Vốn tài trợ tiếp sức cho nông nghiệp Đắk Nông
Từ nguồn vốn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ, Đắk Nông đã thực hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Nông, nhiều chương trình, dự án phi chính phủ được thực hiện trên cơ sở nhu cầu thực tế, hỗ trợ trực tiếp cho người dân nên đã phát huy hiệu quả tích cực.
.jpg)
Trong đó, một số dự án triển khai tại các vùng có diện tích cà phê lớn như Đắk Mil, Krông Nô, Tuy Đức… đã giúp người dân tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê.
Từ năm 2022 – 2024, Quỹ khí hậu xanh (GCF) đã tài trợ triển khai Dự án tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ với an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ (SACCR), trong đó có Đắk Nông.
Dự án đã xây dựng các mô hình tưới nước tiết kiệm, giúp hộ trồng cà phê ứng phó với thời tiết nắng hạn.
Gia đình bà Lương Thị Mùi ở thôn 3, xã Trúc Sơn, huyện Cư Jút (Đắk Nông) được dự án chọn lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm trên 1ha cà phê trồng xen bơ, điều.
Vườn cây của bà Mùi được dự án tài trợ xây dựng thành “Điểm học tập cộng đồng” (CRA) để người dân trong vùng đến tham quan và học tập. Mô hình được đầu tư hệ thống tưới tự động rất hiệu quả.
.jpg)
Bà Mùi cho biết: “Từ khi có hệ thống tưới tiết kiệm kết hợp bón phân tự động, tôi không phải đi tưới từng gốc. Hệ thống tưới tự động giúp tiết kiệm được một nửa thời gian so với tưới thủ công, nên không lãng phí nguồn nước”.
Gia đình anh Diệp Kỳ Khìn ở thôn Đắk Quang, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil, có hơn 1,5ha hồ tiêu và cà phê. Năm 2023, gia đình anh được dự án SACCR từ tổ chức phi chính phủ hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước cho 0,5ha hồ tiêu.
Theo anh Khìn, trước đây, vào mùa khô, gia đình gặp nhiều khó khăn do vườn rẫy xa nguồn nước. Từ khi dự án tài trợ lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân, anh tiết kiệm được thời gian và chủ động nước cho vườn cây.
Anh Khìn cho biết: “Có hệ thống tưới tiết kiệm, tôi không phải đi tưới từng gốc. Tưới tự động tiết kiệm chỉ bằng 1/2 thời gian tưới truyền thống, nên không lãng phí nguồn nước”.
.jpg)
Theo anh Khìn, ngoài bơm tưới cho vườn tiêu, anh còn dùng hệ thống này để bón phân cho vườn cây, giúp giảm chi phí nhân công. Ngoài ra, hệ thống còn giúp ổn định sinh thái vườn, cây trồng phát triển tốt hơn.
Dự án SACCR đã triển khai 256 lớp tập huấn về quản lý đất đai và sinh khối, với 5.202 lượt người tham gia. Trong đó, năm 2022, dự án tổ chức 80 lớp, với 1.849 lượt người; năm 2024 tổ chức 176 lớp với 3.353 lượt người tham gia.
Thời gian qua, các dự án phi chính phủ đã chọn cây cà phê, hồ tiêu và một số vườn trồng xen để hỗ trợ. Trong đó, Dự án SACCR hỗ trợ 10 mô hình tưới nước tiết kiệm cho cà phê, 7 mô hình cho hồ tiêu.
Qua đánh giá, các mô hình tưới nước hiện đại giúp giảm 50 - 60% thời gian tưới, tiết kiệm 10% lượng nước sau mỗi lần tưới, giảm từ 10 - 15% lượng phân bón và năng suất tăng 15 - 20% so với canh tác truyền thống.
.jpg)
Theo ông Nguyễn Văn Chương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Giống nông, lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông, tại điểm học tập CRA, người dân được tiếp cận với phương pháp thực hành nông nghiệp tốt thông qua các lớp tập huấn đồng ruộng (FFS).
Mô hình đã giúp nhiều bà con nông dân thay đổi phương thức canh tác. Hiện nay, 100% hộ tham gia mô hình CRA không sử dụng thuốc trừ cỏ mà dùng máy phát cỏ để quản lý cỏ dại, sử dụng thuốc trừ sâu sinh học…
Nhờ chăm sóc, bón phân và phòng trừ sâu bệnh đúng quy trình kỹ thuật, cây trồng phát triển đồng đều, năng suất các vườn cây được vốn phi chính phủ tài trợ kỹ thuật đạt cao hơn so với mô hình đối chứng.