Theo báo cáo của Cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Hai ước đạt 37,9 nghìn tỷ đồng, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn Trung ương quản lý đạt 5,5 nghìn tỷ đồng, tăng 20,1%; vốn địa phương quản lý 32,4 nghìn tỷ đồng, tăng 39,8%.
Tính chung hai tháng đầu năm 2025, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 73,2 nghìn tỷ đồng, bằng 8,5% kế hoạch năm và tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2024 bằng 7,7% và tăng 2,6%). Cụ thể:
Vốn đầu tư thực hiện do Trung ương quản lý ước đạt 10,2 nghìn tỷ đồng, bằng 7,8% kế hoạch năm và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải đạt 5,9 nghìn tỷ đồng, giảm 4,2%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 1,5 nghìn tỷ đồng, tăng 99,3%; Bộ Y tế đạt 329,3 tỷ đồng, gấp 3,8 lần; Bộ Giáo dục và Đào tạo đạt 161,6 tỷ đồng, tăng 89,1%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 104,9 tỷ đồng, tăng 56,5%; Bộ Tài nguyên và Môi trường đạt 69,2 tỷ đồng, tăng 18,6%; Bộ Thông tin và Truyền thông đạt 40,4 tỷ đồng, tăng 54,9%.
Vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý ước đạt gần 63,0 nghìn tỷ đồng, bằng 8,6% kế hoạch năm và tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 41,1 nghìn tỷ đồng, bằng 7,8% và tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2024; Vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 18,9 nghìn tỷ đồng, bằng 10,5% và tăng 25,2%; Vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt gần 3,0 nghìn tỷ đồng, bằng 11,8% và tăng 24,4%.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước hai tháng đầu năm 2025 của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau:

Gần 6,9 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam trong 2 tháng đầu năm
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam hai tháng đầu năm 2025 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 6,9 tỷ USD, tăng 35,5% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký cấp mới có 516 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 2,19 tỷ USD, tăng 10,0% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và giảm 48,4% về số vốn đăng ký. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 1,45 tỷ USD, chiếm 66,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 371,5 triệu USD, chiếm 16,9%; các ngành còn lại đạt 371,8 triệu USD, chiếm 17,0%.

Trong số 44 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2025, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 679,8 triệu USD, chiếm 31,0% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Xin-ga-po 450,7 triệu USD, chiếm 20,6%; Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) Nhật Bản 253,3 triệu USD, chiếm 11,5%; Quần đảo Virgin thuộc Anh 163,7 triệu USD, chiếm 7,5%; Hoa Kỳ 107,9 triệu USD, chiếm 4,9%; Nhật Bản 104,1 triệu USD, chiếm 4,8%.
Vốn đăng ký điều chỉnh có 256 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 4,18 tỷ USD, gấp 6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4,51 tỷ USD, chiếm 70,8% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,45 tỷ USD, chiếm 22,7%; các ngành còn lại đạt 409,4 triệu USD, chiếm 6,5%.
Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 553 lượt với tổng giá trị góp vốn 529,8 triệu USD, tăng 88,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 240 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 318,8 triệu USD và 313 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 211 triệu USD. Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 198,4 triệu USD, chiếm 37,5% giá trị góp vốn; hoạt động chuyên môn, khoa hoc công nghệ đạt 157,0 triệu USD, chiếm 29,6%; ngành còn lại 174,4 triệu USD, chiếm 32,9%.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam hai tháng đầu năm 2025 ước đạt 2,95 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của hai tháng trong 5 năm qua. Trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 2,42 tỷ USD, chiếm 82,1% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 203 triệu USD, chiếm 6,9%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 122 triệu USD, chiếm 4,1%.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong hai tháng đầu năm 2025 có 30 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 233,6 triệu USD, gấp 9,4 lần so với cùng kỳ năm trước; có 05 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 5,4 triệu USD, gấp 24,3 lần.
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) gần 239 triệu USD, gấp 9,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 111,2 triệu USD, chiếm 46,5% tổng vốn đầu tư; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 65,6 triệu USD, chiếm 27,4%; khai khoáng đạt 41 triệu USD; chiếm 17,1%.
Trong hai tháng đầu năm 2025 có 22 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó: Lào là nước dẫn đầu với 139,7 triệu USD, chiếm 58,4% tổng vốn đầu tư; Phi-li-pin 34,2 triệu USD, chiếm 14,3%; In-đô-nê-xi-a 31,1 triệu USD, chiếm 13%; Quần đảo Virgin thuộc Anh đạt 21,0 triệu USD, chiếm 8,8%; Cu-ba 4,0 triệu USD, chiếm 1,7%.