Vốn chính sách tiếp sức người nghèo Đắk Ru
Chính quyền, người dân xã Đắk Ru, huyện Đắk R'lấp (Đắk Nông) tận dụng, phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách để giảm nghèo, vươn lên.
Căn nhà của gia đình bà Hoàng Thị Căn nằm ở cuối thôn Châu Thành, xã Đắk Ru. Xung quanh nhà, những trụ tiêu hơn 2 năm tuổi xanh tốt, chuẩn bị cho thu bói năm đầu tiên. Những trụ tiêu này được vợ chồng bà Căn trồng khi gia đình thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã.
Gần 20 năm trước, bà Căn và chồng từ Lạng Sơn vào Đắk Nông lập nghiệp. Đông con, lại ít đất sản xuất nên nhiều năm liền, gia đình bà Căn thuộc diện hộ nghèo của xã Đắk Ru. Hai vợ chồng bà Căn phải đi làm thuê để nuôi con ăn học và trang trải cuộc sống hàng ngày.
Vài năm trước, bà Căn được vay vốn ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đắk R’lấp. Từ nguồn vốn này, gia đình bà Căn đã cải tạo lại vườn cây. Chỉ vài năm sau, gia đình đã trả được nợ ngân hàng, mở rộng diện tích đất sản xuất của gia đình lên 2ha.
Bà Hoàng Thị Căn cho biết: ‘Từ số tiền vay ưu đãi, vợ chồng tôi yên tâm mua cây giống, phân bón mà đỡ nỗi lo trả nợ. Hàng năm, chúng tôi đều trả tiền lãi và tiền gốc đúng hạn. Đến kỳ hạn trả tiền, gia đình đã thu xếp để trả toàn bộ tiền cho ngân hàng như đã cam kết”.
Điều bà Căn hạnh phúc nhất, đó là sau khi trả được khoản vay dành cho hộ nghèo, gia đình bà được một số ngân hàng thương mại “mời” vay vốn để phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, do không muốn mang “tâm lý nợ nần”, gia đình bà Căn từ chối vay thêm tiền.
“So với nhiều hộ dân khác trong thôn, gia đình tôi cũng chưa thể bằng được, nhưng bây giờ thoát nghèo rồi, con cái cũng đã trưởng thành nên vợ chồng tôi không muốn vay mượn thêm. Chúng tôi sẽ tập trung làm ăn, chăm sóc vườn cây của gia đình để cuộc sống tốt hơn trong thời gian tới”, bà Căn nói thêm.
Là hộ dân tộc thiểu số, gia đình anh Nông Văn Bách, thôn Châu Thành được vay vốn chính sách với lãi suất ưu đãi. Có vốn làm ăn, anh Bách mạnh dạn mua máy móc và vật tư nông nghiệp, phục vụ sản xuất của gia đình.
Anh Bách cho biết: “Gia đình tôi có 8 khẩu nhưng chỉ có 2 lao động chính nên trước đây, đời sống rất khó khăn, không có vốn để đầu tư sản xuất. Sau khi được hỗ trợ vay vốn từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đắk R’lấp, tôi đã đầu tư vào vườn cà phê và hồ tiêu. Năm vừa rồi, tôi thu được khoảng 1 tấn cà phê và 1 tấn tiêu nên đã thoát được nghèo”.
Ông Vũ Trọng Quyền, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn thôn Châu Thành cho biết, hiện có 120 hộ dân trong thôn được tiếp cận nguồn vốn chính sách xã hội, với số tiền vay dao động 50-70 triệu đồng/hộ. Đặc biệt, nhờ việc trả lãi và gốc đúng hạn, nhiều hộ nghèo, cận nghèo của thôn đã “xây dựng được hình ảnh đẹp” với các ngân hàng thương mại, giúp việc vay vốn phát triển kinh tế thuận lợi hơn.
Ông Quyền cho biết: “Đối với các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, nguồn vốn vay ưu đãi rất có ý nghĩa. Chúng tôi kiến nghị trong thời gian tới, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đắk R’lấp có thể mở rộng thêm các đối tượng và thời gian cho vay, giúp các hộ dân yên tâm đầu tư, sản xuất”.
Ông Lê Hoài An, Chủ tịch UBND xã Đắk Ru cho biết, nguồn vốn chính sách có tác động rất lớn đối với công tác giảm nghèo của địa phương. Tổng dư nợ toàn xã là hơn 75 tỷ đồng. Điều đáng mừng, phần lớn những hộ dân được vay vốn đều có ý thức thoát nghèo, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay và trả lãi, gốc đầy đủ, đúng hạn, tạo được niềm tin cho tổ chức tín dụng.