Kinh tế

"Vỡ" kế hoạch phát triển (*)

Đức Hùng 28/06/2023 05:00

Những năm gần đây, rất nhiều người dân ở Đắk Nông đã chuyển đổi những cây trồng khác sang trồng sầu riêng. Vì thế, diện tích sầu riêng nhanh chóng vượt quy hoạch của tỉnh rất nhiều.

srchon.png
srtoancanh-1-.jpg
Diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tăng nhanh trong những năm gần đây

Đổ xô trồng sầu riêng

Năm 2022, ông Lầu A Sy, ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) bắt đầu thu bói 500 cây sầu riêng. Ông thu hoạch được hơn 20 tấn quả, bán được 1,6 tỷ đồng.

Ông Sy cho biết, ông trồng sầu riêng từ năm 2016. Khởi điểm ông trồng 1.000 gốc, nhưng sau đó đã chết 500 gốc vì thiếu kiến thức chăm sóc.

Ngoài diện tích đang bắt đầu cho thu hoạch, từ năm 2017 đến nay, ông đã phát triển thêm 45 ha sầu riêng, chủ yếu trồng thuần, tổng mức chi phí khoảng 6,5 tỷ đồng.

Theo ông Sy, sầu riêng là loại cây trồng khó tính, phải từ 5 - 6 năm mới bắt đầu cho thu hoạch ổn định. Do đó, để đầu tư sản xuất sầu riêng, ngoài kiến thức, nguồn vốn phải “dày”.

1ha đất, ông trồng thuần được khoảng 150 cây sầu riêng. Trong chu kỳ 5 năm, ngoài giá trị đất, ông phải đầu tư khoảng 200 - 300 triệu đồng/ha cho cây giống, công chăm sóc, phân bón, nước tưới, các loại thuốc phòng chống bệnh, kích thích sinh trưởng…

dsc03939(1).jpg
Từ năm 2017 đến nay, ông Sy đã phát triển thêm 45 ha sầu riêng

Còn anh Phạm Quốc Hưng, ở xã Đắk Búk So (Tuy Đức), có 10 ha trồng sầu riêng. Trong đó, khoảng 500 cây bắt đầu cho thu bói vào năm nay.

Dù diện tích đã rất lớn, nhưng anh vẫn tiếp tục xuống giống thêm 1.000 cây sầu riêng trồng xen với 5 ha cây trồng khác.

Anh Hưng cho biết, nông nghiệp hiện nay dù trồng cây gì cũng đối mặt với nhiều rủi ro. Tôi chọn sầu riêng vì cây trồng này đang có giá trị kinh tế cao.

Tôi đầu tư sản xuất sầu riêng để tạo cơ hội tăng nguồn thu nhập cho gia đình. Còn về lâu về dài thì cũng không có gì bảo đảm an toàn.

Anh Phạm Quốc Hưng, ở xã Đắk Búk So, Tuy Đức, Đắk Nông.

Huyện Tuy Đức có hơn 1.000 ha sầu riêng, có 372 ha cho thu hoạch, sản lượng quả thu hoạch ước đạt 2.458 tấn/năm. Sầu riêng được trồng khắp các địa bàn trong huyện.

Việc phát triển sầu riêng trên địa bàn huyện chủ yếu diễn ra theo hình thức tự phát, trong đó phần lớn là trồng xen canh với các loại cây trồng khác.

Trong 3 năm trở lại đây, giá sầu riêng luôn giữ ở mức cao, nên diện tích loại cây này trên địa bàn huyện Tuy Đức tăng nhanh, bình quân tăng 150ha – 200ha/năm. Các giống sầu riêng trồng chủ yếu gồm sầu riêng ghép Ri6, Dona, Musang king, Monthong.

dsc01930(3).jpg
Việc tiêu thụ sầu riêng hiện nay chủ yếu phụ thuộc thương lái vào vườn thu mua

Tương tự, theo thống kê của ngành chức năng, huyện Đắk R’lấp có hơn 2.260 ha sầu riêng trồng xen và trồng thuần, sản lượng đạt 15.657 tấn/năm.

Phòng NN-PTNT huyện tham mưu UBND huyện Đắk R'lấp khuyến cáo người dân nên xem xét việc trồng sầu riêng ở khu vực nào để phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng và phát triển bền vững.

Do sầu riêng những năm qua có giá bán khá cao, cho thu nhập cao nhất trong các loại cây trồng. Đây là lý do khiến người dân có xu hướng chặt bỏ một số cây như cao su, điều để trồng sầu riêng. Một số trường hợp thì trồng xen trong vườn cà phê.

