Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)
Ngày 8/3, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị "Xúc tiến thu hút các Nhà đầu tư chiến lược Việt Nam-Nhật Bản đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc năm 2023."
Đây là một trong những chương trình hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản (21/9/1973-21/9/2023).
Hội nghị trên nhằm đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư chiến lược đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc, đặc biệt là thị trường Nhật Bản trong các lĩnh vực: chế biến, chế tạo, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao, thương mại, dịch vụ, đồng thời tạo cơ hội hợp tác phát triển cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với các doanh nghiệp Nhật Bản.
Thông qua hội nghị, nhằm tăng cường hiểu biết của các doanh nghiệp Nhật Bản về môi trường đầu tư, tiềm năng, cơ hội đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc; gặp mặt các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đại diện các cơ quan xúc tiến đầu tư, thương mại, các hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước, các cơ quan báo chí, quảng bá, tuyên truyền môi trường, tiềm năng, cơ hội và kết nối hợp tác đầu tư.
Dịp này, hội nghị tổng kết giai đoạn I của bản ghi nhớ về dự án "Chăn nuôi, chế biến thịt bò tại huyện Tam Đảo."
Theo tổng hợp ý kiến của ông Yoichi Harumoto, Tổng giám đốc Công ty chăn nuôi Việt Nam; ông Masayoshi Fụimoto, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) và bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk, thời gian qua, các doanh nghiệp luôn nhận được sự đồng hành của tỉnh, giúp doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thực thi các chính sách về thủ tục hành chính, thuế, giải phóng mặt bằng và nhiều thủ tục khác.
Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Sojitz( Nhật Bản) Masayoshi Fujimoto thảo luận tại hội nghị. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)
Về phía Công ty Chăn nuôi Việt Nam, Tập đoàn Sojitz cam kết đã và đang tập trung đầu tư xây dựng Tổ hợp chăn nuôi và chế biến thịt bò Vinabeef Tam Đảo theo đúng cam kết để cung cấp sản phẩm bò thịt cao cấp, an toàn cho người dân Việt Nam.
Đồng thời, sẵn sàng hướng dẫn người dân địa phương các phương pháp chăm sóc, vỗ béo đàn bò để cải thiện năng suất, chất lượng đàn bò thịt.
Tập đoàn tiếp tục nghiên cứu, cung ứng hệ thống bảo quản thực phẩm lạnh; hệ thống chăn nuôi sạch, an toàn vừa bảo đảm chất lượng vừa bảo vệ môi trường và từng bước góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng, Việt Nam nói chung.
Đại diện một số doanh nghiệp khác cũng cho rằng Việt Nam là thị trường lớn và Vĩnh Phúc cũng có điều kiện thuận lợi, nếu có các nguồn sản phẩm đảm bảo chất lượng, đáp ứng các tiêu chí thì doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn được hợp tác với Vĩnh Phúc để thành lập các chuỗi sản xuất ở một số ngành nghề thuộc tiềm năng, thế mạnh.
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 1.270 dự án; trong đó, 445 dự án vốn đầu tư nước ngoài ( FDI) với tổng vốn đầu tư 7,55 tỷ USD và 825 dự án vốn đầu tư trong nước (DDI) với tổng vốn đầu tư hơn 121 nghìn tỷ đồng.
Hiện nay có 20 quốc gia/vùng lãnh thổ có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; trong đó có 58 dự án đầu tư của nhà đầu tư Nhật Bản với số vốn đăng ký hơn 1,6 tỷ USD, đứng thứ 2 về tổng vốn đăng ký, sau Hàn Quốc.
Các nhà đầu tư Nhật Bản tại Vĩnh Phúc đầu tư tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực công nghiệp cơ khí, ôtô, xe máy, thiết bị điện tử, hạ tầng khu công nghiệp, đóng góp tích cực cho ngân sách của tỉnh, chiếm 88% trên tổng giá trị nộp ngân sách của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh./.