Vụ một người phải đi cấp cứu sau khi làm việc với Công an huyện Tuy Đức: Gia đình có quyền yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ

Ngàn Sâu thực hiện| 29/11/2016 10:23

Để góp phần rộng đường dư luận, phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với Luật sư (LS) Phương Ngọc Dũng, Văn phòng Luật sư Vạn Lý (Đoàn LS Cần Thơ), Chi nhánh tại Tây Nguyên về vụ việc anh Võ Hướng phải đi cấp cứu sau khi làm việc với Công an huyện Tuy Đức.

ADQuảng cáo

P.V: Thưa ông, theo quy định hiện nay, trong điều kiện nào thì cơ quan công an được quyền mời người dân lên làm việc ?

LS Phương Ngọc Dũng

LS Phương Ngọc Dũng: Theo quy định, khi người nào đó có dấu hiệu phạm tội hoặc bị tố cáo có hành vi phạm tội thì cơ quan công an được quyền triệu tập hoặc gửi giấy mời để làm việc. Giấy triệu tập, giấy mời phải do lãnh đạo cơ quan điều tra ký mới có hiệu lực, còn điều tra viên không đủ thẩm quyền được ký. Trong giấy triệu tập, giấy mời phải ghi rõ nội dung làm việc và phải có đủ một khoảng thời gian hợp lý nhất định để đương sự chuẩn bị.

P.V: Anh Võ Hướng được Công an huyện Tuy Đức mời lên làm việc để đấu tranh về một vụ đánh số đề thì cần phải có những bằng chứng gì để đáp ứng theo quy định?

LS Phương Ngọc Dũng: Như tôi đã nói, khi mời người dân lên làm việc thì cơ quan công an phải có chứng cứ của dấu hiệu phạm tội. Trong trường hợp này, Công an huyện Tuy Đức phải có bằng chứng như nhận được đơn tố cáo hoặc thu thập được những chứng cứ thể hiện anh Võ Hướng có tham gia đánh số đề. Các chứng cứ này phải thể hiện đầy đủ và đúng với tên tuổi, địa chỉ của đương sự mà cụ thể là anh Võ Hướng, sinh 1985, trú tại thôn 3, xã Đắk Búk So.

ADQuảng cáo

P.V: Trước khi làm việc với cơ quan công an, anh Võ Hướng vẫn là một người khỏe mạnh, nhưng sau đó phải đi cấp cứu với dấu hiệu vừa bị đánh đập. Xin ông phân tích xem trường hợp này nên hiểu thế nào?

LS Phương Ngọc Dũng: Ở đây chúng ta phải hiểu về mặt y học. Cấp cứu là trong thái sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng, giảm sút đột ngột, nguy hiểm đến tính mạng. Như vậy, anh Võ Hướng làm việc với cơ quan điều tra mà phải đi cấp cứu thì rõ ràng sức khỏe của anh ấy đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, giảm sút đột ngột, nguy hiểm đến tính mạng. Đó là điều bất thường và cần phải làm rõ nguyên nhân.

P.V: Bây giờ gia đình anh Võ Hướng nên làm gì để giải quyết vụ việc?

LS Phương Ngọc Dũng: Gia đình anh Võ Hướng có quyền gửi văn bản đề nghị cơ quan chức năng làm rõ nội dung buổi làm việc. Gia đình cũng có quyền tố cáo Công an huyện Tuy Đức vì đã để xảy ra hậu quả như đã nói trên đối với anh Võ Hướng. Đơn từ có thể gửi cho Trưởng Công an huyện Tuy Đức, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông hoặc Cục Điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. Mặt khác, gia đình cũng cần chứng minh được trước buổi làm việc thì anh Võ Hướng vẫn còn khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường.

P.V: Trong trường hợp chứng minh được anh Võ Hướng bị đánh đập tại cơ quan công an thì vụ việc sẽ được xử lý như thể nào?

LS Phương Ngọc Dũng: Nếu chứng minh được anh Võ Hướng bị đánh đập tại cơ quan công an thôi thì cũng chưa đủ. Điều quan trọng là phải chứng minh, làm rõ được ai là người trực tiếp đánh đập anh Võ Hướng. Đặt trường hợp nếu anh Võ Hướng bị điều tra viên đánh đập thì anh Hướng là người bị hại trong vụ án có dấu hiệu của tội “Dùng nhục hình” và  tội “Cố ý gây thương tích”. Khi đó, người gây án có thể sẽ bị khởi tố một trong hai tội danh này, thậm chí cũng có thể bị khởi tố cùng lúc cả hai tội danh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ một người phải đi cấp cứu sau khi làm việc với Công an huyện Tuy Đức: Gia đình có quyền yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO