Đặc sản khoai lang Tuy Đức đã trở nên nức tiếng trong nhiều năm qua. Thậm chí, nói đến khoai lang, người tiêu dùng sẽ nghĩ ngay đến Tuy Đức và ngược lại.
Khẳng định giá trị
Năm 2002, HTX 19/5 trồng thử nghiệm khoảng 0,5 ha khoai lang Nhật Bản tại xã Đắk Búk So (Tuy Đức). Chỉ sau gần 4 tháng, khoai lang đã cho thu hoạch và đạt năng suất cao.
Sau đó, HTX đã trồng thêm 5 ha khoai lang và năng suất đạt 15 tấn/ha. Sang vụ thu đông năm 2003, người dân trong xã Đắk Búk So đã mở rộng diện tích khoai lang khoảng 50 ha.
Cây khoai lang thể hiện ưu điểm phù hợp với đất đai, khí hậu ở Tuy Đức, với năng suất bình quân đạt 18 tấn/ha. Mỗi sào khoai lang cho nông dân khoản lợi nhuận khoảng 40 - 50 triệu đồng/vụ.
Thời điểm này, thương lái bắt đầu tìm đến tận vườn để thu mua khoai lang Tuy Đức. Thương hiệu khoai lang Tuy Đức bắt đầu nhen nhóm từ đó. Huyện Tuy Đức cũng bắt đầu xem khoai lang là loại cây trồng chủ lực.
Huyện tập trung phát triển sản xuất khoai lang theo quy mô hàng hóa, chất lượng cao. Nhiều hộ dân trên địa bàn cũng bắt đầu trồng khoai lang với diện tích lớn để cung cấp cho thị trường.
Khoai lang là cây trồng giúp người dân Tuy Đức nâng cao thu nhập |
Trên 1,5 ha đất chuyên trồng cây ngắn ngày, gia đình anh Vũ Trọng Tài, ở thôn 3, xã Đắk Búk So, cứ đều đặn trồng 1 vụ khoai, 1 vụ rau, hoa màu. Anh Tài cho biết, khoai lang nhiều năm là nguồn thu nhập chính, giúp anh cải thiện cuộc sống.
Có những thời điểm, mỗi ha khoai lang đạt năng suất hơn 20 tấn củ, mang về nguồn thu nhập khoảng 300 triệu, trong khi mức chi phí đầu tư chỉ từ 20 - 30 triệu đồng/ha.
"Có được cơ ngơi và sự ổn định của hôm nay, tôi không thể phủ nhận là nhờ có nguồn thu nhập từ khoai lang trước đây", anh Tài chia sẻ.
Tương tự, gia đình anh Nguyễn Trọng Duy, ở xã Quảng Tâm, có nhiều năm gắn bó với cây khoai lang. Gia đình anh duy trì 2 ha đất trống trồng khoai lang mỗi năm.
Theo anh Duy, nói về cây ngắn ngày mang lại hiệu quả kinh tế tại địa phương, khoai lang là số một. Những năm trước, trồng khoai lang rất thuận lợi, chi phí đầu tư thấp, thương lái đến tận vườn thu mua.
Vụ sản xuất khoai lang nào bà con cũng có lợi nhuận lớn. "Khoai là thu nhập chính của gia đình tôi trong thời gian dài. Nhờ trồng khoai lang mà tôi có nguồn thu nhập để đầu tư cây trồng khác, ổn định cuộc sống", anh Duy cho biết.
Sau thành công từ xã Đắk Búk So, khoai lang được sản xuất đại trà khi huyện Tuy Đức đã mở rộng diện tích trên nhiều xã khác như: Quảng Trực, Đắk R’tíh, Quảng Tân, Quảng Tâm…
Trở thành đặc sản
Đến năm 2015, diện tích khoai lang trên toàn huyện Tuy Đức đạt 2.860 ha, với tổng sản lượng 34.110 tấn/vụ. Khoai lang trở thành sản phẩm "hót", khẳng định được vị thế, thương hiệu và trở thành đặc sản của huyện Tuy Đức, thậm chí của tỉnh Đắk Nông.
Cây khoai lang cho thấy sự phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nhiều vùng ở Tuy Đức. Khoai lang được sản xuất ở Tuy Đức không chỉ cho năng suất cao mà còn hương vị thơm ngon đặc trưng, hàm lượng tinh bột, dinh dưỡng cao.
Chính sự khác biệt này, khoai lang Tuy Đức được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã bắt đầu thu mua khoai lang Tuy Đức kinh doanh, chế biến và xuất khẩu.
Vùng đất Tuy Đức rất thích hợp để sản xuất khoai lang |
Theo ông Nguyễn Ngọc Minh, Chánh Văn phòng UBND huyện Tuy Đức, khoai lang từng là quà tặng của địa phương gửi các đoàn công tác, các du khách đến với Tuy Đức.
Nhiều du khách đến với Tuy Đức đều chọn khoai lang làm quà cho người thân. Khoai lang cũng là sản phẩm đặc trưng, được huyện quan tâm giới thiệu đến với bạn bè trong và ngoài tỉnh.
"Khoai lang Tuy Đức trở thành thương hiệu nổi tiếng không chỉ ở Tuy Đức mà cả tỉnh Đắk Nông. Đây cũng là một trong những món quà mà khách hàng thường lựa chọn mua về khi đến Đắk Nông", ông Minh chia sẻ.
Năm 2009, Hội Khoai lang Tuy Đức được thành lập để phát triển, quảng bá và xây dựng thương hiệu cho loại cây trồng này. Đến năm 2012, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KHCN) đã chứng nhận bảo hộ độc quyền nhãn hiệu “Khoai lang Tuy Đức - Đắk Nông”.
Hiệu quả kinh tế cao đã tạo nên một phong trào trồng khoai lang trên địa bàn huyện Tuy Đức. Thậm chí, trồng khoai lang không còn dừng lại ở địa bàn huyện Tuy Đức mà các huyện khác trong tỉnh cũng đã chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang trồng khoai lang.
>> Kỳ 2:Đánh mất giá trị