Ông Nguyễn Thành Nên, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đắk R'lấp, Đắk Nông

Quy hoạch phát triển sầu riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2025 là 5.000 ha. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã có 6.139 ha sầu riêng. Ngành chức năng dự báo, diện tích loại cây trồng này ở Đắk Nông sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

dji_0414.00_00_55_11.still002(1).jpg
Ngành chức năng dự báo, diện tích cây sầu riêng ở Đắk Nông sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới

Phớt lờ khuyến cáo

Thời gian qua, việc được xuất khẩu chính ngạch sầu riêng và một số loại cây ăn quả có tiềm năng đang mang lại nhiều cơ hội, lợi ích lợi cho ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông.

Bên cạnh cơ hội phát triển từ việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, chính quyền các địa phương đang đối mặt với tình trạng người dân chủ động mở rộng diện tích sầu riêng ở các vùng có điều kiện đất đai không phù hợp.

Nhiều bà con phớt lờ khuyến báo, tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng sầu riêng. Điều này khiến cho ngành chức năng lo ngại về những hệ lụy sau này.

sr-3-(1).jpg
Ngoài chặt bỏ một số cây trồng khác để trồng sầu riêng, nhiều trường hợp thì trồng xen trong vườn cà phê

Ông Nguyễn Viết Vui, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh Đắk Nông cho biết, với tình trạng phát triển sầu riêng ồ ạt sẽ gây nhiều hệ lụy khó lường. Trong đó, lo ngại nhất là phá vỡ quy hoạch, sản xuất thiếu bền vững.

Đặc biệt, việc phát triển "nóng" cây sầu riêng sẽ khiến người sản xuất đối mặt với những rủi ro như cung vượt quá cầu, mất giá, ách tắc đầu ra sản phẩm...

Nhiều người dân phát triển sầu riêng ở các vùng không phù hợp, không chủ động được tưới. Điều nay sẽ gây thiệt hại về nhiều mặt, nhất là làm giảm năng suất, chất lượng sản phẩm sầu riêng

sr-1-(1).jpg
Việc phớt lờ khuyến cáo, trồng không đúng quy trình kỹ thuật khiến nông dân đối mặt với nhiều rủi ro

Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân không trồng mới, tái canh, chuyển đổi các loại cây lâu năm để chạy theo giá cả thị trường. Người dân cần phát triển các loại cây lâu năm, cây sầu riêng theo hướng khai thác hợp lý điều kiện tự nhiên và hạ tầng nông nghiệp.

Ông Nguyễn Viết Vui, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông nghiệp Đắk Nông

Trước thực trạng phát triển "nóng" sầu riêng, mới đây, Bộ NN-PTNT đã ra khuyến cáo với người dân. Theo đó, việc phát triển sầu riêng ồ ạt, thiếu kiểm soát, theo phong trào, không theo định hướng quy hoạch sẽ xảy ra hậu quả khó lường. Sầu riêng sẽ đứng trước nguy cơ cung vượt quá cầu, dư thừa. Phát triển sầu riêng ở các vùng không chủ động được nước tưới sẽ gây thiệt hại lớn về năng suất và chất lượng sầu riêng của Việt Nam.

Bộ NN-PTNT cũng khuyến khích trồng sầu riêng cần theo định hướng thị trường, liên kết sản xuất, chuẩn hóa quy trình từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối… để nâng giá trị gia tăng.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT cho biết, có một số nguyên nhân dẫn đến việc phát triển sầu riêng ồ ạt trong những năm qua. Trước hết do giá bán sản phẩm sầu riêng ở mức cao.

Sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Tỉnh Đắk Nông định hướng phát triển vùng trồng sầu riêng quy mô lớn phục vụ xuất khẩu...

Ngoài ra, một phần cũng do người dân có tâm lý nóng vội, muốn phát triển loại cây trồng này một cách nhanh chóng để tạo nguồn thu nhập cao.

batinh.jpg

Nếu nông dân sản xuất sầu riêng tự phát, không theo quy chuẩn xuất khẩu, lượng sầu riêng sản xuất ra sẽ dẫn đến cung vượt cầu, lúc đó giá bán sẽ thấp và không đem lại hiệu quả, trong khi đó việc đầu tư cho một cây sầu riêng không hề nhỏ.

Bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông

(*) Bài 2 trong tuyến bài dài kỳ: Chặn đà bùng nổ diện tích sầu riêng ở Đắk Nông

Đọc tiếp
    Nổi bật
        Mới nhất
        "Vỡ" kế hoạch phát triển (*)
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO