Sai sót ngay từ đầu
UBND xã Trường Xuân vừa có văn bản trả lời ông Trần Minh Hải (ở Bình Dương) đối với việc cấp sổ đỏ lần đầu thửa đất ở thôn 3, xã Trường Xuân. Trước đó, ông Hải có đơn thư phản ánh mình là chủ của lô đất này. Thế nhưng, chính quyền lại cấp sổ đỏ cho 1 người khác.
Theo UBND xã Trường Xuân, bà Cao Thị Oanh (ở Gia Nghĩa) là người được cấp sổ đỏ đối với thửa đất trên. Thửa đất số 96, tờ bản đồ số 90 có diện tích 10.745,9m2, được UBND huyện Đắk Song cấp cho bà Oanh vào tháng 1/2018. UBND xã Trường Xuân khẳng định quy trình cấp sổ đỏ cho bà Oanh là đúng.
Tuy nhiên, UBND xã Trường Xuân thừa nhận, việc xác định nguồn gốc đất của hồ sơ này có vấn đề. Hồ sơ này hiện không có lưu giữ bất kỳ giấy tờ nào thể hiện nguồn gốc đất và tình trạng sử dụng đất của bà Oanh.
Theo ông Lê Văn Tú, công chức địa chính UBND xã Trường Xuân, vào thời điểm kê khai, bà Oanh có cung cấp một giấy tờ mua bán. Với vai trò dẫn đạc, ông Tú đã trực tiếp xem tờ giấy đó. Mặc dù không nhớ rõ thời gian ghi trong giấy chuyển nhượng và không lưu giữ giấy này nhưng ông Tú vẫn xác nhận thửa đất này có nguồn gốc “chuyển nhượng năm 2004”.
Ông Nguyễn Nhật Trình, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân trần tình: Việc xác nhận nguồn gốc đất như vậy là do thiếu sót của địa phương. Là người ký hồ sơ này, tôi nhận trách nhiệm vì đã quá tin tưởng cấp dưới, không xem xét kỹ hồ sơ. Đây là lỗi khách quan của tôi. Còn việc đồng chí địa chính có “linh động” trong xác minh nguồn gốc để hồ sơ phù hợp hay không thì tôi thực sự không biết.
Khu đất hơn 1 ha mà ông Hải nhận chuyển nhượng đã được cấp sổ đỏ cho người khác |
Người được cấp đất là ai?
Bà Cao Thị Oanh (SN1971, ở phường Nghĩa Tân, TP. Gia Nghĩa) là người được cấp sổ đỏ lần đầu đối với thửa đất gần 1,1 ha tại xã Trường Xuân. Điều đáng nói là bà Oanh không liên quan đến chủ sử dụng đất ban đầu và người đang sử dụng đất thực tế trước thời điểm cấp sổ.
Theo hồ sơ của Báo Đắk Nông, thửa đất này do ông Trần Minh Hải nhận chuyển nhượng lại của bà Ngô Thị Nhường (khoảng 6.000m2) năm 2015 và ông Võ Văn Kiều (5.000m2) năm 2016 bằng giấy viết tay. Bà Nhường và ông Kiều là người sinh sống lâu năm ở địa phương và đều khẳng định tự khai hoang thửa đất trên. Việc mua bán ghi bằng giấy viết tay và ông Hải còn lưu giữ các giấy tờ này.
Sau khi nhận chuyển nhượng, ông Hải trồng cây ăn quả trên toàn bộ khu đất trên. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế không đạt như mong muốn. Năm 2017, ông Hải thỏa thuận chuyển nhượng diện tích trên cho một người đàn ông tên Trắng.
“Hai bên đã lập giấy viết tay thể hiện việc chuyển nhượng. Tuy nhiên, ông Trắng không trả đủ tiền nên việc giao dịch đã kết thúc. Từ đó tới nay, gia đình tôi vẫn canh tác trên khu đất này. Bản thân tôi và những người khai hoang ở thửa đất trên đều không biết bà Oanh là ai. Nhưng không hiểu bằng cách gì mà bà Oanh lại được cấp sổ đỏ trên diện tích đất tôi đang sử dụng”, ông Hải bức xúc.
Để làm rõ vụ việc, PV đã liên hệ với ông Trắng theo số điện thoại UBND xã Trường Xuân cung cấp nhưng không được. Còn UBND xã Trường Xuân thì đã liên hệ và làm việc trực tiếp với ông Trắng (SN1966, ở Nâm N’Jang, Đắk Song).
Theo biên bản làm việc, ông Trắng cho rằng mình và bà Oanh chung tiền mua đất của ông Hải. Do ông Trắng đang vướng nợ xấu nên đã để bà Oanh đứng tên làm sổ. Ông Trắng không cung cấp giấy tờ mua bán của ông Hải và cũng không nhớ mua bao nhiêu tiền, đã trả bao nhiêu. Còn tất cả những thỏa thuận của ông Trắng với bà Oanh đều… bằng miệng.
Hiện trạng khu đất đã được san ủi, cải tạo mặt bằng |
Hồ sơ không bảo đảm
Đến thời điểm hiện tại, UBND xã Trường Xuân vẫn chưa có căn cứ nào thể hiện bà Cao Thị Oanh có liên quan đến khu đất trên. Ông Trần Minh Hải bức xúc: Sau khi nhận đơn, chính quyền không hề làm việc với tôi. Việc xác minh và trả lời công dân rất chậm trễ. UBND xã Trường Xuân trả lời hồ sơ cấp đất đúng quy trình là né tránh trách nhiệm. Bởi việc xác minh từ đầu đã sai thì quy trình có đúng cũng ra kết quả sai.
Theo ông Đồng Văn Giáp, Trưởng Phòng TN-MT huyện Đắk Song, trong quy trình cấp sổ đỏ lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân, việc xác định nguồn gốc sử dụng đất là quan trọng nhất. Đây là trách nhiệm của UBND cấp xã. Luật Đất đai không cho phép cấp sổ đỏ cho các trường hợp nhận chuyển nhượng bằng giấy viết tay sau 1/7/2008.
Đối với các trường hợp kê khai nhận chuyển nhượng trước 1/7/2008, người dân có quyền không cung cấp giấy tờ mua bán bằng giấy viết tay cho UBND cấp xã. UBND xã có trách nhiệm lấy phiếu ý kiến khu dân cư để có căn cứ xác định được nguồn gốc sử dụng đất, tình trạng tranh chấp.
“Những hồ sơ nhận chuyển nhượng trước 2004 thì bắt buộc phải có những giấy tờ nêu trên. Nếu không có giấy tờ nào thì hồ sơ đó không bảo đảm điều kiện để cấp sổ”, ông Giáp cho hay.