Vóc dáng ngành công nghiệp nhôm Đắk Nông

03/02/2022 06:02

Sở hữu diện tích và trữ lượng khoáng sản lớn, Đắk Nông đang tập trung khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên này, từng bước hình thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia vào năm 2030.

ADQuảng cáo

Cơ sở hình thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia

Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg, ngày 1/11/2007 thì bô xít trên địa bàn tỉnh Đắk Nông được quy hoạch thành 13 khu vực mỏ.

Trữ lượng bô xít của Đắk Nông rất lớn, chiếm khoảng 2/3 tổng trữ lượng của cả nước. Trữ lượng và tài nguyên dự tính vào khoảng 1,436 tỷ tấn tinh quặng, tương đương 3,425 tỷ tấn quặng nguyên khai. Hàm lượng nhôm đạt từ 35-40%. Các mỏ được phân bố chủ yếu tại các địa phương như: Đắk Glong, Đắk Song, Đắk R’lấp, Tuy Đức và TP. Gia Nghĩa.

Đến nay, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã tiến hành thăm dò tại 9 khu vực mỏ. Hội đồng trữ lượng khoáng sản Quốc gia đã thẩm định và phê duyệt với tổng diện tích thăm dò là 1.605,1 km2. Tổng trữ lượng và tài nguyên xác định đã được thăm dò, đánh giá là 992,971 triệu tấn quặng tinh.

Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk R'lấp) đang đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Ảnh: Văn Biên

Chủ trương về thăm dò, khai thác, chế biến bô xít và sản xuất alumin đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX khẳng định trong báo cáo ngày 10/4/2006 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006 – 2010).

Tiếp nối chủ trương trên, khi xem xét cụ thể dự án khai thác bô xít, sản xuất alumin tại Đắk Nông, trong phiên họp ngày 11/8/2006, Bộ Chính trị đã tán thành triển khai dự án do Ban cán sự Đảng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) trình bày.

Xét về góc độ kinh tế vùng, Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng là vùng kinh tế kém phát triển. Vấn đề này đã được Bộ Chính trị khẳng định trong Thông báo số 245-TB/TW ngày 24/4/2009: “Kết cấu hạ tầng Tây Nguyên còn thấp kém, nguồn nước và nguồn điện còn hạn chế, nên cần phải đẩy mạnh phát triển để vừa đáp ứng yêu cầu khai thác bô xít, sản xuất alumin, vừa bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng này”.

Thực hiện chủ trương trên, tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đắk Nông đã đặt ra mục tiêu “Xây dựng tỉnh Đắk Nông trở thành địa phương phát triển kinh tế năng động và bền vững của vùng Tây Nguyên”; “Trở thành Trung tâm công nghiệp Nhôm quốc gia” đến năm 2030.

Cụ thể hóa nội dung này, ngày 19/8/2021, Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về phát triển công nghiệp, giai đoạn 2021 - 2025, có định hướng đến năm 2030 để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Nghị quyết xác định rõ, đến năm 2025, phát triển công nghiệp alumin, điện phân nhôm và năng lượng tái tạo sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Từ đó góp phần tăng thu ngân sách, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp từng bước hiện đại.

Như vậy, từ nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú cùng với những chủ trương đúng đắn, việc đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp khai thác bôxít, luyện alumin, điện phân nhôm trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn tới là thực sự cần thiết, phù hợp và đúng theo định hướng của Đảng, Nhà nước đề ra.

Khép kín chuỗi sản xuất

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, trong giai đoạn 2010-2020, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã đưa vào hoạt động sản xuất Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk R’lấp). Đây là nền móng đầu tiên, khởi đầu cho việc hình thành Trung tâm công nghiệp Nhôm tại Đắk Nông.

ADQuảng cáo

Dự án do TKV làm chủ đầu tư, với công suất thiết kế là 650.000 tấn alumin/năm. Đây là một trong hai dự án thí điểm trong ngành công nghiệp mới - công nghiệp khai thác, chế biến quặng bô xít tại Tây Nguyên, để sản xuất alumin tiến tới sản xuất nhôm.

Dự án có tổng mức đầu tư là 16.822 tỷ đồng. Sau 5 năm đi vào vận hành sản xuất thương mại, đến nay, hoạt động sản xuất của nhà máy tương đối ổn định và đạt được công suất thiết kế. Sản phẩm đầu ra của Nhà máy chất lượng tốt, bảo đảm yêu cầu của khách hàng. Trong giai đoạn 2015-2020, dự án đã nộp ngân sách Nhà nước hơn 1.517 tỷ đồng.

Đến nay, Nhà máy Alumin Nhân Cơ không chỉ làm chủ được công nghệ, mà còn chủ động nghiên cứu các giải pháp hợp lý hóa dây chuyền sản xuất. Sản phẩm alumin do Công ty sản xuất chủ yếu được xuất khẩu đi các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Thụy Sĩ...

Đồ họa: Việt Dũng

Nền móng tiếp theo, đó là Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông (Đắk R’lấp) của Công ty TNHH luyện kim Trần Hồng Quân. Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 2/2015 tại Khu công nghiệp Nhân Cơ, với tổng mức đầu tư là 15.480 tỷ đồng. Công suất thiết kế của dự án là 450.000 tấn nhôm/năm.

Nhà máy hình thành sẽ tạo điều kiện đồng bộ hóa và khép kín chuỗi công nghiệp khai thác bô xít - chế biến alumin - sản xuất nhôm thỏi và công nghiệp chế biến nhôm thỏi. Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ bao tiêu toàn bộ sản lượng alumin của Nhà máy Alumin Nhân Cơ và một phần sản lượng của Nhà máy Alumin Tân Rai (Lâm Đồng).

Đây là mắt xích quan trọng kết nối công nghiệp bô xít và công nghiệp phụ trợ. Dự kiến khi đi vào vận hành, dự án sẽ đóng góp ngân sách khoảng 3.000 tỷ đồng/năm, thu hút khoảng 1.000 lao động.

Đến nay, các hạng mục xây dựng của nhà máy đã thực hiện đạt khoảng 90% và đang chờ lắp máy thiết bị, với tổng vốn đầu tư đã thực hiện đạt khoảng 2.400 tỷ đồng.

Bước đệm để bứt phá

Theo Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV, trong giai đoạn 2021-2025, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam sẽ thực hiện công tác thăm dò chi tiết cho phần diện tích khai thác năm 2025 -2026; đồng thời, thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1/1.000 khu vực mỏ bô xít Nhân Cơ.

Như vậy, trong giai đoạn này, nếu điều kiện thuận lợi, Nhà máy Alumin Nhân Cơ có thể sản xuất khoảng 2 triệu tấn alumin/năm, bảo đảm việc xuất bán ra thị trường nước ngoài và cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông.

Theo kế hoạch của TKV, trong giai đoạn 2021-2025 sẽ tiến hành cường hóa, nâng công suất khai thác, sàng tuyển và sản xuất alumin đạt 750.000 - 800.000 tấn/năm cho Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Cùng thời điểm này sẽ triển khai các bước chuẩn bị đầu tư xây dựng thêm dây chuyền sản xuất alumin thứ 2, đặt ngay trong Nhà máy hiện tại, với công suất 1,2 - 1,5 triệu tấn/năm. Đến năm 2030, Tập đoàn sẽ triển khai các bước, để chuẩn bị đầu tư dự án Nhà máy sản xuất alumin thứ 2. Nhà máy này có công suất từ 2 - 3 triệu tấn alumin/năm, vốn đầu tư dự kiến từ 2 - 3 tỷ USD.

Đối với Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông, đến tháng 12/2022, dự án sẽ hoàn thành công tác lắp đặt và chạy thử dây chuyền giai đoạn 1, với công suất 150.000 tấn/năm. Tiếp đến tháng 1/2023, dự án đưa giai đoạn 1 của Nhà máy vào sản xuất, với công suất 150.000 tấn/năm và triển khai lắp đặt dây chuyền giai đoạn 2, với công suất 300.000 tấn/năm. Đến tháng 1/2025, dự án sẽ đưa dây chuyền giai đoạn 3 vào sản xuất, với sản lượng nhôm đạt ổn định ở mức 450.000 tấn/năm.

Việc đầu tư xây dựng Nhà máy Alumin Nhân Cơ và Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông đang khẳng định hướng đi đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Những kết quả đạt được của ngành công nghiệp mới tại Đắk Nông trên bản đồ kinh tế Việt Nam mang vóc dáng của một Trung tâm công nghiệp Nhôm quốc gia trong 10 năm tới.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vóc dáng ngành công nghiệp nhôm Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO