Vụ hè thu này, một số diện tích lúa ở Krông Nô (Đắk Nông) mắc bệnh lem lép hạt và nguyên nhân được xác định là do nguồn giống cũ, không bảo đảm chất lượng.
Vụ hè thu 2023, xã Buôn Choáh (Krông Nô) gieo sạ 650 ha lúa, chủ yếu các giống RVT, TS24, ST25. Phần lớn diện tích lúa ở đây phát triển tốt, bảo đảm năng suất, chất lượng cao. Tuy nhiên, một số diện tích lúa nhỏ lẻ mắc bệnh lem lép hạt, dẫn đến mất mùa. Về nguyên nhân, ngành chức năng xác định, do một số hộ dân sử dụng lúa thương phẩm từ vụ mùa trước để làm giống.
Lúa thương phẩm nếu làm giống thì sẽ kém chất lượng, khả năng chống chọi với sâu bệnh hại thấp. Quá trình phát triển, lúa thường bị nấm, vi khuẩn tấn công, làm hạt đen, lép. Ông Nguyễn Huy Phong, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Nô cho biết, người dân Buôn Choáh sử dụng hạt lúa thương phẩm gieo trồng ở vụ hè thu này chủ yếu là giống ST24, ST25 và chiếm khoảng 15% diện tích lúa trên địa bàn.
Tình trạng này bắt nguồn từ việc giống lúa tăng cao. Cụ thể, vụ hè thu này, giá lúa giống ST24, ST25 khoảng 25.000 đồng/kg. Mỗi ha đất cần khoảng 120 kg lúa giống, tính ra tiền vào khoảng 3 triệu đồng. Chi phí này khá lớn so với bà con nông dân. Do đó, một số hộ đã lấy giống lúa cũ, lúa thương phẩm để gieo sạ.
Trước thực tế này, UBND huyện Krông Nô đã có văn bản khuyến cáo, tuyên truyền đến người dân không sử dụng lúa cũ, lúa thương phẩm làm giống trong những mùa vụ tới. Nếu nông dân sử dụng lại giống lúa cũ (tức giống F2, F3…) sẽ dẫn đến tình trạng lai giống, thoái hóa, năng suất và chất lượng lúa gạo sụt giảm. Giống lúa cũ cũng dễ phát sinh dịch bệnh.
Cũng theo đánh giá của UBND huyện Krông Nô, việc nông dân sử dụng lúa thương phẩm để sản xuất là chưa nhiều, chưa tác động lớn đến sản xuất lúa trên địa bàn. Tuy nhiên, nếu để tình trạng này lặp đi, lặp lại nhiều sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng lúa gạo Krông Nô. Uy tín, thương hiệu sản phẩm lúa, gạo của địa phương cũng sẽ sụt giảm.
Hiện nay, UBND huyện Krông Nô đã giao Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện tiến hành kết nối với các cá nhân, doanh nghiệp bán lúa giống uy tín để những vụ mùa tới giúp nông dân mua được giống tốt. Huyện tiến hành rà soát, hỗ trợ những trường hợp gặp khó khăn về giống lúa. Từ đó, loại bỏ tình trạng người dân sử dụng lúa thương phẩm làm giống gieo sạ.
Thực tế, nhiều năm qua, Krông Nô đã chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo bằng cách sử dụng các giống lúa đặc sản. Đa số diện tích lúa trên địa bàn được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhiều nông dân đã nâng cao thu nhập từ trồng các giống lúa như RVT, ST24, ST25… Chính vì thế, thương hiệu lúa gạo ở Krông Nô ngày càng có uy tín, phát triển mạnh trên thị trường. Krông Nô đã trở thành vựa lúa lớn nhất của Đắk Nông. Trong đó, cánh đồng Buôn Choáh là vùng sản xuất lúa công nghệ cao của Đắk Nông hiện nay.
Huyện Krông Nô khuyến cáo sản xuất lúa các vụ tiếp theo:
Nông dân sử dụng hạt giống lúa khỏe; giống xác nhận, sạch bệnh, không lẫn tạp chất.
Nông dân gieo sạ lúa giống với mật độ 100-120 kg/ha. Chăm sóc, bón phân đầy đủ và cân đối giúp cây lúa khỏe, tăng khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết bất lợi, sâu bệnh hại.
Nông dân tuyệt đối không dùng giống lúa thương phẩm, giống lấy từ những ruộng có biểu hiện bệnh lem lép hạt, giống xác nhận đã sử dụng qua nhiều mùa vụ.