn 15 năm trồng khoai lang, nhưng cũng gặp thất bại trong thời gian gần đây.

Giống thoái hóa, đất bạc màu, giá bấp bênh... khiến nông dân Tuy Đức không còn mặn mà với khoai lang

Anh Duy cho biết, vụ đông xuân 4 năm trước, gia đình anh trồng khoai lang. Sau khi xuống giống được hơn 2 tháng, vườn khoai xảy ra hiện tượng chết dây, thối củ, thối cây với số lượng lớn.

Năm đó, gia đình anh thiệt hại nặng, thu không đủ chi phí đầu tư. Cũng từ năm đó, anh không còn trồng khoai lang Nhật nữa. "Một phần vì trồng nhiều năm cần cải tạo đất, phần vì nhiều người dân ồ ạt trồng, khiến giá khoai giảm mạnh", anh Duy chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Anh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đắk Búk So, khoai lang từng là cây chủ lực, giúp nhiều hộ dân trên địa bàn thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu.

Thế nhưng, hiện nay việc sản xuất khoai lang của người dân không được như xưa vì chi phí lớn, rủi ro nhiều về sâu bệnh và giá cả bấp bênh hơn. Trên địa bàn xã có khoảng hơn 100 ha đất được người dân duy trì sản xuất khoai lang mỗi năm. 

ADQuảng cáo

Ông Đoàn Lê Anh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy Đức cho biết, nhiều năm qua khoai lang xảy ra hiện tượng chết dây. Nguyên nhân được xác định là do người dân sử dụng lại dây khoai năm trước để trồng cho những năm tiếp theo, dẫn đến thoái hóa giống, phát sinh dịch bệnh.

Các bệnh chết dây, nấm cũng xuất hiện nhiều hơn sau khi đất trồng khoai liên tục nhiều năm. Điều này khiến năng suất khoai lang giảm mạnh, hiệu quả kinh tế ngày càng thấp, nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng huyện Tuy Đức, những năm gần đây, cây khoai lang giảm mạnh cả về diện tích, năng suất và chất lượng. Trong đó, nhiều diện tích khoai lang chết do người dân sử dụng giống không có nguồn gốc.

Thương hiệu bị lợi dụng

Có những thời điểm diện tích canh tác khoai lang trên địa bàn huyện Tuy Đức lên tới 3.000 ha/năm. Cây khoai lang được mở rộng diện tích với tốc độ nhanh chóng, thậm chí các địa phương khác cũng tập trung sản xuất loại cây trồng này.

Theo ông Đoàn Lê Anh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy Đức, khi khoai lang đạt giá trị cao thì xảy ra tình trạng bị lợi dụng thương hiệu. Cụ thể, nhiều thương lái đã mua khoai ở những nơi khác rồi mang về Tuy Đức để trà trộn, lợi dụng thương hiệu và bán được giá.

Nhiều hộ đã chuyển từ khoai lang sang cây trồng khác để cải tạo đất, bảo đảm thu nhập

Một thời gian dài huyện không quản lý được tình trạng này, làm ảnh hưởng đến hình ảnh và chất lượng khoai lang Tuy Đức. Người tiêu dùng cũng dần mất cảm tình đối với loại đặc sản này.

Năm 2016, Hội Khoai lang Tuy Đức đã phải "cầu cứu" cơ quan chức năng về việc thương hiệu "khoai lang Tuy Đức - Đắk Nông" bị lợi dụng. Thế nhưng, động thái này cũng không cứu vãn được tình thế.

Khoai lang trở thành cây trồng bấp bênh, nhiều rủi ro và nông dân đã dần chuyển đổi sang cây trồng khác. Đáng buồn hơn, từ chỗ giữ vị thế số một ở Tuy Đức, khoai lang dần bị những loại cây trồng khác "vượt mặt" như mắc ca, khoai tây Doobak...

>> Kỳ 3: Khôi phục "ánh hào quang"

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vực dậy thương hiệu khoai lang Tuy Đức (kỳ 2): Giá trị bị mai một
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO