Các nạn nhân này đều bị thu hút bởi lời hứa hẹn ban đầu đầy hấp dẫn trên mạng xã hội như: “chỉ cần biết sử dụng máy vi tính”, “mức lương hấp dẫn” từ 1.000 đến 2.000USD/tháng, kèm tiền thưởng nếu doanh thu tăng. Thế nhưng, tất cả đều vỡ mộng khi sa vào hang ổ của bọn lừa đảo.
Các nạn nhân sau khi bị dẫn dắt sang Campuchia sẽ bị thu giữ các loại giấy tờ tùy thân và bị đưa đến những Công ty, casino, Trung tâm lừa đảo do đối tượng người nước ngoài quản lý. Không chỉ bị cưỡng bức lao động, các nạn nhân này còn bị ép buộc thực hiện hành vi lừa đảo trực tuyến trên mạng xã hội. Anh T.H.H, là 01 trong 10 nạn nhân trên địa bàn tỉnh cho hay: Lúc đầu em tìm kiếm việc làm trên facebook, được quảng cáo là sang Campuchia làm việc trong casino chỉ là hướng dẫn cho khách chơi trong casino thôi với mức lương 1.000USD/tháng. Khi em qua tới bên đó, em thấy không giống như giới thiệu nên là em không đồng ý làm, đòi về. Lúc đó em đã bị đánh rồi đòi tiền chuộc. Số tiền lớn với em quá, nhà không có tiền đền nên em cố ở lại làm.
Công an Đồng Tháp bàn giao 10 nạn nhân được giải cứu từ Campuchia về với gia đình. |
Với mong muốn có việc làm với mức lương cao, giúp đỡ ba mẹ, em N.T.H cũng liều mình đi Campuchia. Thế nhưng, sự thật lại là sau gần 01 năm bôn ba nói đất khách, quê người, em nhận lấy một bài học ê chề: Một ngày nó bắt tìm để lừa 1-2 khách, không được là bị đánh khiếp lắm.
Bị tra tấn, hành hạ, đòi tiền chuộc vài trăm triệu đồng nếu muốn về nhà, cuối cùng là bị bán sang các Trung tâm lừa đảo khác, chứng kiến những người đồng hương bị đe dọa như thế, người qua mới buộc phải nghe theo sự điều khiển của bọn lừa đảo. Anh T.H.H kể thêm: Thông thường quản lý là người Trung Quốc... Đầu tiên là nó phát 05 cái facebook và nó đưa cho mình mấy nhân vật là người thành đạt. Đối tượng lừa đảo là những người phụ nữ ly dị chồng hoặc là góa chồng (độ tuổi từ 50 đến 60). Ngày đầu tiên là làm quen nói chuyện bình thường, ngày thứ 2 nó tra hỏi khách hàng có tiền hay không, có tiền bắt đầu nó sẽ tấn công tiếp bước 2, không có tiền là nó bỏ.
Ngoài bẫy tình, các đối tượng còn ép nạn nhân thực hiện nhiều chiêu lừa quen thuộc trên không gian mạng như: làm nhiệm vụ mua đơn hàng trên các sàn thương mại điện tử; đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp; dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa; đầu tư tài chính; gửi bưu kiện; trúng thưởng… Em N.T.H ám ảnh kể lại chuỗi ngày bi kịch của bản thân: Nó đưa em lên lầu chích điện, xong rồi nó đánh, không có khách nó giam em trên phòng chích điện nửa tiếng. Mấy người phạm luật nó đánh trước ngay trước mặt mình. Khả năng mình trốn về hầu như không có. Nhiều khi không có khách mới là em lo lắm vì tối phải bị đánh, đánh nhiều quá áp lực chịu không nổi.
Em V.D.T kể lại: Nó không phát lương cho em, do em làm không có khách. Em nghĩ là mình không có ngày về rồi, vì nó sẽ bán em sang nơi khác, tại vì gia đình không có tiền chuộc, may mắn Công an ập vào giải cứu.
Những nạn nhân này đã bị cưỡng ép lao động từ 12 - 16 tiếng/ngày, quản lý, giám sát chặt chẽ, không được đi lại, gần như ngừng liên lạc với gia đình và thế giới bên ngoài. Và con đường trở về nhà càng trở nên mờ mịt khi số tiền chuộc mà bọn lừa đảo yêu cầu vượt quá khả năng của họ.
Thượng tá Nguyễn Trường Giang, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Đồng Tháp khuyến cáo người dân có nhu cầu tìm việc làm: “Không có nghề chân chính nào mà việc nhẹ, lương cao. Khi đi tìm việc làm hãy cảnh giác với những thông tin tuyển dụng phóng đại hay mô tả công việc không rõ ràng, việc nhẹ, lương cao, có yếu tố nước ngoài. Hãy cảnh giác với những yêu cầu vô lý. Bản thân người có nhu cầu việc làm, cần tìm hiểu rõ lĩnh vực nào, có hợp lý, hợp pháp và được cấp phép không. Nơi giới thiệu việc làm phải có giấy phép, có trụ sở hoạt động rõ ràng để tránh trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo, cần phải tỉnh táo trong quá trình tìm việc”.
Đó cũng là lời cảnh tỉnh cho những ai còn ôm giấc mộng đổi đời bằng những lời hứa hẹn đầy hấp dẫn bằng công việc không có thật nơi đất khách, quê người. Có chăng là sự vỡ mộng và bài học ngậm đắng, nuối cay vì giấc mơ đổi đời từ việc nhẹ, lương cao.